Tìm hàng cho sàn bất động sản

Cập nhật 21/01/2009 15:40

Mặc dù thị trường bất động sản (BĐS) vẫn chưa ấm lại nhưng câu chuyện về sàn giao dịch lại nóng lên từng ngày. Hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh nhà đất trên cả nước ráo riết lập sàn giao dịch theo Luật kinh doanh BĐS và ra sức tiếp thị nhằm tìm nguồn hàng cho thời gian tới.

Ngày 10-1, sàn giao dịch BĐS đầu tiên ở miền Trung đã ra đời do Công ty CP tập đoàn Cường Hưng Thịnh tổ chức. Truớc đó tại TP.HCM, ngày 23-12-2008, Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn - RESCO đã ra mắt sàn giao dịch BĐS tại 41 Sương Nguyệt Ánh, Q.1. Nhiều doanh nghiệp cũng đã nhanh tay đưa sàn BĐS vào hoạt động như Công ty CP địa ốc Ngân hàng Á Châu (ACBR), Nam Long, Công ty phát triển nhà Thủ Đức, Nam Việt...

Hàng mới cho sàn


"Với việc nhắm vào thị trường nhà đơn lẻ bao gồm đất, căn hộ, nhà ở khu đô thị cũ, sàn giao dịch ACBR trong năm 2009 cũng bắt đầu tìm kiếm cơ hội hợp tác rộng hơn với mảng nhà đất dự án" - ông Phạm Văn Hải, tổng giám đốc sàn ACBR, cho biết. Hiện có rất nhiều chủ đầu tư các dự án trong và ngoài địa bàn thành phố đến tìm hiểu về việc tiếp thị bán sản phẩm tại ACBR. Tiêu chí mà ACBR đặt ra là những dự án này phải có hồ sơ pháp lý rõ ràng, chủ đầu tư phải bảo đảm uy tín.

Một số chủ dự án BĐS cũng có sàn giao dịch riêng nhưng không còn bó hẹp trong sản phẩm của đơn vị. Ông Nguyễn Xuân Châu, chủ tịch HĐQT Công ty CP kinh doanh nhà Nova, cũng cho biết trước đây sàn giao dịch của công ty ông phần lớn chỉ tiếp thị cho những sản phẩm của công ty như Sunrise City và nhà đất trong phạm vi khu đô thị mới Him Lam. Tuy nhiên, hiện nay công ty cũng bắt đầu tiếp xúc với nhiều dự án khác nhằm làm phong phú thêm “hàng hóa” cho sàn giao dịch của mình.

Theo ông Trương Thái Sơn - phó tổng giám đốc Công ty địa ốc Hoàng Quân, sàn giao dịch BĐS Hoàng Quân còn liên kết với các sàn giao dịch tại một số tỉnh thành lớn trong cả nước nhằm tạo sự liên thông về thông tin các dự án trong nước đến với khách hàng cũng như sự đa dạng về sản phẩm...

Sàn nhiều hàng ít

Trong những tuần lễ cuối năm 2008, nhiều dự án BĐS đã được khởi công nhưng phần lớn phải từ năm 2010 hoặc 2011 trở đi mới có sản phẩm. Còn các sản phẩm đang được chào phần lớn thuộc các dự án cũ. “Một số chủ dự án đến chào sàn nhưng chủ yếu cũng chỉ mới tìm hiểu về các điều kiện tiếp thị sản phẩm vì dự án mới hoặc sẽ khởi công giữa năm 2009 trở đi nên chưa thể có sản phẩm chào bán” - ông Phạm Văn Hải cho biết.

Nhiều chuyên gia BĐS nhận định thị trường vẫn thiếu hàng. Các sàn giao dịch BĐS ra đời trong thời gian vừa qua chỉ là đón đầu nhưng không may thị trường BĐS ngưng trệ, dẫn đến tình trạng thiếu hàng, vắng khách giao dịch. Trong khi đó, việc nối kết để tăng thêm hàng cho các sàn vẫn chưa đạt hiệu quả cao.

Hiện mạng các sàn giao dịch bất động sản đã quy tụ được 115 thành viên nhưng hiệu quả cũng chưa cao. Sau hơn một năm hoạt động, nội dung các trang web chưa được cải tiến, thiếu tính cập nhật, thiếu sự tham gia của các thành viên. Trang web liên kết của nhiều thành viên còn sơ sài, thông tin không thống nhất, khó cho việc tổng hợp phân tích.

Có chuyên gia BĐS đề nghị đã đến lúc phải cân nhắc việc mở sàn và các sàn hiện có cũng cần phải nâng cấp để đạt chuẩn, nếu không thị trường sẽ đào thải những sàn ít hàng, vắng khách.

Chưa có chế tài giao dịch “né” sàn

Theo quy định tại Luật kinh doanh bất động sản (BĐS), kể từ ngày 1-1-2009, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực BĐS bắt buộc phải đưa sản phẩm lên sàn do doanh nghiệp hoặc đơn vị khác tự lập để giới thiệu, thực hiện các giao dịch về BĐS. Tuy vậy, cho đến nay vẫn chưa có chế tài cụ thể để xử phạt nếu như các doanh nghiệp không thực hiện việc giao dịch qua sàn hoặc cung cấp thông tin về sản phẩm chưa minh bạch.

Hiện với việc các sàn được quyền xác nhận vào giấy tờ mua bán thay cho công chứng, như hồ sơ pháp lý chính thức để người giao dịch thực hiện các thủ tục khác, đã có hiện tượng một số chủ dự án đề nghị chủ sàn giao dịch bán quyền xác nhận, giám đốc một sàn giao dịch ở TP.HCM cho biết.


DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO