Nới lỏng điều kiện cho vay gói 30 nghìn tỷ; điều chỉnh hệ số rủi ro đối với các khoản phải đòi cho vay kinh doanh bất động sản (BĐS); cho phép Việt kiều được sở hữu nhà đất… là những “cú hích” chính sách sẽ thúc đẩy dòng tiền chảy mạnh vào BĐS.
Khách tìm mua nhà tại địa điểm giao dịch của Công ty CP Dịch vụ và địa ốc Đất Xanh Miền Bắc
|
"Giá nhà hiện nay tương đối phù hợp, đất xây dựng đã theo giá thị trường, xi măng, vật liệu xây dựng, thiết bị vệ sinh… đều theo giá quốc tế, nên đừng nói giá nhà ở Việt Nam cao mà phải nói là lương quá thấp”. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam |
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định, dòng tiền đổ vào BĐS sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới nhờ hàng loạt chính sách vừa được ban hành. Từ ngày 25/11, Thông tư số 32/2014-NHNN của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, khách hàng vay gói 30 nghìn tỷ được nâng thời hạn vay lên 15 năm (trước là 10 năm).
Đối tượng vay được mở rộng sang cả nhà và đất có giá trị không vượt quá 1,05 tỷ đồng (không khống chế về diện tích dưới 70m2, giá dưới 15 triệu đồng như trước); được vay để sửa chữa nhà ở... “Quy định mới có lợi cho người vay tiền. Hiện gói 30 nghìn tỷ đã được các ngân hàng ký cam kết cho vay khoảng 8 nghìn tỷ”, ông Nam thông tin.
Sau đó, từ ngày 1/2/2015, Thông tư 36/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành sẽ có hiệu lực, hệ số rủi ro đối với các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS được điều chỉnh từ 250% xuống còn 150%. Việc giảm hệ số rủi ro cho vay bất động sản xuống mức thấp nhất theo thông lệ sẽ giúp các doanh nghiệp BĐS tiếp cận, vay vốn sẽ dễ dàng hơn.
Và một dòng tiền đang được các nhà đầu tư BĐS chờ đón, là từ ngày 1/7/2015, Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực, các tổ chức, cá nhân nước ngoài sẽ được mua, thuê và đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam. Theo ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc điều hành Savills Việt Nam, điều này sẽ giúp thị trường BĐS có thêm nhiều nguồn vốn đầu tư. Bởi, hiện đã có trên 80 nghìn người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam; cùng lượng kiều hối từ nước ngoài đổ về lên tới cả chục triệu USD mỗi năm.
“Việt Nam là một trong 10 nước có lượng kiều hối lớn nhất trên thế giới. Ước năm 2014, lượng kiều hối sẽ lên đến 12 tỷ USD và đây là dòng tiền tiềm năng của BĐS”, bà Hoàng Thị Kim Huyền nhận định.
Giá nhà ở có tăng?
Dù dòng tiền đổ vào BĐS đang và sẽ tăng mạnh, nhưng các giới kinh doanh BĐS đều có chung nhận định, thị trường còn nhiều khó khăn và giá nhà đất khó tăng trở lại.
Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Ngọc Thành kể: “Tôi bắt đầu làm BĐS từ năm 1992, ý định ban đầu là kiếm được một triệu USD thì nghỉ. Nhưng tôi đã có 10 triệu USD từ cách đây 6 năm, và lại nung nấu ý định kiếm đủ 50 triệu USD. Ngờ đâu 6 năm nay, làm BĐS quá chật vật, tôi muốn giữ nguyên số tiền 10 triệu USD cũng khó”.
Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Công ty CP BĐS HanHud, giá nhà ở đang trong giai đoạn “khó thấp hơn” bởi nhiều chi phí giá thành đã tăng thêm như tiền đền bù đất tăng, thuế đất tăng, chi phí nguyên vật liệu, nhân công tăng. Tuy nhiên, dù chi phí đầu vào tăng, giá bán BĐS khó tăng, bởi đây là giai đoạn thị trường vừa phục hồi, lượng bất động sản tồn kho còn rất lớn.
Ông Vũ Cương Quyết, Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ và địa ốc Đất Xanh Miền Bắc cũng cho rằng, giá nhà đất hiện đã ở mức hợp lý. Do đó, sẽ không có chuyện giảm giá, còn những dự án đang hoàn thiện, có vị trí cơ sở hạ tầng tốt thì có thể tăng giá do mức chênh mua đi, bán lại trên thị trường.