Trong bức tranh bĩ cực của thị trường BĐS nói chung, vẫn có những điểm sáng là các dự án căn hộ đúng tiến độ, bàn giao đáp ứng được tiêu chuẩn ban đầu.
Nỗi lo tiến độ
Vấn nạn dự án đình trệ, bỏ hoang đang là nỗi đau đáu của không chỉ của riêng các nhà đầu tư đã trót rót vốn, mà còn của cả các cơ quan chức năng, quản lý. Để có số liệu báo cáo Quốc hội trong kỳ họp tới đây, Bộ Xây dựng vừa cho biết trong tháng 10 này sẽ tổ chức đoàn thanh tra hàng loạt dự án tại 10 thành phố lớn. Theo đó, sẽ phân loại các dự án phát triển nhà ở được tiếp tục triển khai, các dự án cần tạm dừng, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu, loại hình nhà ở cho phù hợp nhu cầu của thị trường…
Riêng thị trường BĐS trung tâm là Hà Nội, tình trạng dự án “treo”, chậm tiến độ, bỏ hoang phổ biến hơn cả tại nhiều địa bàn trọng điểm như khu vực phía Tây thành phố gồm huyện Từ Liêm, Hoài Đức, khu vực quận Hà Đông; các dự án cao cấp, nghỉ dưỡng, các khu đô thị vùng ven như Ba Vì, Hòa Bình, Sóc Sơn, Mê Linh… Chủ đầu tư của những dự án này lớn có nhỏ có, nhà nước có, tư nhân có, thậm chí cả những dự án gắn mác ngoại cũng không thoát khỏi tình cảnh tương tự.
Dự án chậm tiến độ là hiện tượng phổ biến (ảnh minh họa)
|
Không chỉ gây lãng phí lớn về nguồn lực xã hội mà những dự án “đắp chiếu” còn tạo ra sự bất tín, mất niềm tin của khách hàng vào thị trường. Nếu như vài năm trước, tình trạng khiếu nại của người dân chủ yếu diễn ra về phí dịch vụ, chất lượng hoàn thiện căn hộ thì từ đầu năm đến nay, hàng chục vụ việc khách hàng phản đối chủ đầu tư tập trung vào tiến độ triển khai “rùa bò”, làm thiệt hại, mất đi cơ hội của người đã rót vốn.
Giới kinh doanh khu biệt, các sản phẩm BĐS nặng tính đầu cơ “đón đầu” khi mà dự án chưa biết khi nào hoàn thiện, bàn giao, nằm tại các vị trí xa trung tâm đang đứng đầu mức độ mất giá. Nhiều dự án, giới đầu tư thứ cấp đã “cắt lỗ” đến 30-40%, điều này đẩy các chủ đầu tư dự án đã khó càng khó hơn. Trong khi đó, các dự án nghiêm túc, đúng tiến độ và chất lượng hoặc sản phẩm đã bàn giao, đi vào sử dụng của các chủ đầu tư uy tín cho đến nay nhìn chung vẫn bảo toàn giá trị.
Trên nhiều diễn đàn, câu hỏi “có nên mua nhà ở lúc này hay tiếp tục chờ đợi?” - luôn nhận được nhiều ý kiến phân tích. Đa số cho rằng người có nhu cầu mua nhà ở ngay hiện đã rất thuận lợi về giá cả, cái chính là tìm các dự án pháp lý tốt của các chủ đầu tư có tiềm lực, chất lượng và tiến độ thi công đảm bảo, nhà đã hoặc sắp bàn giao. Ngược lại, nếu mua nhà vì mục đích đầu tư thì 5, 7 năm nữa mới có cơ hội. Chị Anh Thư – một nhà đầu tư tại Định Công, Hoàng Mai chia sẻ: “Đừng tham rẻ mà mua nhà trên giấy hay bắt đầu khởi công. Chẳng biết chất lượng thế nào mà có khi còn phải theo kiện dài dài”.
Dự án “bếp đỏ lửa”
Không khó để chỉ ra các dự án vẫn đang được xây dựng triển khai nhanh trên thị trường Hà Nội như tòa nhà Lotte 65 tầng nằm tại góc phố Liễu Giai, Đào Tấn. Đây là một trong số ít tòa nhà cao tầng tại Hà Nội, do tập đoàn Lotte của Hàn Quốc làm chủ đầu tư. Hiện đang được chồng tầng nhanh chóng, dự kiến toàn bộ kết cấu của 65 tầng sẽ được hoàn thành giữa năm 2013.
Tòa nhà Lotte vẫn triển khai thi công đều đặn
|
Các dự án căn hộ đang được xây dựng, hoàn thiện nhanh chóng như Mandarin Garden vừa cất nóc tòa nhà cuối cùng, Hapulico Complex bàn giao trong tháng 9/2012 tạo nên diện mạo đô thị khang trang, hiện đại trên địa bàn quận Thanh Xuân.
Trong khi đó, tại khu vực phía Đông, khu đô thị Ecopark cũng được xếp là một trong số ít dự án lớn có chất lượng và tiến độ thi công “chuẩn”. Theo thông tin từ chủ đầu tư thì toàn bộ 490 căn hộ đợt đầu của hai tòa tháp D, E thuộc chung cư Rừng Cọ (trên tổng số hơn 1.500 chung cư) dự kiến sẽ được bàn giao cho khách hàng vào cuối năm nay. Riêng loại hình biệt thự và nhà phố đã đón nhiều khách hàng chuyển về đây sinh sống, kinh doanh tạo nên sự nhộn nhịp cho khu vực này.
TS Trần Kim Chung từ Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, đánh giá bên cạnh chiều hướng xấu của thị trường trong 9 tháng đầu năm 2012, thì xu hướng tích cực đó là các dự án đi vào hoàn thiện, giao nhà. Đây là tín hiệu mới trong bối cảnh chuyển dịch của thị trường. Nó cho thấy thứ nhất, tiền đã đến với những dự án này. Có thể, chủ đầu tư đã thu xếp được tài chính dưới tác động của chính sách hoặc các nhà đầu tư đã có niềm tin trở lại. Khả năng vay vốn từ ngân hàng của các doanh nghiệp có dự án sắp hoàn thành được tính đến từ cuối năm 2011 dưới tác động của văn bản mở ra nguồn tín dụng cho một số nhóm kinh doanh BĐS.
Thứ hai, khả năng vốn hóa từ các dự án này là có tính thanh khoản. Một khi dự án được kết thúc đầu tư, khả năng vốn hóa của các dự án trở nên hiện thực. Một lượng tiền mới sẽ được tạo ra giúp doanh nghiệp, chủ dự án có khả năng tăng cường vốn trong bối cảnh khó huy động vốn từ ngân hàng hoặc các nhà đầu tư tiềm năng. Đối với những doanh nghiệp đã bước ra khỏi tình trạng khó khăn, việc triển khai tích cực các dự án có khả năng thanh khoản đóng vai trò tiên quyết nâng đỡ, vực dậy thị trường.
DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN