Tình trạng tranh chấp diện tích sử dụng chung tại nhiều khu chung cư, đặc biệt là khu vực để xe của cư dân chung cư ở các đô thị, đã làm nóng nghị trường khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi vào hôm qua (12/8).
Theo Luật Nhà ở hiện hành, nơi để xe thuộc sở hữu chung, tức là thuộc sở hữu của cư dân tòa nhà. Tuy nhiên, Nghị định 71/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở lại chia nơi để xe thành 2 loại, nếu là chỗ để xe 2 bánh thì thuộc sở hữu chung, nếu là chỗ để xe ô tô thì do chủ đầu tư quyết định.
“Quy định này đã dẫn đến nhiều trường hợp tranh chấp về nơi để xe ô tô trong nhà chung cư vì không rõ là thuộc sở hữu chung hay sở hữu riêng, phát sinh tranh cãi về mức giá trông giữ xe ô tô, gây mất ổn định trật tự xã hội”, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết.
Trước thực tế trên, Ủy ban Pháp luật (cơ quan thẩm tra) không chấp thuận đề xuất của Bộ Xây dựng (cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi). “Phải khẳng định rõ trong Luật Nhà ở là, nơi để xe trong nhà chung cư thuộc sở hữu chung để thực hiện thống nhất trên toàn bộ các nhà chung cư và hạn chế các tranh chấp phát sinh liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà chung cư trong thời gian tới”, ông Lý nhắc lại nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội khi thảo luận Luật Nhà ở sửa đổi tại Kỳ họp Quốc hội thứ 7.
“Hiện tại, khiếu nại, khiếu kiện, tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân về sở hữu chung - riêng trong các toà nhà chung cư xảy ra rất nhiều”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nêu thực trạng và cho rằng, phải minh bạch vấn đề này ngay trong luật để vừa tạo điều kiện cho người dân có diện tích chung để sử dụng, vừa tạo điều kiện cho chủ đầu tư bỏ vốn ra đầu tư cơ sở hạ tầng một mặt nâng hiệu quả đầu tư, mặt khác cũng nâng cao khả năng phục vụ người dân trong toà nhà.
Ông Phước cho rằng, trong khu chung cư có 100 hộ dân, toàn bộ diện tích đất của khu chung cư đã được người dân bỏ tiền ra mua, thuê tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng… (được tính vào giá thành xây dựng nhà), thì toàn bộ diện tích này là của người dân và họ có quyền quản lý, sử dụng, chứ không phải của chủ đầu tư.
“Trong trường hợp người dân bỏ tiền ra mua đất, trả tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, còn chủ đầu tư bỏ tiền ra xây dựng (giá thành xây dựng chỉ tính một phần tiền) thì phải có cách tính toán, phân chia quyền lợi hợp lý. Nếu cứ nhập nhằng như hiện nay thì chỉ có người dân chịu thiệt, nhà của mình mà vẫn phải mất tiền trả phí để xe với giá rất cao”, ông Phước nói.
Phó chủ tịch Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân nêu thực trạng rất nhiều khu chung cư người dân không có chỗ sinh hoạt cộng đồng; thậm chí tổ dân phố, ban quản trị cũng không có chỗ để sinh hoạt, hội họp. “Trung thu sắp tới rồi, rất nhiều trẻ em ở các khu chung cư không biết sinh hoạt ở đâu, vì xung quanh chung cư toàn nhà hàng, quán sá, văn phòng công ty…”, bà Ngân phát biểu.
Theo bà Ngân, để minh bạch diện tích chung - riêng, phải quy định rõ, diện tích chung là toàn bộ phần diện tích đã được phân bổ vào giá bán, bao gồm cả toàn bộ tầng hầm làm nơi gửi xe của người dân. Ngoại trừ phần diện tích mà chủ đầu tư bỏ vốn ra xây dựng để cho thuê trông giữ xe ô tô và toàn bộ chi phí này không tính vào giá thành căn hộ thì mới được coi là diện tích riêng của chủ đầu tư và họ có toàn quyền khai thác.
“Quy định này là phù hợp, bởi trong chung cư không phải ai cũng có ô tô, nên người ta không phải chịu giá mua chung cư cao do tính cả phần xây dựng để cho thuê ô tô”, bà Ngân nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư