Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định lại dự án, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến bảo đảm lưu thông của dòng chảy, khả năng thoát lũ...
Ngày 31-8, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) tiếp tục kiến nghị Chính phủ dừng hẳn dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” (gọi tắt là dự án lấn sông Đồng Nai).
Vi phạm 5 luật quan trọng
VRN cho rằng dự án lấn sông Đồng Nai, do Công ty CP Toàn Thịnh Phát làm chủ đầu tư, vi phạm 5 luật quan trọng, gồm: Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai, Luật Xây dựng và Nghị định Quản lý lưu vực sông.
Dự án lấn sông Đồng Nai do Công ty CP Toàn Thịnh Phát làm chủ đầu tư Ảnh: Minh Khanh
|
Cụ thể, đối với Luật Tài nguyên nước, dự án vi phạm điều 9 (xây dựng công trình cản trở thoát lũ, lưu thông nước ở các sông), điều 30 (gây cản trở dòng chảy), điều 31 (vi phạm hành lang bảo vệ nguồn nước) và đặc biệt là điều 63 (gây ảnh hưởng xấu đến sự ổn định của lòng, bờ, bãi sông). Đối với Luật Bảo vệ môi trường, dự án vi phạm điều 52 và 56.
Ở khía cạnh khác, việc bảo vệ đê điều và phòng chống thiên tai được Chính phủ Việt Nam rất quan tâm nhằm phát triển ngành nông nghiệp bền vững và ổn định cuộc sống người dân. Thế nhưng, dự án đã vi phạm điều 7 Luật Đê điều là đổ đất lấn chiếm lòng sông, bãi sông và điều 19 Luật Phòng chống thiên tai về bảo đảm yêu cầu phòng chống thiên tai đối với việc đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp khu đô thị, điểm dân cư nông thôn, công trình hạ tầng kỹ thuật. Đồng thời, dự án cũng bỏ qua các yêu cầu về phòng chống nguy cơ rủi ro xảy ra như lũ quét trong việc bảo đảm tính ổn định của công trình trước thiên tai và tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng cũng như quy hoạch đô thị.
Bên cạnh đó, đối chiếu với điều 10 và 13 của Luật Xây dựng: “Nghiêm cấm trong hoạt động xây dựng lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi, đê điều” và “Cơi nới, lấn chiếm không gian, khu vực công cộng, lối đi đã có quy hoạch xây dựng được duyệt và công bố” thì dự án cũng vi phạm luật này. Dự án cũng chưa được Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai thông qua và có ý kiến theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Theo bà Lâm Thị Thu Sửu, đại diện VRN, dự án này đang gây lo lắng và bức xúc trong dư luận xã hội vì tác động tới môi trường và cuộc sống của hơn 20 triệu dân thuộc 11 tỉnh, thành. “Nếu được tiếp tục thực hiện, dự án sẽ không tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam đã được ban hành” - bà Sửu khẳng định.
Trong tháng 9 sẽ thẩm định lại dự án
Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 8 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tổ chức chiều cùng ngày, ông Hoàng Văn Bảy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, cho biết Bộ TN-MT đã thành lập hội đồng thẩm định lại báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án lấn sông Đồng Nai. Thành phần của hội đồng gồm các chuyên gia và nhà khoa học trong lĩnh vực này. Đến nay, Bộ TN-MT cũng đã chỉ đạo chủ đầu tư bổ sung báo cáo ĐTM. “Các thành viên trong hội đồng đang trong quá trình nghiên cứu và khả năng tháng 9 này sẽ tiến hành họp thẩm định” - ông Bảy thông tin.
Trước câu hỏi về quan điểm của Bộ TN-MT trước dự án này khi VRN kiên quyết đề nghị chấm dứt hoàn toàn và trả lại nguyên trạng dòng sông Đồng Nai, ông Bảy cho rằng khó bày tỏ quan điểm và giải thích: “Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ TN-MT tổ chức thẩm định lại ĐTM của dự án, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến bảo đảm lưu thông của dòng chảy, khả năng thoát lũ, những vấn đề xói lở lòng hồ, bãi sông. Để thực hiện việc đó, phải có hội đồng thẩm định ĐTM và phát biểu quan điểm phải dựa trên cơ sở ý kiến hội đồng”.
Theo Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà, bộ được giao làm trọng tài trong việc này và quan điểm là mọi kết luận phải dựa trên cơ sở khoa học. “Chỉnh trị dòng sông là cần thiết nhưng làm ảnh hưởng đến dòng chảy hay khả năng thoát lũ là không thể được” - ông Hà nhấn mạnh.
Sẽ có nhiều tranh luận
Về cuộc họp của hội đồng thẩm định lại dự án tới đây, Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến tranh luận, nhiều quan điểm khác nhau và sẽ rất gay cấn.
Theo ông, cuộc họp sẽ bàn đến nhiều vấn đề kỹ thuật và kết luận cuối cùng của hội đồng sẽ được cân nhắc công khai.
DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ