Tìm thuốc chữa những căn bệnh đô thị

Cập nhật 18/05/2010 11:10

Đây cũng là vấn đề chính được thảo luận trong cuộc hội thảo “Phát triển đô thị bền vững” tổ chức vào ngày 17.5 tại TP.HCM, với sự tham gia của các lãnh đạo, cơ quan, ban ngành của TP.HCM, TP Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên - Huế.


Với mức tăng trưởng đô thị như hiện tại thì TP.HCM cần phải xử lý tái định cư cho khoảng 1 triệu người Ảnh: Tư liệu

Cuộc hội thảo nhằm tìm giải pháp để chữa những “căn bệnh đô thị” đang tồn tại và những biện pháp để phát triển một đô thị bền vững trong tương lai. Nhiều lãnh đạo, nhà khoa học trong và ngoài nước đã tham dự.

Theo nhận định của bộ Xây dựng, TP.HCM, Hà Nội, Huế đều gặp phải "căn bệnh trầm kha" như: ô nhiễm môi trường, ngập nước, ùn tắc giao thông, bộ mặt đô thị xuống cấp… Tuy vậy, những người có chuyên môn trong lĩnh vực này còn thiếu và yếu.

Khảo sát điều tra của bộ Xây dựng năm 2009 cho thấy, chỉ có 35,97% cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên môn quản lý công tác xây dựng của các TP, thị xã thuộc tỉnh; 28,07% chủ tịch, phó chủ tịch và 27,43% công chức địa chính - xây dựng cấp phường, thị trấn đã qua đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý, xây dựng và phát triển đô thị.

Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Lân, tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam cho rằng, một đô thị phát triển bền vững phải đảm bảo có 3 yếu tố bền vững: kinh tế, xã hội và môi trường. Ông viện dẫn 4 tiêu chí của một thành phố phát triển bền vững trong cơ chế thị trường do ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra là: cạnh tranh tốt, cuộc sống tốt, tài chính lành mạnh và quản lý tốt, để phân tích cho nhận định của mình.

Trong đó cạnh tranh tốt, yếu tố rất quan trọng trong nền kinh tế thị trường; tài chính lành mạnh có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển ổn định và bền vững; quản lý tốt là hoạt động điều hành đô thị hiệu quả với đội ngũ cán bộ có “tâm" và có tầm.

Để hạn chế tối đa phát triển tự phát, đảm bảo tính đồng bộ của quá trình phát triển, GS - TS Đặng Hùng Võ đưa ra 2 giải pháp khá đặc biệt để phát triển một đô thị bền vững, là chia sẻ lợi ích và góp đất, điều chỉnh lại đất đai. Theo ông Võ, việc chia sẻ lợi ích có thể bằng tiền hoặc các lợi ích khác không bằng tiền. Lợi ích bằng tiền có thể là các khoản bồi thường thêm cho dân, thiết lập các quỹ phát triển vùng dài hạn, hay xây dựng mối quan hệ đối tác giữa nhà đầu tư và cộng đồng để chia sẻ những lợi nhuận lâu dài thu được từ dự án. Góp đất và điều chỉnh lại đất đai là hình thức các khu đất nông nghiệp được thu hồi và sau khi được chuyển đổi thành vùng đô thị sẽ được phân chia phù hợp để bồi thường cho những người bị thiệt hại. Vì giá trị bất động sản tại khu vực mới (đô thị) sẽ cao hơn nhiều so với khu vực trước đó (nông nghiệp).

Giáo sư Volker Martin (Đức) cho rằng, với một siêu đô thị 10 triệu dân thì TP.HCM cần thiết phải thiết kế thành phố nén với hệ thống hạ tầng kỹ thuật tích hợp và thông minh theo điều kiện khí hậu, địa hình và diện mạo đô thị, quỹ đất và mục tiêu bảo vệ môi trường. Giảm thiểu mật độ giao thông, ưu tiên bố trí đường đi bộ với bán kính 150m, khuyến khích phát triển các trung tâm vệ tinh đô thị, phát triển về phía tây bắc, tránh các khu vực sình lầy phía nam. Ông Volker cũng lưu ý, với mức tăng trưởng đô thị như hiện tại thì TP.HCM cần phải xử lý tái định cư cho khoảng 1 triệu người.

Còn Th.S Đoàn Kim Thành (viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) đề xuất phương pháp khai thác quỹ đất hai bên đường. Đó là, thay vì giải tỏa theo ranh giới của dự án thì mở rộng thêm ranh đất ở hai bên đường. Phần đất này sẽ được đưa ra đấu giá để không những hoàn vốn đầu tư mà còn giúp giải quyết triệt để tình trạng nhà siêu mỏng và không rõ hình thù đang làm xấu đi bộ mặt kiến trúc của thành phố.

Hội thảo sẽ tiếp tục diễn ra trong ngày mai 18.5.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị