Tiếp tục “thổi lửa” vào thị trường bất động sản

Cập nhật 23/01/2014 09:42

Hàng loạt giải pháp mang tính đột phá cho thị trường bất động sản đã được Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) và Bộ Xây dựng đưa ra tại buổi tọa đàm do BIDV tổ chức chiều qua (21/1).


Mục tiêu đột phá của BIDV

Trên cơ sở phân tích, đánh giá một cách khách quan về thực trạng thị trường bất động sản năm 2013, ông Nguyễn Mạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu của BIDV cho rằng, các vấn đề của thị trường bất động sản có thể được giải quyết thông qua việc triển khai các biện pháp tổng thể. Cụ thể, cần gia tăng nguồn vốn cung ứng cho thị trường, trong đó tập trung vào các dự án lớn, các dự án sắp hoàn thiện, đồng thời đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, khoanh nợ trong lĩnh vực bất động sản.

Thứ hai là tái cơ cấu sản phẩm bất động sản, tập trung vào phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp, từng bước giảm mặt bằng chung mức giá trên thị trường bất động sản.

Thứ ba là khôi phục niềm tin của nhà đầu tư thông qua các biện pháp tăng cường quản lý, bảo vệ lợi ích của các chủ thể tham gia, đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch của thị trường.

Từ những mục tiêu trên, đại diện BIDV kiến nghị đẩy nhanh tiến độ thành lập Cơ quan tái cho vay thế chấp nhà ở quốc gia, nhằm hình thành, phát triển thị trường cho vay thế chấp nhà ở thứ cấp chuyên nghiệp và là công cụ để Chính phủ thực hiện chính sách phát triển nhà ở quốc gia. Bên cạnh đó là giải pháp phát triển đa dạng các kênh huy động vốn dài hạn và chuyên biệt phục vụ phát triển thị trường bất động sản, hạn chế phụ thuộc vốn của các tổ chức tín dụng thương mại, trong đó cần tập trung phát triển các quỹ tín thác bất động sản, gia tăng quy mô thị trường trái phiếu và phát triển mô hình tiết kiệm nhà ở tại Việt Nam.

Đặc biệt, theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV, cần tập trung nguồn vốn hỗ trợ, hoàn thiện các dự án lớn, các dự án sắp hoàn thiện, các dự án có thể nhìn thấy hiệu quả.

“Khó khăn của nhiều DN hiện nay là các khoản nợ cũ vẫn còn nên không được xem xét cho vay mới. Vì vậy, kiến nghị Chính phủ cho phép các ngân hàng thương mại được khoanh nợ cũ đối với các DN có dự án tốt để tiếp tục được vay vốn hoàn thiện dự án, nhằm sớm đưa sản phẩm ra thị trường, giải quyết tồn kho”, ông Hà nói.

Nhiều giải pháp mạnh

Đánh giá xu hướng tích cực của thị trường bất động sản thời gian qua, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, BIDV đã có nhiều đóng góp tích cực vào chủ trương của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Chẳng hạn như trong việc triển khai gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, tính đến ngày 15/1/2014, 5 ngân hàng được chỉ định đã cam kết cho 1.994 người vay số tiền 719 tỷ đồng, trong đó riêng BIDV đã cam kết cho vay 256 tỷ đồng và giải ngân được 175 tỷ đồng, đứng đầu trong 5 ngân hàng. Đối với DN, đã ký cam kết với 15 đơn vị để cho vay 1.390 tỷ đồng, trong đó BIDV cam kết với 7 DN cho vay 1.033 tỷ đồng; các ngân hàng giải ngân cho 8 DN vay 380 tỷ đồng thì riêng BIDV đã cho 4 DN vay 206 tỷ đồng.

“Cho đến thời điểm này đã cam kết cho vay được gần 900 tỷ đồng, đạt khoảng 3% của gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng”, ông Nam nói và cho biết thêm, để đẩy nhanh sự phục hồi của thị trường bất động sản trong thời gian tới, Chính phủ vừa thông qua Dự thảo Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản; Bộ Xây dựng đã hoàn thiện để trình sang các ủy ban của Quốc hội.

“Dự kiến, 2 dự thảo luật này sẽ được cho ý kiến trong kỳ họp Quốc hội tháng 5 tới và thông qua vào kỳ họp tháng 10/2014”, ông Nam thông báo. Riêng việc thành lập Ngân hàng tiết kiệm nhà ở, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng một đề án thí điểm riêng để triển khai ngay trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, ông Nam cho biết, Bộ Xây dựng đang khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định số 188 và sẽ ban hành ngay sau Tết Giáp Ngọ. “Ngoài việc cho phép DN làm nhà ở xã hội được phép để lại 20% số căn hộ bán theo giá nhà thương mại, Thông tư còn cho phép DN tham gia phát triển nhà xã hội được tính tỷ lệ lợi nhuận tăng lên 15%, thay vì 10% như trước đây”, ông Nam cho biết.

Đặc biệt, để đẩy nhanh việc triển khai gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, theo ông Nam, Bộ Xây dựng đang phối hợp với Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước soạn thảo dự thảo thông tư cho phép người dân được thế chấp căn hộ hình thành trong tương lai để vay vốn mua nhà ở xã hội.

“Ngoài ra, việc xác nhận đối tượng được vay mua nhà ở xã hội không cần phải xác nhận thu nhập mà chỉ cần xác nhận hiện trạng nhà ở theo hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú”, ông Nam nói và khẳng định, các giải pháp trên chắc chắn sẽ tiếp tục “thổi lửa” vào thị trường bất động sản, giúp thị trường này phát triển tốt hơn trong thời gian tới.  

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán