Tín hiệu tốt cho đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam

Cập nhật 28/08/2015 11:20

Thủ tướng vừa phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển GTVT đường sắt VN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020 sẽ nghiên cứu phương án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đến năm 2030 sẽ triển khai xây dựng theo khả năng huy động vốn.

Cụ thể, giai đoạn đến năm 2020 sẽ thực hiện nâng cấp, từng bước hiện đại hóa tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM dài 1.726km hiện có để đạt tốc độ chạy tàu bình quân từ 80 đến 90 km/h đối với tàu khách và 50 đến 60 km/h với tàu hàng...

Trong giai đoạn này nghiên cứu phương án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1,435m, trong đó chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn như Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang.

Đến năm 2030, sẽ triển khai xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1,435m, điện khí hóa (trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160 đến dưới 200 km/h), hạ tầng tuyến có thể đáp ứng khai thác tốc độ cao 350km/h trong tương lai, ưu tiên xây dựng trước những đoạn có nhu cầu vận tải lớn trên trục Bắc - Nam theo khả năng huy động vốn.

Quy hoạch cũng đưa ra mục tiêu đến năm 2030 nghiên cứu xây dựng các tuyến đường sắt khổ 1,435m điện khí hóa: Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng dài 380km, Hà Nội - Đồng Đăng dài 156km.

Tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam cũng là nỗi canh cánh trong lòng bấy lâu nay của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng.

Ngày 22/8, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, trong buổi lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành và đại hội thi đua yêu nước ngành GTVT, ông nói: "Chúng ta vẫn còn canh cánh món nợ lớn với nhân dân về một tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Hệ thống hạ tầng hiện tại cần phải hiện đại hơn nữa, thuận tiện hơn nữa, an toàn hơn nữa, đa dạng và tiết kiệm hơn nữa".

Xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Trước đó, tại cuộc họp Bộ GTVT ngày 2/6, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu các cơ quan chức năng triển khai kế hoạch Chiến lược phát triển đường sắt đến năm 2030, trong đó, cụ thể hóa các mục tiêu của chương trình hiện đại hóa đường sắt Bắc - Nam như hạng mục, kiểu đường xây dựng, loại tàu sử dụng... theo hướng công khai minh bạch để người dân và các doanh nghiệp được biết.

Bộ trưởng chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, lập đề án đường sắt cao tốc Bắc -Nam, phấn đấu trước năm 2020 sẽ trình Quốc hội báo cáo chủ trương xây dựng.

Hơn nữa, việc lựa chọn xây dựng khổ đường sắt 1,435m cùng với phương án xây từng đoạn là rất phù hợp và đúng quy trình theo các chuyên gia giao thông.

Trao đổi với Đất Việt, ngày 11/6, ông Nguyễn Văn Hùng - Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng HN cho biết: "Thứ nhất, nền tảng của đường sắt cao tốc là phải vận hành với tốc độ khoảng 200km/h, khổ đường 1.435m đúng tiêu chuẩn quốc tế, cho cả vận tải hàng hóa lẫn hành khách.

Thứ hai, nếu trên nền tảng đường sắt cũ muốn nâng cấp, cải tạo, thì phải nâng lên làm sao tận dụng được cơ sở hạ tầng ấy, có nghĩa nếu vẫn chỉ nâng cấp, cải tạo trong khuôn đường sắt là 1m thì có nghĩa không thay đổi gì, khi xây tuyến đường sắt cao tốc mới sẽ không tận dụng được cái cũ, như vậy là rất lãng phí".

PGS.TS Nguyễn Đình Thám - Trưởng Bộ môn Công nghệ và Quản lý xây dựng, Đại học Xây dựng HN cho rằng: "Nên phân khúc thực hiện từng đoạn, đoạn nào mật độ giao thông lớn thì nên hiện đại hóa trước, để nâng cao năng lực chạy tàu, giải tỏa cho đường bộ, tiêu biểu như những đoạn Sài Gòn - Nha Trang, Hải Phòng- HN.

Nghĩa là, sẽ chia thành nhiều dự án nhỏ, gói nào làm gói đấy, cuối cùng kết thúc nối các đoạn vào là xong, chứ làm như hiện nay nâng cấp lên rồi cuối cùng thay toàn bộ cả tà vẹt, cung đường, đường ray, tốn kém vô cùng, mà 10 tỷ USD cải tạo là không hề nhỏ, đủ để làm đường sắt cao tốc cho 1 đoạn".

Khi nói đến việc lựa chọn nhà thầu trong thời điểm hiện tại, theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy, xây dựng đường sắt cao tốc hiện nay có mấy nước công nghệ phát triển mạnh như Pháp, Nhật Bản, Đức, Italia và Trung Quốc.

Ông cho rằng: "Theo tôi nên chọn Nhật Bản, vì họ cung cấp nguồn vốn ODA cũng hướng vào giúp chúng ta phát triển hệ thống đường sắt, khi đó sẽ hợp lý hơn, bởi vì, các thiết bị, công nghệ NB rất phù hợp với Việt Nam".

DiaOcOnline.vn - Theo Đất việt