Tuyến đường bộ dài nhất Việt Nam đã không thể hoàn thành đúng hạn như Nghị quyết của Quốc hội ít nhất là ba năm. Thông tin chính thức vừa được Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đưa ra, cùng với bộn bề vướng mắc khiến các đơn vị thi công buộc phải nói lời lỡ… hẹn.
Một tháng thi công, ba năm chờ mặt bằng
Theo quy hoạch tổng thể đường Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng chiều dài tuyến đường là 3.167km (bao gồm tuyến chính 2.667km, tuyến phía Tây 500km), với 25 dự án thành phần chạy qua 30 tỉnh, thành từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (tỉnh Cà Mau).
Nhìn tổng thể, tiến độ thi công giai đoạn I (2000 đến 2007) đường Hồ Chí Minh đã cơ bản hoàn thành, thông tuyến từ Hoà Lạc (tỉnh Hoà Bình) đến Tân Cảnh (Kon Tum) dài trên 1.350km, Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đã tổ chức nghiệm thu.
Cho dù giai đoạn đầu lượng phương tiện qua đây chưa được như mong muốn, nhưng tác động của con đường đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đời sống của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa nơi nó đi qua là rất rõ rệt. Tiềm năng đất đai, tài nguyên, du lịch, hạ tầng các khu công nghiệp… từ khi có con đường cũng từng ngày từng giờ được đánh thức.
Thi công đường Hồ Chí Minh khu vực Tây Nguyên có địa hình phức tạp. |
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Huấn - Phó Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, tiến độ thi công quá chậm như hiện nay thì không thể thông toàn tuyến vào năm 2010 như Nghị quyết của Quốc hội.
Giai đoạn II đường Hồ Chí Minh (2007 đến 2010) có 18 dự án thành phần đang triển khai xây dựng, tổ chức thiết kế kỹ thuật hoặc đấu thầu; gần chục dự án thành phần khác đang lập dự toán đầu tư; ba dự án từ giai đoạn I chuyển sang… Đáng chú ý, các dự án dự kiến hoàn thành trước năm 2010 cũng đang gặp khó khăn vướng mắc vì thiếu mặt bằng, không cung ứng đủ vật liệu hoặc nguyên nhân khác.
Ông Huấn cho biết, Bộ Giao thông vận tải đã đánh giá: Nhiều dự án thành phần của đường Hồ Chí Minh giai đoạn II chậm ít nhất sáu tháng so với tiến độ đặt ra, cá biệt có dự án chậm tới 8 tháng.
Nguyên nhân khách quan do thủ tục tổ chức đấu thầu mất nhiều thời gian, có gói thầu phải tổ chức đấu thầu lại buộc phải làm lại từ đầu theo quy định như gói số 13 của dự án thi công đường từ Chơn Thành (Bình Phước) đến Đức Hoà (Long An). Công tác giải phóng mặt bằng ở các địa phương liên quan đến cả chục dự án đang là mối lo lớn nhất vì chưa thể định được ngày hoàn tất để thi công.
Đặc biệt, không ít dự án triển khai ba năm mới xong mặt bằng, như dự án mở rộng đoạn qua thị xã Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước); đoạn mở rộng quốc lộ 14 và quốc lộ 28 thuộc thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông)… Có dự án khởi động ba năm nhưng chưa hẹn ngày hoàn tất mặt bằng thi công như đoạn nối đường Hồ Chí Minh với Khu công nghiệp Nghi Sơn (Thanh Hoá).
Ngoài các nguyên nhân trên, tình hình biến động giá cả từ năm 2007 đến nay khiến các nhà thầu có tâm lý chờ Chính phủ điều chỉnh giá vật tư vì lợi ích cục bộ. Các yếu tố địa chất phức tạp ở nhiều khu vực, bão lũ bất thường… cũng đã ảnh hưởng đáng kể tới tiến độ thi công.
Nghiêm túc đánh giá tình hình thi công, rà soát lại nhà thầu
Nhận định thời gian hoàn thành con đường, ông Nguyễn Văn Huấn cho rằng, ít nhất phải năm 2013 mới thông toàn tuyến nếu như bố trí đủ vốn. Nghĩa là công trình này phải chậm ba năm so với kế hoạch đặt ra. Sở dĩ chậm tiến độ như vậy, còn có nguyên nhân chủ quan thuộc về những người, địa phương tham gia dự án.
Trước hết, đó là công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, thiết kế kỹ thuật chậm so với yêu cầu; sự phối hợp giữa các địa phương với cơ quan làm dự án, giữa các đơn vị quản lý công trình, vật kiến trúc nơi cần giải phóng mặt bằng không nhất quán, thiếu kịp thời dẫn tới chậm mặt bằng.
Nhiều đoạn thi công chống sạt lở cũng ảnh hưởng đến tiến độ đường Hồ Chí Minh. |
Công tác quản lý đất đai còn buông lỏng ở nhiều nơi, nên khi xác định nguồn gốc đất, áp giá đền bù không thuận lợi. Sự chênh lệch lớn về mức đền bù đất cũng cản trở quá trình thu hồi mặt bằng. Cho dù đã có chủ trương điều chỉnh mức đền bù, nhưng thực tế khoản điều chỉnh bù cho dân thấp hơn nhiều so với mức chênh lệch thực tế.
Tiến độ chậm còn vì năng lực tài chính của khá nhiều nhà thầu yếu. Khi bước vào thi công, điều này đã bộc lộ khi nhiều nhà thầu có số nợ lớn, nợ dây dưa kéo dài, nên muốn vay ngân hàng để đầu tư tiếp gặp khó khăn.
Chính vì điều này, Ban Quản lý dự án đã kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền rà soát lại các nhà thầu, nếu đơn vị nào thực sự không đảm đương được tiến độ thì phải thay đổi. Đáng chú ý là vướng mắc nguồn vốn.
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, tổng mức đầu tư các dự án giai đoạn II là trên 30.856 tỷ đồng (trong đó không bao hàm mức đầu tư đoạn Cam Lộ - Tuý Loan, các cầu Cao Lãnh, Vòm Cống), thì đến nay mới được bố trí trên 5.600 tỷ đồng.
Một số dự án chưa bố trí được vốn, như đoạn Chợ Mới (Bắc Kạn) đến ngã ba Trung Sơn (Tuyên Quang); đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) đến Túy Loan (Đà Nẵng); đoạn từ Rạch Sỏi (Bến Nhất) - Gò Quao - Vĩnh Thuận (Kiên Giang). Ngoài các nguyên nhân trên, thì nhiều khu vực trên tuyến đường các nhà thầu không thể mua đủ nguồn vật liệu đá, đất, cát, sỏi để phục vụ kịp thời thi công vì nguồn cung quá thiếu.
Để đẩy nhanh tiến độ, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép chỉ định thầu công tác khảo sát, thiết kế các dự án thành phần trong dự án đường Hồ Chí Minh để rút ngắn thời gian "hành chính" của công đoạn đấu thầu.
Đồng thời cho phép chỉ định thầu đối với các hạng mục thiết kế, di dời, xây dựng các công trình công cộng nơi tuyến đường đi qua, tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương nhằm đưa các công trình đó đi nơi khác, nhanh chóng dành mặt bằng cho thi công đường.
Theo các chuyên gia, ngoài tháo gỡ mặt bằng thi công cho các dự án, thì cần điều chỉnh thiết kế một số dự án thành phần cho đường Hồ Chí Minh kết nối phù hợp với quốc lộ 1A, giữa các đường xương cá của tuyến với các khu công nghiệp, các khu dịch vụ phụ trợ mới đem lại hiệu quả lớn của công trình. Khó khăn về vốn hoàn toàn có thể chủ động được với sự quan tâm thường xuyên, quyết liệt của Chính phủ và ngành chức năng.
DiaOcOnline.vn - Theo Công An Nhân Dân