Nếu Ngân hàng Nhà nước có cơ chế tín dụng cho người mua nhà, cộng với Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đi vào cuộc sống, thị trường bất động sản sẽ sôi động hơn, song rủi ro vì thế cũng sẽ nhiều hơn.
Bất động sản đang là kênh hút vốn nhiều nhất. Ảnh: Đức Thanh
|
Tiền vào dồn dập, doanh nghiệp bất động sản mọc như nấm
Bất động sản đang là kênh hút vốn nhiều nhất. Thông tin Chính phủ đang nghiên cứu đưa ra chương trình hỗ trợ tín dụng nhà ở, cộng với việc Nghị quyết xử lý nợ xấu vừa được Quốc hội thông qua càng làm thị trường này thêm hưng phấn.
Hiện gói tín dụng hỗ trợ nhà ở mới chỉ dừng ở mức độ nghiên cứu. Theo giới chuyên gia, giải pháp trên là mũi tên trúng nhiều đích: vừa giúp tăng GDP, vừa hỗ trợ xử lý nợ xấu, vừa kích thích thị trường bất động sản phát triển.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tín dụng bất động sản bật tăng mạnh từ đầu năm đến nay, việc rót thêm tiền vào lĩnh vực này cũng mang đến nhiều lo ngại.
Theo Hiệp Hội bất động sản TP.HCM (HoREA), trong 6 tháng đầu năm 2017, tín dụng bất động sản có mức tăng trưởng đạt 6,35%, tăng khá mạnh so với mức 5% cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, thị trường cũng đón nhận thêm hàng ngàn doanh nghiệp bất động sản thành lập mới, riêng tại TP.HCM, có khoảng 6.000 doanh nghiệp mới thành lập.
Số liệu thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cho thấy, tín dụng tiêu dùng tăng rất mạnh (tăng 30%) và đặc biệt, 53% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng dùng để mua nhà, vay sửa chữa nhà ở. Như vậy, có hiện tượng tín dụng bất động sản “ẩn” trong tín dụng tiêu dùng.
Việc ngân hàng rót tiền vào bất động sản và tín dụng tiêu dùng bất động sản là điều dễ hiểu, bởi thị trường này đang khởi sắc. Do Thông tư 06/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước siết chặt tín dụng bất động sản, nên ngân hàng “lách” sang tín dụng tiêu dùng.
Được biết, hiện các ngân hàng cho vay bất động sản với chủ đầu tư chỉ còn 38%, cho vay người mua nhà lên tới 62% và con số này vẫn đang tiếp tục gia tăng.
Cụ thể, Thông tư 06 quy định, từ năm 2017, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng thương mại sẽ giảm từ 60% xuống 50% và tiến tới năm 2018 chỉ còn 40%; hệ số rủi ro kinh doanh bất động sản tăng từ 150% lên 200%.
Cần theo dõi chặt chẽ dòng tiền
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc ngân hàng chuyển đổi cơ cấu từ cho vay dự án, doanh nghiệp bất động sản sang cho vay trực tiếp người mua nhà là tín hiệu tích cực vì đáp ứng nhu cầu thực. Hơn nữa, đối với các ngân hàng, hình thức cho vay này cũng rất ít rủi ro.
Mặc dù vậy, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, sản xuất - kinh doanh chưa có nhiều khởi sắc, thì việc rót thêm vốn vào lĩnh vực này có thể khiến bong bóng bất động sản nảy sinh và kịch bản nợ xấu sẽ quay lại như trước đây. Và lần này, tình hình sẽ càng tồi tệ, khi gánh nặng nợ nần không chỉ dồn vào một số nhà đầu tư, doanh nghiệp, mà sẽ trải rất rộng với nhiều hộ gia đình, cá nhân.
Hiện tại, tín dụng tiêu dùng chỉ chiếm khoảng 12% tổng dư nợ toàn hệ thống, song nếu rủi ro xảy ra, sức “sát thương” của thị trường bất động sản tới toàn bộ nền kinh tế là rất lớn.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư