Tìm lại giá trị cốt lõi

Cập nhật 04/11/2011 16:15


Ảnh minh họa: Corbis
Việc trong vòng chưa đầy 1 tuần có tới 3 doanh nghiệp thông báo giảm 35 - 40% giá bán căn hộ, đang khiến không ít người liên tưởng tới sự tháo chạy có hệ thống của nhà đầu tư trên thị trường địa ốc.

Việc trong vòng chưa đầy 1 tuần có tới 3 doanh nghiệp là CTCP Địa ốc Dầu khí - PVL, CTCP Đầu tư công đoàn Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDVUC và CTCP Sài Gòn Mê Kông thông báo giảm 35 - 40% giá bán căn hộ, đang khiến không ít người liên tưởng tới sự tháo chạy có hệ thống của nhà đầu tư trên thị trường địa ốc. Thậm chí, một số ý kiến còn chua chát nhận định rằng, đó là hệ quả tất yếu của thị trường địa ốc sau giai đoạn bùng nổ.

Đề cập nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, có chuyên gia nhận xét rằng, đó là hệ quả của chính sách thắt chặt tín dụng, chống lạm phát của Chính phủ. Có ý kiến thì nhận định, đó là hệ quả của một thời kỳ người người, nhà nhà lao vào kinh doanh bất động sản với hy vọng dễ dàng kiếm được những khoản lợi nhuận khổng lồ. Luồng ý kiến khác lại cho rằng, thị trường đến giai đoạn sàng lọc và đòi lại những gì trước đây nhà đầu tư đã "tiêu lạm" vào tương lai.

Cách lý giải về thực trạng thị trường bất động sản có thể khác nhau, nhưng điều không thể phủ nhận là, giá bất động sản đang giảm mạnh sau chu trình tăng giá chóng mặt.

Kèm theo các thông báo giảm giá, chủ đầu tư cũng nêu rõ các khoản nợ ngân hàng đến kỳ đáo hạn, các khoản lỗ hàng chục tỷ đồng mà họ phải đối mặt, cũng như căn nguyên buộc họ phải bán để "cắt lỗ". Có vẻ như các nhà đầu tư đã lật ngửa những quân bài cuối cùng của mình trong "cuộc chơi" trên thị trường địa ốc!

Đã có hàng chục khách hàng gọi điện đến PVL để hỏi mua căn hộ tại Dự án Petro Vietnam Landmark (quận 2, TP.HCM) với mức giá 15,5 triệu đồng/m2 mà đơn vị này đưa ra, nhưng chưa ai có thể sở hữu được căn hộ với mức giá trên. Chỉ có một số ít sản phẩm được bán với giá 18 - 19 triệu đồng/m2 do những khách hàng đã mua căn hộ này trước đó ký gửi công ty bán lại. Đằng sau thông báo "đại hạ giá" căn hộ của các doanh nghiệp, câu chuyện dường như đang diễn tiến theo hướng khác. Theo những thông tin đáng tin cậy, thì PVL đã "bán buôn" Dự án Petro Vietnam Landmark cho một đối tác khác trong cùng lĩnh vực dầu khí.

Sau những ngỡ ngàng ban đầu, thị trường đang nhận ra sự thông minh của các chủ đầu tư bởi đằng sau những thông báo giảm giá "khủng" có thể là những hợp đồng chuyển nhượng dự án giữa các "đại gia". Với sự giảm giá này, chủ đầu tư có thể giảm thiểu số lỗ, thu hút số tiền còn lại của khách hàng tham gia dự án của mình; giảm thiểu số tiền lãi vay ngân hàng và quan trọng nhất là tạo thanh khoản cho thị trường, đồng thời khơi thông dòng tiền cho doanh nghiệp.

Thông báo giảm 35% giá bán căn hộ của PVL còn có thể là một phần ràng buộc trong hợp đồng chuyển nhượng dự án để đối tác mới bán sản phẩm này dễ dàng hơn sau khi đã xây dựng một mức giá bán quá cao so với sức mua của thị trường. Còn mức giá chuyển nhượng thực là bao nhiêu, việc chuyển nhượng dự án là lỗ hay lãi, số lỗ mà PVL phải đối mặt là bao nhiêu… thì chỉ có PVL và đối tác nhận chuyển nhượng mới biết.

Việc mua bán, chuyển nhượng dự án bất động sản vẫn âm thầm diễn ra trong nhiều năm qua. Nó chỉ rộ lên và trở thành trào lưu khi nhiều dự án có nhu cầu chuyển nhượng cùng lúc như hiện nay. Tới nay, một thương vụ chuyển nhượng dự án bất động sản đình đám vẫn được giới đầu tư bất động sản truyền tai khi 2 năm trước, Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hoà Bình (Hoa Binh Corp.) đã phải bán đi Dự án Hoà Bình Tower, nay là Royal Tower- "nàng công chúa" của họ cho Công ty TNHH Bất động sản Đông Dương để thu về gần 250 tỷ đồng. Số tiền này đã giúp Hoa Binh Cop giải quyết hàng loạt khó khăn. Điều quan trọng hơn là công ty này đã cơ cấu lại lĩnh vực đầu tư, tập trung vào lĩnh vực ngành kinh doanh cốt lõi của mình là nhà thầu các công trình xây dựng. Chính điều đó đã giúp Hoa Binh Corp. trúng thầu các dự án lớn như Trung tâm thương mại VINCOM, Khách sạn Park Hyatt (TP.HCM), Dự án MIPEC Tower, Keangnam Landmark Tower (Hà Nội), cùng nhiều dự án khác.

Ngoại trừ những tác động tiêu cực, khó khăn của thị trường địa ốc hiện nay có lẽ là cơ hội tốt để doanh nghiệp nghĩ về giá trị kinh doanh cốt lõi của mình!

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư