Tiền nào, căn hộ nấy!

Cập nhật 15/06/2013 09:25

Các ngân hàng gia tăng bơm vốn lãi suất thấp cho thị trường bất động sản, nhiều dự án cũng hạ giá để thu hút khách hàng… Liệu chất lượng căn hộ có giảm theo?

Sau một thời gian dài trầm lắng, thị trường bất động sản (BĐS) đang có nhiều dấu hiệu khởi sắc khi gói tín dụng 30.000 tỉ đồng được chính thức bơm ra hỗ trợ thị trường từ ngày 1-6.


Một chung cư dành cho CBCNV thu nhập thấp ở quận 6, TP HCM vừa được đưa vào sử dụng Ảnh: Hồng Thúy

Đua nhau bung hàng

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, trong tháng 6, sẽ có thêm 5 dự án nhà ở xã hội mới được khởi công gồm dự án nhà ở xã hội tại khu đô thị Quốc Oai (Hà Nội), dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội tại khu đô thị Đặng Xá (Hà Nội), dự án Hoàng Quân Plaza (TP HCM) cùng 2 dự án nhà ở xã hội khác ở tỉnh Bình Định và tỉnh Nghệ An.
Trước đó, Tổng Công ty HUD (Bộ Xây dựng) cũng triển khai dự án khu nhà ở xã hội Tây Nam Linh Đàm (Hà Nội) với tổng mức đầu tư 710 tỉ đồng (vay từ gói 30.000 tỉ đồng), quy mô trên 1.000 căn hộ. HUD đang nghiên cứu triển khai thêm hàng loạt dự án khác tại các khu đô thị Nam Linh Đàm, Thanh Lâm - Đại Thịnh 2, Giang Biên, Tân Lập, Kiến Hưng…

Nhiều đơn vị khác như Tổng Công ty Becamex IDC, Tổng Công ty IDICO (Bộ Xây dựng) cũng đang thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Đến nay, cả nước có 157 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai với quy mô 86.500 căn hộ, tổng mức đầu tư 19.900 tỉ đồng. Trong đó có 58 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp với quy mô trên 33.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 10.900 tỉ đồng và 99 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân với quy mô xây dựng khoảng 35.500 căn…

Từ khi thông tin về gói tín dụng 30.000 tỉ đồng, lãi suất 6%/năm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) BĐS và người thu nhập thấp vay mua nhà, các dự án nhà ở thương mại cũng liên tục bung hàng. Tại TP HCM, tính đến cuối tháng 5-2013, số lượng căn hộ tồn là 12.613 với tổng giá trị khoảng 22.414 tỉ đồng. Trong đó, có 2.260 căn có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, diện tích dưới 70 m2 được tung ra cho khách hàng mua theo gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng…

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết các dự án nhà thu nhập thấp sẽ có giá từ 8-12 triệu đồng/m2, chủ yếu là dưới 12 triệu đồng/m2. Nếu dự án cách trung tâm TP khoảng 15 km thì chỉ có giá bán khoảng 8 triệu đồng/m2. "Chúng tôi vừa kiểm soát vừa vận động DN và tính toán giá thành cho chủ đầu tư, cộng với các nguồn ưu đãi của nhà nước, lãi suất 6%/năm hiện nay hoàn toàn có thể đạt mức giá này" - ông Nam quả quyết.

Chọn thương hiệu uy tín

Điều khách hàng quan tâm nhất lúc này là mức giá "hấp dẫn" có đi kèm với chất lượng dự án?
Giám đốc một DN BĐS cho rằng sẽ khó tránh khỏi việc một số chủ đầu tư giảm chất lượng để có giá bán thấp. Theo ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Xây dựng Lê Thành (TP HCM), chất lượng căn hộ nếu có thay đổi sẽ gồm nội thất như loại gạch, cửa cao cấp chuyển sang loại thường, thang máy, sơn nước giá rẻ hơn… để phù hợp giá thành mới.

"Chủ đầu tư sẽ không dám thay đổi chất lượng phần thô, phần lõi của công trình bởi phải bảo đảm tiêu chuẩn cho tòa nhà bền vững" - ông Nghĩa nhận xét. Do đó, khi mua căn hộ, khách hàng cần kiểm tra "lý lịch" của chủ đầu tư dự án từ các dự án đã triển khai trước đó, xem xét uy tín của DN. Khi nhận nhà, nên căn cứ vào hợp đồng mua bán đã thỏa thuận với chủ đầu tư trước đó, xem xét nội thất công trình có phù hợp với nhà mẫu, hợp đồng đã ký hay không?...

Còn ông Lương Trí Thìn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đất Xanh (TP HCM), cho rằng: "Tiền nào của nấy!". Vấn đề của khách hàng lúc này là phải tìm được dự án chất lượng, lựa chọn DN có thương hiệu và chủ đầu tư có năng lực. Việc lựa chọn chủ đầu tư rất quan trọng bởi hiện hầu hết dự án BĐS đều chậm tiến độ và nhiều DN không đủ năng lực tài chính để triển khai tiếp.

Theo GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc quản lý chất lượng các công trình xây dựng, đóng dấu chất lượng khi dự án BĐS được xuất xưởng chưa được thực hiện tốt khiến khách hàng lo ngại. Nhà nước cần quản lý chất lượng chặt chẽ hơn và chỉ bán nhà cho người dân sau khi đã được kiểm định chất lượng. Đồng thời, chủ đầu tư phải cam kết về chất lượng với khách hàng, nếu làm sai phải đền bù.

"Thực tế, có những dự án sản phẩm cuối cùng của DN không đúng như chào hàng ban đầu. Trong hoàn cảnh hiện nay, người mua nhà thận trọng trong việc chon lựa căn hộ, dự án là cần thiết" - ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, lưu ý.

Ngân hàng vào cuộc

Không chỉ DN BĐS ồ ạt bung hàng, khởi công dự án mới, các ngân hàng (NH) thương mại cũng liên tục triển khai hàng loạt gói tín dụng lãi suất ưu đãi. Bên cạnh 5 NH được chỉ định cho vay gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng, lãi suất 6%/năm, nhiều NH thương mại khác như VP Bank, HDBank, Sacombank, Eximbank, VIB Bank, Maritime Bank… cũng tung ra các chương trình ưu đãi dành cho khách hàng vay mua nhà, BĐS với lãi suất chỉ từ 6%-8%/năm trong 3-6 tháng đầu để cạnh tranh.


DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động