Tiền chảy vào bất động sản

Cập nhật 21/05/2014 08:23

Nhiều dự án công bố lượng giao dịch khả quan từ phân khúc bình dân đến trung cấp, tín dụng bất động sản tăng mạnh và hàng loạt dự án được chuyển nhượng cho thấy dòng vốn đang chảy vào thị trường bất động sản

Tại nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 4-2014, Bộ Xây dựng tiếp tục được giao nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung giải pháp về tín dụng và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS), trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Theo các doanh nghiệp (DN), hàng loạt giải pháp hỗ trợ, xử lý nợ xấu, tháo gỡ cho BĐS theo Nghị quyết 02 của Chính phủ đầu năm 2013, đến nay đang phát huy tác dụng giúp BĐS có tín hiệu ấm dần lên.

Sôi động

Ông Phan Thành Huy, Tổng Giám đốc Tập đoàn Novaland, cho biết vừa tiến hành cất nóc 4 tòa tháp khu Central, dự án Sunrise City (quận 7) đúng tiến độ. Về lượng giao dịch căn hộ, năm 2013 dự án bán được 1.000 căn (phân khúc trung cấp với giá từ 20-30 triệu đồng/m2). Năm 2014, HĐQT đặt mục tiêu bán được 3.000 căn nhưng chỉ trong 4 tháng đầu năm đã có 1.000 căn hộ được bán ra. Một số dự án được tập đoàn mua lại tình hình giao dịch cũng khả quan, như dự án Lexington (quận 2) bán được 500 căn; dự án Galaxy9 (quận 4) hợp tác với đối tác đã xây dựng xong phần cọc và tung ra bán trong 2 tháng với hơn 200 căn. Một số dự án khác như Tropic Garden bán 350 căn và đã bàn giao nhà giai đoạn 1 cho khách hàng vào tháng 4-2014; dự án The Prince Residence bán hơn 200 căn…


Hiện nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích nhỏ được nhiều người quan tâm, tiêu thụ tốt Ảnh: HỒNG THÚY

Mới đây, sự kiện nhà đầu tư Hàn Quốc công bố rót gần 1 tỉ USD vào 14 dự án nhà giá rẻ giúp thị trường BĐS thêm “nóng”. Công ty Tổ chức nhà quốc gia (N.H.O) là đơn vị liên doanh giữa Công ty CP TAG và Công ty TNHH NIBC Investment. Ông Kim Kyoo Chul, thành viên HĐQT, cho biết DN đã và đang đầu tư vào 14 dự án nhà ở giá thấp tại Việt Nam với tổng mức đầu tư 20.612 tỉ đồng (gần 1 tỉ USD). Các dự án tập trung ở đô thị lớn như TP HCM, Hà Nội, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng… Cả 14 dự án đều có tên thương mại đầu tiên là First Home, thuộc dòng phân khúc giá rẻ dành cho người thu nhập thấp với nhiều loại hình chung cư, nhà phố, nhà ở xã hội. Hiện đã có nhiều quỹ đầu tư cam kết rót vốn cho N.H.O đầu tư vào các dự án này.

Theo ông Kim Kyoo Chul, dự án đầu tiên là First Home Bình Chánh (TP HCM), tổng mức đầu tư khoảng 4.000 tỉ đồng, dự kiến giao nhà vào tháng 6-2015. “Dự án này có giá bán từ 386 triệu đồng/căn hộ, tương đương khoảng 9 triệu đồng/m2. Đây là cam kết của công ty với Bộ Xây dựng về việc tham gia phát triển nhà ở dành cho người thu nhập thấp tại Việt Nam. Theo kế hoạch, 3 năm tới chúng tôi sẽ cung cấp ra thị trường 25.000 căn hộ và có tham vọng xây dựng 100.000 căn hộ trong 10 năm tới” - ông Kim Kyoo Chul nói.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước về tình hình tín dụng đối với BĐS đến đầu tháng 3-2014 cho thấy dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư kinh doanh BĐS đạt 266.728 tỉ đồng, tăng 1,8% so với cuối năm trước. Trong đó, hầu hết phân khúc cho vay xây dựng cao ốc cho thuê, xây dựng sửa chữa nhà để ở kết hợp cho thuê, xây nhà để bán, cho vay đầu tư kinh doanh BĐS… đều tăng khá mạnh so với mặt bằng tín dụng chung.

Nhà giá thấp tiếp tục chiếm lĩnh

Theo Bộ Xây dựng, phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích nhỏ được người dân quan tâm và có tính thanh khoản cao, tiêu thụ tốt. Tính đến quý I, thị trường BĐS Hà Nội đã có khoảng 2.300 giao dịch thành công, tăng 2 lần so với cùng kỳ. Các dự án được mua chủ yếu là nhà ở thương mại giá bán hợp lý, diện tích nhỏ, vị trí thuận lợi và đáp ứng tiến độ thi công. Còn nghiên cứu của Công ty Savills Việt Nam trong quý I/2014, TP HCM có 8 dự án mới và các giai đoạn mới của 4 dự án hiện hữu chào bán, cung cấp thêm 2.800 căn vào thị trường. Đây là số lượng căn hộ được tung ra bán mới trong một quý cao nhất kể từ quý II/2011. Về lượng giao dịch, khoảng 1.600 căn hộ giao dịch thành công trong quý I, tăng đến 39% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số cao nhất cả về lượng giao dịch và tăng trưởng theo năm của quý đầu trong vòng 3 năm trở lại.

Nhiều DN BĐS nhận định phân khúc nhà giá thấp tiếp tục chiếm lĩnh thị trường. “Nhiều nghiên cứu thị trường được chúng tôi tiến hành cho thấy tùy khu vực nhưng các căn hộ có giá trị dưới 1 tỉ đồng đang có thị trường tốt. Phân khúc nhà ở giá thấp có nhu cầu rất lớn nhưng khó khăn là các DN đang phát triển sản phẩm giá cao hơn mức độ mong đợi thị trường” - ông Kim Kyoo Chul nhận xét.

Về giá bán, Bộ Xây dựng cho biết giá nhà đã có dấu hiệu chững lại sau thời gian giảm liên tục, một số dự án tại Hà Nội và TP HCM có xu hướng tăng nhẹ. “Mức giá ở phân khúc nhà giá thấp sẽ khó giảm thêm bởi biên độ lợi nhuận của các DN không lớn, hiện chỉ còn 7%-9%. Nếu giá quá sát với mức lợi nhuận, DN sẽ không mặn mà đầu tư” - ông Phan Thành Huy nói.

Cần thêm liều thuốc mạnh

Theo ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, TP HCM - có hàng trăm dự án đang gặp khó khăn hoặc phải “trùm mền”, trong khi chỉ khoảng 30 dự án sôi động (chiếm khoảng 4%-5%). Xu hướng mua bán, chuyển nhượng các dự án gặp khó khăn đang diễn ra ngày càng nhiều nhưng không phải dự án nào được chuyển nhượng xong cũng tốt lên. Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ thị trường BĐS đã phần nào giúp thị trường có dấu hiệu ấm lên nhưng để hàng trăm DN thoát khỏi cảnh “chết lâm sàng” thì cần thêm những liều thuốc mạnh hơn từ cơ quan quản lý.


DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao động