Thảo luận tại hội trường ngày 8.6, các đại biểu Quốc hội lo ngại không biết lấy đâu ra 23.000 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành, đồng thời cho rằng Chính phủ triển khai dự án quá chậm.
Đại biểu Phạm Minh Chính phát biểu tại hội trường
|
Trước phiên thảo luận việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành dự án thành phần để triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sáng 8.6, Bộ GTVT đã gửi các đại biểu (ĐB) văn bản giải trình về một số vấn đề còn chưa rõ, trong đó có nội dung đánh giá rủi ro trong trường hợp Quốc hội (QH) không thông qua nghiên cứu khả thi dự án làm sân bay Long Thành, sau khi đã thực hiện thu hồi giải phóng mặt bằng (GPMB).
Theo giải trình của Bộ GTVT, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án đã được QH khóa 13 thông qua tại Nghị quyết 94, trong đó khẳng định sự cần thiết, tính khả thi và hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án sân bay Long Thành. Việc Chính phủ đề nghị tách GPMB chỉ là một bước để thực hiện Nghị quyết 94.
Đối với nguồn vốn GPMB tăng từ 18.000 tỉ đồng lên gần 23.000 tỉ đồng, theo Bộ GTVT, dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chưa có thông báo thu hồi đất nên kinh phí mới ở mức khái toán. Biến động giá đất từ 2015 - 2017 cũng làm tăng 1.843 tỉ đồng. Áp dụng theo khung chính sách và một số cơ chế đặc thù trong thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tăng hơn 2.032 tỉ đồng.
Siết 2% chi thường xuyên có 20.000 tỉ đồng
Tại phiên thảo luận, các ĐB vẫn băn khoăn không biết Chính phủ huy động tiền GPMB ở đâu? ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) dẫn báo cáo giải trình của Bộ GTVT về phương án huy động gồm: 5.000 tỉ đồng trích ra từ vốn đầu tư công trung và dài hạn giai đoạn 2016 - 2020; 4.000 tỉ từ tiền thu hồi sử dụng đất của dự án tái định cư, 1.000 tỉ đồng tiền cho thuê làm thương mại dịch vụ... “Tổng được khoảng hơn 10.000 tỉ đồng, vẫn còn gần 13.000 tỉ đồng chưa biết lấy ở đâu ra?”, ĐB Cường tính toán. ĐB Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) cũng lo ngại việc GPMB 5.000 ha là không hề đơn giản và cảnh báo nếu không có tiền, giá cả không phù hợp có thể gây ra tình trạng bức xúc, khiếu nại trong dân. “Không có tiền thì rất khó làm được”, ĐB này quả quyết.
Về vấn đề này, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính (ĐB Quảng Ninh) xin hiến 2 kế: Thứ nhất, Chính phủ nghiên cứu trình QH xin cơ chế đặc biệt để GPMB, tái định cư. Thứ hai, tiền sẽ được lấy từ khoản tiết kiệm chi thường xuyên. ĐB Chính phân tích: Theo báo cáo của Chính phủ, sau 2 năm triển khai Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, đến nay biên chế không những không giảm mà còn tăng. Chi tiêu thường xuyên tăng lên 63,2% năm 2015 và 65,7% năm 2016, dự kiến 2017 là 64,9%. Về con số tuyệt đối, năm 2016 so với 2015 là trên 50.000 tỉ đồng, năm 2017 tăng so với 2015 là 114.000 tỉ đồng. “Như vậy, riêng năm 2017, ta tiết kiệm chỉ 1% thôi thì đã có trên 10.000 tỉ đồng. Năm 2018 tiết kiệm 1% nữa, cả 2 năm sẽ có trên 20.000 tỉ đồng. Muốn thế, chúng ta phải giảm đầu mối, giảm biên chế theo đúng tinh thần Nghị quyết 39, chứ nếu không sẽ loay hoay mãi”, ông Chính gợi mở.
Giải trình thêm với các ĐB, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết việc xây dựng dự án nâng cấp để nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) lên 25 triệu khách hoàn toàn không khả thi. Chỉ có thể xây dựng thêm nhà ga T4 tại Tân Sơn Nhất với 14 - 15 triệu khách, đường băng xong trước tết 2018, nhà ga xong năm 2019, nhưng đến năm 2020 thì đạt công suất trần. Chính vì vậy, việc xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là cần thiết.
Về nguồn vốn để đầu tư, theo ông Nghĩa, nếu hoàn toàn bằng ngân sách nhà nước rất khó khăn, nhưng để thu hút nhà đầu tư phải có sự chuẩn bị từ nhiều nguồn khác nhau như ODA, tư nhân, đặc biệt vốn để thực hiện GPMB.
Chính phủ chưa nghiêm túc
Tại phiên thảo luận, các ĐB cũng cho rằng Chính phủ triển khai dự án quá chậm và chưa nghiêm túc. ĐB Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) phát biểu: “Dự án trọng điểm quốc gia, cửa ngõ kết nối với thế giới, tuy nhiên tiến độ hơi chậm. Từ ngày QH ban hành nghị quyết đến nay đã 2 năm mới chỉ mới thông qua phương án kiến trúc nhưng vẫn chưa được Chính phủ phê duyệt. 2 năm trời mới có 1 hạng mục công việc đầu tiên để lập báo cáo khả thi mà chưa xong, tôi rất lo lắng!”.
ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) thẳng thắn đề nghị Chính phủ phải rút kinh nghiệm sâu sắc. Theo ĐB Vân, nếu tách dự án thành phần sẽ đáp ứng được đòi hỏi bức xúc của nhân dân trong vùng chịu tác động của dự án. Song việc này đáng lẽ phải được làm từ trước và song song với việc trình dự án. “Giá như Chính phủ trình QH cùng chủ trương sân bay Long Thành thì không vấn đề gì, nay mới trình có mâu thuẫn hay không, nếu QH không thông qua? Như vậy thì rủi ro rất lớn”, ĐB này lo ngại.
ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho rằng Chính phủ hăng hái trong xin chủ trương nhưng lại thiếu quyết tâm, chậm trễ trong triển khai. “Chính phủ chưa có động thái tích cực huy động các nguồn vốn. Trách nhiệm báo cáo hằng năm, Chính phủ cũng không làm, khi trình ra QH lại phải thay đổi rất nhiều thứ. Sẽ còn bao nhiêu dự án thành phần sau này xin tách nữa?”, ĐB Phong lo lắng.
Năm 2018, QH sẽ thông qua 21 dự án luật
Chiều 8.6, QH đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017. Theo đó, QH đã đồng ý bổ sung vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (cuối năm 2017) các dự án luật gồm: luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thuế bảo vệ môi trường; luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Năm 2018, QH sẽ thông qua 21 dự án luật, trong đó có luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Như vậy, đến thời điểm này, vẫn chưa rõ khi nào dự án luật Về hội và luật Biểu tình được trình QH.
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên