Tích tụ ruộng đất: Kẹt cứng bởi hạn điền

Cập nhật 26/03/2009 10:05

Nhiều người muốn giữ chặt “giấy đỏ”, dù đất đó chỉ để cho cỏ mọc, trong khi nhiều người biết làm ăn thì đứng ngoài tiếc rẻ!

Tích tụ ruộng đất là chủ trương lớn được đặt ra trong Nghị quyết Trung ương 7 về vấn đề nông nghiệp-nông dân-nông thôn để tiến đến sản xuất nông nghiệp hiện đại, nhưng hiện đang bị “trói” bởi nhiều thứ. Theo ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch tỉnh An Giang, đó là: hạn điền, thời hạn sử dụng đất đai, tình trạng phát canh thu tô trá hình và thất nghiệp đối với nông dân mất đất. Làm thế nào để giải quyết?

Việc tích tụ ruộng đất để tiến đến sản xuất nông nghiệp lớn, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, đang bị “trói” bởi hạn điền - hạn mức sử dụng đất. “Người nông dân và những người có năng lực làm nông nghiệp muốn phát triển kinh tế nông nghiệp, muốn làm giàu bằng nông nghiệp bị kẹt cứng bởi hạn điền.” GS-TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.

Tự trói mình vì thói quen manh mún

Theo Luật Đất đai 2003, hạn mức giao đất nông nghiệp cho cá nhân, hộ gia đình đối với đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, không quá 3 ha. Đối với đất trồng cây lâu năm, không quá 10 ha ở đồng bằng, không quá 30 ha ở miền núi. Đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, không quá 30 ha. “Theo quy định, khi cá nhân, hộ gia đình nhận chuyển nhượng, thì được gấp hai lần so với hạn mức mà nhà nước giao đất.” - nguyên Thứ trưởng Đặng Hùng Võ cho biết.

Không chỉ bị “trói” bởi luật, mà cản trở trong tích tụ đất đai hiện nay cũng còn có lý do từ chính nhận thức và tâm lý của người dân. “Nhiều người dân muốn giữ chặt “giấy đỏ”, dù đất đó chỉ để cho cỏ mọc, trong khi người biết làm ăn, thì đứng ngoài tiếc rẻ!” - ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nói.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn cho rằng: Không nên quy định hạn điền. Ông Tạn cho biết trước đây, khi bàn Luật Đất đai đưa ra mức hạn điền như hiện nay, đã có nhiều ý kiến phản đối, cho rằng việc giao đất như thế là quá nhiều, nông dân “ôm” sao nổi, cần phải chia nhỏ hơn nữa. Tới đây, nếu bỏ hạn điền, nghĩa là không giới hạn về diện tích sử dụng đất, thì sẽ có nhiều ý kiến không đồng tình. “Căn nguyên của quan điểm này là bởi chúng ta đã có một thời gian dài sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nên nhiều người đã quá quen với điều đó” - ông Tạn giải thích.

“Điều chúng ta phải làm ngay từ bây giờ là phải tăng cường tuyên truyền để làm chuyển biến nhận thức của nhiều người, tạo sự đồng thuận trong xã hội với chủ trương lớn tích tụ ruộng đất. Khi đã thông về nhận thức, thì mới dễ chuyển thành hành động.” - nguyên Phó Thủ tướng nói. “Cởi mở nhất là không nên có trói buộc về hạn điền, mà nên tính theo thuế. Thuế về đất nông nghiệp sẽ có nhiều mức. Chúng ta phải hướng đến chính sách đó, thì mới khuyến khích được việc tích tụ ruộng đất.” - ông Võ đồng tình.

Liệu cơm gắp mắm

Vậy những người có khả năng tích tụ đất đai, cần tích tụ bao nhiêu là vừa? Theo ông Cường thì mỗi cá nhân, hộ gia đình cần căn cứ vào khả năng về tài chính, trình độ sản xuất và năng lực quản lý, mà quyết định tích tụ bao nhiêu đất là vừa. Với những người có nhiều vốn, giỏi làm ăn, đã học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi và có thuê lao động, thì họ có thể sản xuất trên diện tích hàng trăm ha. Nếu một chủ hộ khả năng có hạn, thì chỉ nên quản 5-7 ha, quá mức đó có thể là quá sức họ. Người có năng lực sản xuất cao, thì việc họ có nhiều đất là rất tốt, nhưng với những người khả năng yếu hơn, thì chỉ nên có một diện tích đất vừa phải mới quản được, nếu không sẽ là lãng phí. Mặt khác, quy mô sản xuất còn phụ thuộc vào việc trồng cây gì, nuôi con gì, trồng cao su thì khác với trồng lúa, trồng màu, trồng rau...

“Tích tụ rộng đất là điều đương nhiên. Tích tụ phải gắn với cơ giới hóa như các nước phát triển. Khi quá trình tích tụ diễn ra hoàn toàn mang tính chất thị trường, thì ai mạnh về kinh tế, biết làm ăn, thì tích tụ được ruộng đất. Ngược lại, người nghèo nếu chuyển nhượng thì đất ít đi hoặc không còn đất sản xuất.” Ông Vũ Trọng Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn (Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phân tích.

Tuy nhiên, theo ông Bình, sẽ có hiện tượng nhiều người không làm nông nghiệp nhưng có nhiều tiền mua đất để đầu cơ hoặc đón đầu quy hoạch. Việc đầu cơ như vậy sẽ đẩy giá đất nông nghiệp lên, vì vậy người nông dân càng khó tích tụ ruộng đất. “Phải làm sao để tránh được việc tích tụ đất rồi chờ thời để làm những việc khác như mua bán kiếm lời hay lấy đất làm du lịch sinh thái, chứ không phải là sản xuất nông nghiệp.” - ông Võ cũng cảnh báo.

“Người tích tụ đất đai phải sử dụng đất đúng mục đích và có hiệu quả, nếu không sẽ bị thu hồi” - nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn nhấn mạnh.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long:

Làm ăn lớn thì phải tích tụ ruộng đất


Tích tụ ruộng đất về lâu dài là quy luật tất yếu. Hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long nông dân chỉ canh tác 1-2 ha, mà làm ruộng dưới 3 ha là không giàu. Thử làm bài tính cho một gia đình có một ha đất sẽ thấy rõ điều đó. Một năm làm hai vụ được 10 tấn, trừ chi phí 50% còn năm tấn, với giá lúa bình quân 4.500 đồng/kg thì được 22,5 triệu đồng. Số tiền này thử chia đều cho năm người (gồm hai vợ chồng, hai con và một người già) thì mỗi người được khoảng hơn 330 ngàn đồng/tháng. Thu nhập như vậy là nghèo. Nếu làm được 3 ha thì được khoảng trên 1,1 triệu đồng/người/tháng, chỉ tương đương lương một công nhân. Nông dân nào chí thú làm ăn thì 3-5 ha mới có lãi.

Người biết tính toán làm ăn, tích tụ 5, 10, 100 ha... để hình thành vùng chuyên canh, tạo ra thương hiệu xuất khẩu, mới hiệu quả. Một số DN kinh doanh lúa gạo than phiền rằng, hiện muốn ký hợp đồng 100 tấn lúa thì phải ký với 10 nông dân, 1.000 tấn thì 100 nông dân... Như vậy rất khó khăn tốn kém trong xử lý, thanh lý hợp đồng. DN rất muốn ký hợp đồng với đại diện nông dân thôi. Do vậy chuyện tích tụ ruộng đất là một xu thế khách quan cho làm ăn lớn.

Một điều cần tính tới là nông dân phải có được quyền thực thụ trên mảnh đất của mình, để có thể tham gia góp giá trị đất của mình vào cổ phần để làm ăn lớn.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP