Việc Hà Nội liên tiếp có các dự án phải dừng, hoãn đã khiến nhiều người đặt câu hỏi cho công tác quy hoạch của thành phố.
Cũng chính vì thế mà Hội đồng Nhân dân thành phố đã yêu cầu UBND phải thành lập một tổ công tác tiến hành rà soát vấn đề quy hoạch cũng như hiệu quả đầu tư của các dự án trên địa bàn.
Ngày 21/4 vừa qua, UBND thành phố đã giải trình những vấn đề liên quan đến các dự án trước các đại biểu Hội đồng Nhân dân và người dân Thủ đô.
Lý do đơn giản mà các đại biểu và người dân lo lắng là bởi, khi mà công tác quy hoạch đang ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, thì cùng với đó lại có khá nhiều dự án đang có biểu hiện “xâm lăng” các công trình công cộng, vườn hoa, công viên - những nơi nghỉ ngơi, vui chơi hiếm hoi còn lại của một thành phố vốn đã quá tải về mức độ bụi và ô nhiễm không khí.
Trong cuộc trao đổi với VnEconomy, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Tô Anh Tuấn cho rằng: công tác quy hoạch bao giờ cũng phải đặt lợi ích nhà nước, lợi ích cộng đồng lên trên hết. Lập ra quy hoạch cũng là để đảm bảo những lợi ích đó. Việc phải dừng một số dự án cũng là chuyện bất đắc dĩ.
Nhiều dự án phải xử lý tình huống
* Nhưng thưa ông, nếu khi quy hoạch đã đặt lợi ích cộng đồng lên trên hết thì tại sao lại có chuyện dự án được triển khai rồi lại phải dừng?
Thực ra thì có rất nhiều dự án phải có xử lý tình huống. Mỗi một dự án từ khi lập quy hoạch, phê duyệt quy hoạch đến triển khai thực hiện phải mất một thời gian dài. Trong khi đó, nền kinh tế và tình hình xã hội thay đổi liên tục, kéo theo đó là những yêu cầu đặt ra đối với mỗi dự án cũng thay đổi.
Do vậy, việc dư luận trước đây không phản đối, nhưng giờ họ có ý kiến thì cũng là điều bình thường. Nhà nước sẽ là người lắng nghe và đưa ra quyết định cuối cùng, miễn là hài hòa lợi ích của tất cả các bên.
* Nhưng nếu việc này mà xảy ra phổ biến thì sẽ gây lãng phí cho cả nhà nước lẫn chủ đầu tư, thưa ông?
Thì tôi vẫn nói là mỗi dự án đều phải có xử lý tình huống. Đối với dự án khách sạn SAS, thành phố sẽ có cách bù đắp cho họ với nhiều biện pháp, cách thức khác nhau. Ngay trong tuần này, UBND thành phố sẽ có cuộc họp bàn về khách sạn SAS.
Hiện thành phố cũng đang tìm giải pháp để xử lý dự án này sao cho điều hòa tất cả các mục tiêu lớn, đảm bảo lợi ích của các bên. Thành phố cũng đang thảo luận tìm vị trí khác để giới thiệu cho chủ đầu tư.
Còn nếu nói lãng phí thì cũng không hẳn bởi chúng ta hoàn toàn có thể tân dụng những gì đã làm của các dự án vào một dự án khác thích hợp hơn. Chẳng hạn như phần cọc móng của khách sạn SAS thì có thể sẽ dùng vào mục đích xây dựng công trình vui chơi giải trí, nghỉ ngơi…
Không nên đổ lỗi cho quy hoạch
* Trong thời gian qua, Hà Nội liên tiếp có các dự án bị dư luận phản đối. Điều này đồng nghĩa với công tác quy hoạch của thành phố “có vấn đề”, thưa ông?
Chúng ta không nên đổ lỗi cho quy hoạch khi có nhiều dự án bị dừng lại. Những dự án như chợ Con Voi hay khách sạn SAS cũng đều là những dự án phải xử lý tình huống. Đối với khách sạn SAS, nếu nhìn vào thời kỳ khi nhà đầu tư vào Việt Nam năm 1989, khi đó thì chúng ta đang ở đáy khó khăn, cho nên thu hút đầu tư nước ngoài lúc đấy là ưu tiên số 1 để giải thoát bế tắc cho nền kinh tế.
Với tình hình như thế thì chúng ta buộc phải chấp nhận "cái nọ cái kia" với nhiều ưu đãi từ Chính phủ. Còn bây giờ, khi nền kinh tế đã khá hơn, cuộc sống người dân được nâng cao hơn thì chúng ta lại phải giải quyết vấn đề theo hướng khác, trong đó sẽ ưu tiên vấn đề môi trường, văn hóa, chất lượng cuộc sống…
* Nhưng với những vụ việc trên, nhiều người vẫn cho rằng, quy hoạch của thành phố đã đặt lợi ích thương mại lên trên lợi ích của người dân?
Không thể nói như thế được. Đó là một sự lẫn lộn. Trong quy hoạch, bao giờ cũng phải đặt lợi ích nhà nước, lợi ích cộng đồng lên trên hết. Sinh ra quy hoạch cũng là để đảm bảo mục đích đó. Còn khi nói đến lợi ích cộng đồng và lợi ích của chủ đầu tư thì phải đặt trong từng dự án một.
* Nhưng nhiều người vẫn cho rằng, dự án khách sạn SAS bị phản đối là do cơ quan quản lý không lấy ý kiến nhân dân?
Dự án đó hình thành năm 1989, thời điểm đó chưa có quy định là phải lấy ý kiến nhân dân. Còn sau này, khi pháp luật quy định dự án nào phải lấy ý kiến nhân dân, dự án nào không thì chúng ta đều thực hiện nghiêm túc. Một dự án nào đấy mà nhân dân phản đối thì có nghĩa là dự án đó đang đi ngược lại lợi ích của cộng đồng.
Tiêu chí lựa chọn dự án đã thay đổi
* Nhưng dự án khách sạn SAS có thời gian “trục trặc” khá lâu, gần 20 năm. Nhưng tại sao đến thời điểm này chúng ta mới quyết định dừng triển khai, thưa ông?
Như tôi đã nói, bối cảnh xem xét của những năm trước là khác với bây giờ. Khi đó chúng ta phải cố gắng hết sức để ưu tiên phát triển kinh tế, còn hiện nay thì tiêu chí lựa chọn dự án đã thay đổi. Chúng ta phải ưu tiên cho nhiều vấn đề mang tính xã hội, văn hóa… nên cách xử lý đối với mỗi dự án cũng sẽ khác nhau qua từng thời điểm.
* Việc chúng ta liên tiếp đình chỉ nhiều dự án như vừa qua, liệu có ảnh hưởng đến vấn đề thu hút đầu tư của Hà Nội không, thưa ông?
Cũng có thể có ảnh hưởng, bởi thực tế mà nói thì cái gì cũng có hai mặt, mặt tích cực và mặt tiêu cực. Chúng ta phải lựa chọn mặt tích cực là chủ yếu, còn mặt tiêu cực thì phải tìm cách khắc phục. Không có cái gì là tuyệt đối tích cực.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy