Tiền “nhét” tận tay cho người vay mua nhà ở xã hội

Cập nhật 21/03/2014 14:47

Đề xuất của Bộ Xây dựng được cho là giải pháp tích cực trong điều kiện hiện nay...

“Kéo dài thời hạn trả nợ từ 10 năm lên 15 năm đối với khách hàng cá nhân, các đối tượng có nhu cầu vay để mua nhà ở thương mại có tổng giá trị hợp đồng cả nhà và đất không quá 1,05 tỷ đồng, không khống chế về diện tích và đơn giá” là những qui định mới được Bộ Xây dựng đề xuất với Chính phủ điều chỉnh để giải ngân gói vay 30.000 tỷ đồng.

Bộ Xây dựng cũng kiến nghị mở rộng cho các hộ dân ở đô thị; cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đã có đất ở phù hợp với quy hoạch, có khó khăn về nhà ở (chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng xuống cấp hư hỏng) được vay từ gói tín dụng này để xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở, nhưng tổng số vốn vay không quá 80% của 1,05 tỷ đồng. Bên cạnh đó, những người đã ký hợp đồng mua nhà ở xã hội trước ngày 7-1-2013, chưa thanh toán hết tiền cũng có cơ hội được vay.

Được vay lâu hơn, người dân thêm cơ hội mua được nhà ở xã hội.     Ảnh: TL

Các giải pháp trên được đưa ra nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, bởi tính đến ngày 15-3-2014, các ngân hàng mới cam kết cho vay 3.048 khách hàng với tổng số tiền cam kết đạt 2.909 tỷ đồng; đã có 20 dự án được ký hợp đồng vay vốn từ ngân hàng với số tiền 1.791,92 tỷ đồng, và các ngân hàng đã giải ngân cho 3.023 khách hàng, dư nợ cho vay đạt 1.322 tỷ đồng.

Đối với khách hàng cá nhân, 5 ngân hàng đã cam kết cho vay 3.030 khách hàng cá nhân với số tiền là 1.134 tỷ đồng, đã giải ngân cho 3.011 khách hàng 731 tỷ đồng. Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ kiến nghị bổ sung thêm một số ngân hàng thương mại cổ phần cùng tham gia giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, ngoài 5 ngân hàng đang làm nhiệm vụ này.

Đề xuất của Bộ Xây dựng được cho là giải pháp tích cực trong điều kiện hiện nay, tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng, thu nhập của người dân, đặc biệt là cán bộ công chức hiện nay là rất thấp, nên nếu chỉ tăng thời hạn 15 năm có thể vẫn không khả thi, mà cần tăng lên 20 năm để người vay có thêm thời gian tích trữ trả nợ. Đồng thời với việc tăng thời hạn trả nợ, các thủ tục xác nhận điều kiện được vay, thủ tục giải ngân phải được đơn giản hóa, bởi một trong những “nút thắt” hiện nay khiến người dân khó tiếp cận gói tín dụng này là đối tượng vay vốn cũng như danh sách ngân hàng tham gia cho vay quá hẹp, quy trình thủ tục còn khá phiền hà. Bên cạnh đó, nguồn cung nhà ở xã hội phải đa dạng, có nhiều lựa chọn, phù hợp với nhu cầu của người dân, thì mới khuyến khích người dân quyết tâm vay mua nhà.

Bởi vậy, bên cạnh việc đưa ra các giải pháp nhằm giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng còn kiến nghị Chính phủ yêu cầu các địa phương không cấp phép đầu tư mới đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, các dự án khu đô thị mới trong năm 2014. Trường hợp đặc biệt, các địa phương phải thống nhất với Bộ Xây dựng và báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, đề nghị Chính phủ sớm xem xét cho phép các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới đã qua phân loại được đưa vào diện tiếp tục triển khai mà chủ đầu tư hiện đang nợ tiền sử dụng đất, chưa thực hiện kinh doanh (chưa bán hoặc chưa huy động vốn) nhưng giá thị trường hiện tại thấp hơn suất đầu tư (bao gồm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng, chi phí đầu tư công trình, tiền sử dụng đất) thì được phép tính lại tiền sử dụng đất phải nộp theo mặt bằng giá thị trường hiện nay và không phải nộp phạt do chậm nộp tiền sử dụng đất.

Ngoài các giải pháp này, một thuận lợi nữa cho các chủ đầu tư là dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi đưa ra qui định cho phép các chủ đầu tư được cho thuê, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai, thay vì chỉ được cho thuê, cho thuê bất động sản đã có sẵn như quy định hiện hành. Qui định này còn giúp các chủ đầu tư có thể lấy ngay dự án của mình làm vật thế chấp để vay vốn, giúp cho việc triển khai các dự án thuận tiện hơn.

Nếu được Chính phủ chấp thuận, những giải pháp trên chắc chắn sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người có thu nhập thấp “tiếp cận” được nhà ở xã hội.

Theo các số liệu thống kê, từ nay đến năm 2020, cả nước cần khoảng gần 1 triệu căn hộ, nhưng hiện tại mới đáp ứng được trên 30.000 căn, nên trong thời điểm hiện nay, người dân vẫn chưa có nhiều lựa chọn.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp luật & Xã hội