Tiềm năng nhiều, nguy cơ cũng lắm

Cập nhật 19/08/2010 10:10


Một khu nghỉ dưỡng ở Phú Quốc. Ảnh: Duy Linh
Tại nhiều nước, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã phát triển từ vài chục năm trước. Còn ở ta, bắt đầu phát triển trong vài năm trở lại đây và đã mở ra nhiều cơ hội đầu tư.

Ngày càng nhiều cơ hội


Hiệu quả kinh doanh khách sạn và khu nghỉ dưỡng tại Việt Nam bắt đầu ổn định trong những tháng vừa qua, bởi lượng khách du lịch gia tăng và lượng khách doanh nhân đã quay trở lại. Các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đã quay lại thị trường và tìm hiểu cơ hội đầu tư vào thị trường khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng, với nhiều dự án mới đã được giới thiệu. Nhìn chung, nền kinh tế đang tăng trưởng, tiêu dùng gia tăng, đầu tư cơ sở hạ tầng cộng với sự ổn định chính trị xã hội đã hỗ trợ rất tốt cho thị trường khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng.

Ông McIntosh - Giám đốc điều hành khối khách sạn của CBRE Hotel chia sẻ: "Với ưu thế của Việt Nam là một điểm đến mới mẻ, chưa được khám phá hết, nhiều dự án đã được giới thiệu hoặc hoàn thiện thành công trong những nămqua, chứng tỏ rằng Việt Nam là một thị trường có nhiều tiềm năng chưa được khai thác và đầy hứa hẹn cho đầu tư khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng".

Do vậy, với hàng chục dự án bất động sản nghỉ dưỡng được các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai trong năm 2010 chứng tỏ triển vọng kinh doanh hết sức khả quan tại thị trường này. Những vùng biển đẹp của Việt Nam như Đà Nẵng, Phan Thiết, Nha Trang, Khánh Hòa, Côn Đảo… đang dần trở thành thiên đường cho các khu biệt thự nghỉ dưỡng. Tổng vốn đầu tư dự kiến đổ vào các dự án này lên đến hàng chục tỷ USD.

Ngay tại những khu phía Bắc như Hạ Long, Cát Bà cũng đã có những dự án bất động sản nghỉ dưỡng đang được xây dựng. Hoặc có những nhà đầu tư đã xây dựng và phát triển khu biệt thự nghỉ dưỡng nằm trong lòng một resort cao cấp như The First Villas & Resorts tại Kỳ Sơn Hòa Bình, Flamingo Đại Lải.

Chịu tác động từ ngành công nghiệp "không khói"

Ông McIntosh cho biết, thông qua các số liệu thống kê mới nhất cung cấp bởi Visa và Hiệp hội Du lịch châu Á Thái Bình Dương (PATA), khách du lịch Trung Quốc đại lục có kế hoạch du lịch nhiều nhất với trung bình 7,4 chuyến đi nghỉ dưỡng và công tác trong vòng hai năm tới, so với chỉ khoảng 5,6 từ Hồng Kông, điều đó cho thấy rằng các khách hàng này không bị ảnh hưởng nhiều bởi tác động kinh tế. Từ đó, ông McIntosh cho rằng: "Nên tập trung vào phát triển các dự án khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng và dịch vụ hướng đến những khu vực có lượng khách du lịch đang gia tăng".

Một nhân tố quan trọng khác cũng cần phải được xem xét khi phân tích lượng khách du lịch đó là tỷ lệ khách du lịch quay trở lại. "Tỷ lệ khách du lịch quay lại Việt Nam hiện nay rất thấp. Tôi không lấy làm ngạc nhiên lắm khi tỷ lệ phần trăm khách du lịch quay trở lại Việt Nam chỉ ở hàng đơn vị so với con số 60% ở Thái Lan. Những khách du lịch quay lại là nhân tố quan trọng đối với thị trường nhà ở nghỉ dưỡng, vì thông thường, khách du lịch nước ngoài chỉ mua nhà nghỉ dưỡng tại một quốc gia khác khi họ ưa thích nơi đó đến mức muốn quay trở lại đó nhiều lần" - ông Mauro Gasparotti - Trưởng bộ phận dịch vụ khách sạn, khu nghỉ dưỡng CBRE Việt Nam nói.

Ông McIntosh cũng như nhiều chuyên gia khác cùng cho rằng, Việt Nam có khả năng gia tăng đáng kể lượng khách nước ngoài mua nhà nghỉ dưỡng ven biển khi cơ sở hạ tầng quốc gia hoàn chỉnh và các chính sách khuyến khích phát triển du lịch được hoàn thiện nhằm thu hút du khách quay trở lại hoặc kéo dài thời gian nghỉ dưỡng. Một lượng nhu cầu đáng kể trong ngành kinh doanh khách sạn và khu nghỉ dưỡng đang hình thành từ đối tượng khách nội địa. Cũng giống như Ấn Độ, Trung Quốc và các quốc gia đang phát triển khác, nhu cầu du lịch trong nước ở Việt Nam vẫn là nguồn kinh doanh chính của các khách sạn và khu nghỉ dưỡng địa phương.

Tuy nhiên tại Việt Nam, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn là một lĩnh vực non trẻ, vì vậy, các chủ đầu tư dễ chịu ảnh hưởng bởi những thay đổi liên tục và nhanh chóng. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, để thành công, chủ đầu tư không thể triển khai theo cách làm truyền thống "phát vé thu tiền", mà cần có một chiến lược đầu tư, ở đó trọng tâm là phải tập trung vào khai thác những giá trị vốn có của từng địa phương, địa điểm theo hướng ngày càng cao cấp.

DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị