Đối với đất ở sử dụng ổn định từ trước 15.10.1993, Luật Đất đai miễn thu tiền sử dụng đất nhưng Nghị định 84 buộc nộp tiền phần vượt hạn mức.
Ông Trần Văn Hai (970 Lò Gốm, quận 6) đi xin cấp “giấy đỏ” cho 200 m2 mà ông đã ở từ năm 1976 đến nay. Ông té ngửa khi Chi cục Thuế quận 6 thông báo ông phải nộp gần 90 triệu đồng tiền sử dụng đất cho 40 m2 ngoài hạn mức.
Nghị định “đá” luật?
Ông Hai thắc mắc: “Tại sao người hàng xóm có miếng đất còn lớn hơn của tôi, đi hợp thức hóa trước đó mấy tháng thì không phải nộp tiền, còn tôi phải nộp?”.
Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 50 Luật Đất đai 2003 quy định: Đối với đất được hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định từ trước ngày 15.10.1993, được UBND cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch thì được cấp “giấy đỏ” và không phải nộp tiền sử dụng đất.
Do luật không đề cập đến việc đất ngoài hạn mức hay trong hạn mức và cũng không phân biệt loại đất nên Nghị định 198 ngày 3.12.2004 (về thu tiền sử dụng đất) chỉ quy định là đất đã sử dụng ổn định, được UBND cấp xã xác nhận không có tranh chấp thuộc một trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 50 Luật Đất đai thì không phải nộp tiền sử dụng đất.
Nhưng gần đây, Nghị định 84 lại quy định: Đối với đất ở đã sử dụng ổn định trước ngày 15.10.1993 thì khi hợp thức hóa nhà, đất, phần đất trong hạn mức không phải nộp tiền sử dụng đất nhưng phần ngoài hạn mức phải nộp tiền sử dụng đất theo mức thu quy định. Đây chính là lý do mà ông Hai phải đóng tiền sử dụng đất (50%) cho phần đất ở nằm ngoài hạn mức.
Oái oăm là điểm a khoản 3 Điều 8 Nghị định 198 quy định hai mức thu 50% hoặc 100% tiền sử dụng đất. Cụ thể, thu tiền sử dụng đất bằng 50% tiền sử dụng đất đối với diện tích trong hạn mức giao đất ở; quy định này chỉ được thực hiện một lần đối với hộ gia đình, cá nhân; lần giao đất sau thu 100% tiền sử dụng đất.
Như vậy, đối với phần diện tích ngoài hạn mức theo điều khoản trên của Nghị định 84 phải thu tiền sử dụng đất theo mức nào? Ông Nguyễn Đình Tấn, Cục phó Cục Thuế TP.HCM, cho biết: “Chúng tôi đã có văn bản xin ý kiến Tổng cục Thuế nhưng đến nay vẫn chưa nhận được chỉ đạo về việc này”.
Phần đất ngoài chủ quyền, tính sao?
Cũng những trường hợp sử dụng đất ở ổn định từ trước ngày 15.10.1993, người dân đã được cấp chủ quyền phần đất trong hạn mức, nay muốn hợp thức hóa phần còn lại thì sẽ thu tiền ra sao? Cơ quan thuế có “gộp” lại phần đã cấp chủ quyền và phần chưa cấp để tính xem thử có vượt hạn mức hay không?
Ông A có căn nhà 150 m2 đã được cấp chủ quyền, còn mảnh sân 50 m2 chưa hợp thức hóa (hạn mức đất ở của khu vực ông là 160 m2). Nếu cộng gộp phần nhà và sân, ông có 40 m2 đất ngoài hạn mức, vậy ông có phải nộp tiền sử dụng đất cho phần này?
Viện dẫn Điều 50 Luật Đất đai, một số chi cục thuế linh động giải quyết bằng cách nếu phần chưa cấp chủ quyền mà không vượt hạn mức đất ở thì không thu tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, một số chi cục khác lại “ngâm” hồ sơ chờ hướng dẫn.
Nhiều ý kiến cho rằng nghị định là văn bản dưới luật, có hiệu lực pháp lý thấp hơn nên cần phải theo Điều 50 Luật Đất đai. Ngoài ra, đối với những vướng mắc nêu trên, Tổng cục Thuế cần sớm có văn bản hướng dẫn để hồ sơ hợp thức hóa nhà, đất của người dân được giải quyết nhanh chóng.
Hạn mức đất ở tại TP.HCM
- Các quận nội thành (1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Gò Vấp): 160 m2.
- Các quận mới 2, 7, 9, 12, Thủ Đức và thị trấn (các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè): 200 m2.
- Khu quy hoạch phát triển đô thị: 250 m2.
- Huyện Cần Giờ và các khu dân cư nông thôn: 300 m2.
(Theo Quyết định 64 ngày 30.7.2001 của UBND TP.HCM)
Theo Pháp Luật TP.HCM