Tiền lệ Dũng “Lò vôi”

Cập nhật 13/11/2013 09:12

Nhận thức xã hội thường cho rằng doanh nghiệp (DN) là “nạn nhân” của tham nhũng, phải đưa hối lộ vì sự nhũng nhiễu trong các cơ quan công quyền. “Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Còn một thực tế khác là nhiều DN thường chủ động hối lộ nhằm đạt được lợi thế không chính đáng trong cạnh tranh trên thương trường hoặc để trốn tránh trách nhiệm pháp lý khi có sai phạm” - Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong Đối thoại về phòng, chống tham nhũng diễn ra hôm qua (12.11) tại Hà Nội.


Ông cũng khẳng định rằng bên cạnh xử lý nghiêm công chức, viên chức nhũng nhiễu, nhận hối lộ, Việt Nam cần có chế tài đủ mạnh để răn đe, xử lý hành vi đưa hối lộ, đặc biệt nghiêm khắc với những DN coi hối lộ như một “giải pháp” trong kinh doanh, một cách thức để tạo lợi thế, hình thành “nhóm lợi ích”.

Và cuối phiên, Phó Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp mạnh dạn, chủ động tố cáo hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng của cán bộ, công chức.

Hối lộ và tham nhũng như 2 chiếc dép của một đôi dép. Và việc chống tham nhũng, rõ ràng là không thể bóc tách chúng ra khỏi nhau.

Nhớ hồi đầu tháng, khi Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo về nạn tham nhũng ở Việt Nam dưới góc nhìn doanh nghiệp và đưa ra con số “40% số doanh nghiệp được hỏi khẳng định tham nhũng đang là một trong 3 vấn đề bức xúc nhất hiện nay”, nhiều người đã không tin ở con số 40% này. Không phải vì đó là một tỉ lệ lớn đến gây sốc, mà vì nó chưa phản ánh đúng thực tế.

Liệu có phần trăm doanh nghiệp nào lại không bức xúc trước những chiêu trò moi tiền hối lộ, khi chính báo cáo của WB cũng xác nhận “nhóm các cơ quan dẫn đầu về mức độ gây khó dễ cho doanh nghiệp đứng đầu là kế hoạch đầu tư, ngân hàng, kho bạc, tài chính, thuế, hải quan, cảnh sát giao thông, cảnh sát khu vực…”.

Ba hôm trước, Chính phủ đã có ý kiến yêu cầu kiểm tra làm rõ đơn tố cáo đương kim Chủ tịch tỉnh Bình Dương về việc “không phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, không cho chuyển nhượng quyền sử dụng đất, không phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết KCN Sóng Thần 3”.

Tâm sự với báo chí, vị doanh nhân có lần đã nói đến một “cái lệ”, còn to hơn luật của Quốc hội, “cái lệ” đã khiến một doanh nghiệp 30 năm, có tiềm lực tài chính, có hiểu biết pháp luật như ông cũng phải chào thua, “cái lệ” mà doanh nghiệp phải gánh chịu, không ai dám tố cáo “như một quy luật” được hình thành từ những quan chức có quyền trong lĩnh vực đất đai, bất động sản, “cái lệ” đã “giết chết” tức tưởi hàng vạn doanh nghiệp.

Doanh nghiệp sẽ chỉ ngừng đưa hối lộ khi bộ máy nhà nước có đủ sự liêm chính cần thiết, hoặc ít nhất, họ phải “được vạ”, được phân xử rạch ròi khi dám đứng lên tố cáo, mà thực chất là đương đầu với những cái lệ như trường hợp ông Dũng “Lò vôi”.

Có thể, việc giải quyết vụ việc này sẽ trở thành một tiền lệ, để hoặc các doanh nghiệp từ đó đủ dũng khí và sự tin cậy kiên quyết nói không với những “cái lệ làng”, hoặc cắn răng chào thua nếu còn muốn tồn tại.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động