Để tăng lực cho thể trạng còn yếu ớt của thị trường bất động sản, nhiều đơn thuốc đã được kê và bước đầu phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, như người ốm quá lâu, để vực dậy thị trường, các chuyên gia và ngân hàng cho rằng, đơn thuốc cần thêm liều lượng.
BIDV kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ xem xét phê duyệt đề án thành lập Công ty Tài chính tái cho vay thế chấp nhà ở Quốc gia
|
Nhiều chính sách hỗ trợ…
Sau thời gian dài phát triển nóng, đẩy giá bất động sản lên quá cao, đến năm 2010, trước bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, nguồn vốn cho bất động sản bị thắt chặt, đẩy thị trường này rơi vào khó khăn kéo dài cho tới hiện nay. Thanh khoản thị trường gần như đóng băng, giá liên tục sụt giảm.
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, tổng giá trị tồn kho tại các dự án phát triển nhà ở cả nước tính đến tháng 3/2013 khoảng 125.450 tỷ đồng. Số liệu này chưa tính tới các dự án đang xây dựng dở dang, nhiều dự án đã huy động vốn của khách hàng nhưng dừng triển khai, cũng như nhiều dự án có sản phẩm tồn kho nhưng chưa báo cáo. Trong khi đó, theo số liệu vừa được Sở Xây dựng TP. HCM công bố, tính đến hết tháng 5/2013, trên địa bàn Thành phố có trên 13.000 căn hộ tồn kho, ước tính thành tiền lên đến trên 22.000 tỷ đồng.
Trước những khó khăn của thị trường bất động sản, các chuyên gia, các doanh nghiệp và ngân hàng đã có nhiều khiến nghị hỗ trợ cho thị trường, trong đó, BIDV là ngân hàng tích cực nhất. Đến nay, nhiều giải pháp mà BIDV và các đơn vị khác kiến nghị đã được thực hiện. Cụ thể, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 02 cho phép doanh nghiệp chia nhỏ căn hộ dự án, được chuyển đổi dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Bộ Tài chính ban hành thông tư hướng dẫn việc giãn, miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp bất động sản. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 11/2013 và Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 07/2013 hướng dẫn các đối tượng được vay ưu đãi từ gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng, có hiệu lực từ ngày 1/6 vừa qua.
… nhưng vẫn cần tăng liều
Các doanh nghiệp bất động sản nhận định, những chính sách hỗ trợ trên sẽ tạo sức lan tỏa, với thị trường. Tuy nhiên, các chính sách này tập trung vào đối tượng nhà ở xã hội và nhà có diện tích nhỏ, một lượng hàng tồn kho lên tới hơn 125.000 tỷ đồng vốn khó thanh khoản nhất lại không thuộc đối tượng được hỗ trợ. Các căn hộ tồn kho này chủ yếu có diện tích lớn hơn 70 m2, giá trên 1 tỷ đồng/căn. Vì vậy, Chính phủ cần có giải pháp để giải bài toán tồn kho, qua đó giúp đánh tan cục máu đông nợ xấu liên quan đến bất động sản.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản mới đây, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành kiến nghị, Chính phủ nên cho phép doanh nghiệp chia nhỏ căn hộ thành những căn 30 - 40 m2, giá khoảng 500 - 600 triệu đồng/căn, như vậy sẽ đáp ứng được nhu cầu của người mua, mà không cần phải chuyển đổi sang nhà ở xã hội.
Đứng trên góc độ là ngân hàng tài trợ vốn lớn cho bất động sản, BIDV tiếp tục đưa ra nhiều kiến nghị nhằm giúp vực dậy thị trường này. Cụ thể, BIDV kiến nghị Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ xem xét phê duyệt đề án thành lập Công ty Tài chính tái cho vay thế chấp nhà ở Quốc gia. Đây sẽ là định chế tài chính nhà ở chuyên biệt đầu tiên tại Việt Nam có khả năng tập trung nguồn vốn tài chính cho bất động sản, góp phần thực hiện tốt chiến lược phát triển nhà ở quốc gia.
Về nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cần chỉ rõ những doanh nghiệp mà Bộ có phê duyệt dự án nhà ở xã hội gửi đến ngân hàng để kịp thời giải ngân và cho vay; các cơ quan chức năng cần có hướng dẫn cụ thể về thủ tục và trình tự thế chấp cho các đối tượng vay mua nhà ở xã hội, nhà giá thấp; cần có giải pháp cụ thể tránh phát sinh nợ xấu đối với nhóm khách hàng này. Theo đó, UBND tỉnh/quỹ đầu tư phát triển các địa phương có phương án bảo lãnh vay vốn cho chủ đầu tư và người mua khi vay vốn ngân hàng.
Ngoài ra, cần ban hành hành lang pháp lý lành mạnh để giảm thiểu các chi phí ngầm; giảm thiểu thủ tục hành chính liên quan đến việc chuyển đổi dự án; Bộ Xây dựng cần nhanh chóng ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện thu hồi các dự án không tuân thủ đúng cam kết, yêu cầu dừng đầu tư các dự án không còn khả thi; Chính phủ xem xét mở rộng đối tượng hỗ trợ mua nhà ở; NHNN nên nghiên cứu theo hướng không áp dụng hệ số rủi ro 250% đối với cho vay nhà ở khi tính tỷ lệ an toàn vốn; cho phép doanh nghiệp nộp thuế, quyền sử dụng đất bằng quỹ nhà hoặc nền nhà đối với các dự án đã hoàn thành…
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán