Không ít dự án tại TPHCM đền bù dở dang khiến dự án kéo dài. Nay gặp cơn khủng hoảng khiến cả chủ đầu tư và khách hàng đều lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.
Thời kỳ hoàng kim của thị trường BĐS vào những năm 2000, không ít doanh nghiệp “vung tiền” tại rất nhiều dự án. Tuy nhiên nhiều dự án chỉ đền bù được một phần, phần còn lại đang tiếp tục thương lượng.
Theo giám đốc một công ty BĐS, có thời điểm chỉ cần có dự án là thấy có lời, không cần biết giá đền bù bao nhiêu. Ngoài ra, những năm đó hàng loạt doanh nghiệp chuẩn bị niêm yết trên sàn chứng khoán nên cần có những dự án để “làm đẹp” bản cáo bạch. Và đến nay là hậu quả khó khắc phục.
Công ty X., triển khai dự án khu dân cư ở quận 9 với diện tích quy hoạch gần 10ha, sau khi đền bù được 2/3 diện tích bị ách lại do hầu hết người dân không đồng tình với giá đền bù chủ đầu tư đưa ra. Sau nhiều năm dự án không thể triển khai, dù chủ đầu tư đã bỏ vào đây hàng trăm tỷ đồng đền bù, san lấp làm đường dẫn vào dự án…
Công ty H. năm 2007 đã bồi thường đất cho một số hộ dân trên đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), có thửa giá bồi thường lên đến 70 triệu đồng/m2, còn lại dao động 40-50 triệu đồng /m2. Tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa được triển khai. Một chuyên gia phân tích, với giá đền bù như vậy trong bối cảnh thị trường hiện nay nếu triển khai chủ đầu tư sẽ không thể có lời.
Anh T. “mua” một nền đất trên giấy tại dự án ở khu Nam Sài Gòn năm 2002 với giá 3 triệu đồng/m2 bằng hình thức góp vốn đầu tư. Nhưng từ đó đến nay chủ đầu tư không triển khai dự án vì đền bù dở dang. Anh T. đã nhiều lần liên hệ chủ đầu tư để nhận đất nhưng được thông báo dự án chưa thể tiếp tục triển khai.
Chủ đầu tư cho biết với giá “góp vốn” thời điểm 2002 là 3 triệu đồng/m2 hiện nay không thể làm nổi vì vật giá thay đổi quá nhiều. Trả lại tiền cho khách hàng cũng không xong, tiếp tục đầu tư cũng không được. Thị trường thay đổi cộng với cách làm ăn chụp giựt đã đẩy chủ đầu tư lẫn khách hàng vào tình cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”.
DiaOcOnline.vn - Theo ĐTTC