Thuế tài sản ‘bức tử’ giấc mơ mua nhà!

Cập nhật 17/04/2018 08:53

Thuế tài sản tăng 13 lần sẽ khiến giá nhà, đất tăng lên, cơ hội mua nhà của người dân ngày càng xa tầm tay.

Dự luật thuế tài sản vừa được Bộ Tài chính công bố gặp phải nhiều ý kiến phản đối vì còn nhiều điểm bất cập. Điểm gây bức xúc nhất là đề xuất đánh thuế tài sản với nhà có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên, thậm chí cả chung cư tái định cư.

Một số chuyên gia phân tích với cách tính thuế như vậy khiến hầu như dân thành thị đến cả người thu nhập thấp, người về hưu, gia đình chính sách, thậm chí cả người thất nghiệp cũng phải chịu thuế.

Cõng thuế đất lẫn thuế nhà

Anh Việt Dũng đang ở căn hộ chung cư gần đường Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức, TP.HCM cho rằng nếu dự thảo luật thuế tài sản được áp dụng vào thực tế thì người dân có nhà vừa phải đóng thuế tài sản đối với đất ở và thuế tài sản đối với giá trị của căn nhà trên đất. Tính sơ bộ, nếu áp dụng theo phương án của Bộ Tài chính thì một căn hộ chung cư diện tích 100 m2 mỗi năm sẽ phải đóng thuế khoảng 2,7-2,8 triệu đồng.

Riêng căn hộ của mình, anh Dũng nhẩm tính tiền thuế tài sản đối với diện tích phần đất phải chịu thuế 300.000-400.000 đồng/năm; phần giá trị xây dựng căn hộ phải đóng thuế tài sản khoảng 1,2-1,4 triệu đồng/năm. Như vậy hằng năm gia đình anh phải đóng 1,5-1,7 triệu đồng. Trong khi đó, hơn 60% giá trị căn hộ anh phải vay ngân hàng, trả cả gốc lẫn lãi mỗi tháng gần 15 triệu đồng.

“Hai vợ chồng tôi thu nhập cũng vừa đủ trả số tiền này, số tiền làm thêm thì trang trải chi phí sinh hoạt. Nói thật, số tiền thuế trên với những người phải vay tiền mua nhà, đang chật vật lo cho chi phí hằng ngày thì đó là một áp lực tâm lý rất lớn. Mấy ngày nay cứ nghĩ đến khoản thuế tài sản là tôi bị stress” - anh Dũng chia sẻ.

Nếu đánh thuế tài sản thì người thu nhập thấp càng thêm gánh nặng. Ảnh: QUANG HUY

Thuế tài sản cũng làm những người ở những khu vực trung tâm TP.HCM lo lắng. Ông Phương Hà, nhà quận 1 có diện tích khoảng 40 m² gồm một trệt, hai lầu với tổng diện tích sử dụng khoảng 120 m2. Ông Hà tính toán số tiền thuế tài sản đối với giá trị xây dựng của căn nhà chỉ trên 1 triệu đồng/năm nhưng số thuế đất mà ông phải đóng rất cao.

Bởi giá tính thuế đối với đất được xác định bằng diện tích đất tính thuế nhân với giá 1 m2 đất tính thuế (giá 1 m2 đất tại bảng giá đất do UBND cấp tỉnh công bố tại thời điểm tính thuế).

Căn cứ trên bảng giá đất của TP.HCM, ông Hà tính toán: Giá đất ở khu vực tôi đang ở khoảng 80 triệu đồng/m2. Như vậy với diện tích đất 40 m², giá trị đất nhà mà tôi đang ở lên tới 2,4-2,5 tỉ đồng. Với thuế suất 0,3%-0,4% theo đề xuất của Bộ Tài chính, số thuế đất tôi phải đóng 7,5-10 triệu đồng/năm.

“Gia đình tôi chỉ có căn nhà duy nhất để ở chứ không kinh doanh buôn bán gì, thu nhập đủ trang trải cuộc sống, lo cho con cái ăn học. Nếu áp dụng luật thuế này, nhà tôi phải đóng hơn chục triệu đồng mỗi năm gồm cả thuế đất lẫn thuế nhà thì đúng là gánh nặng thật sự” - ông Hà bức xúc.

Chung cư tái định cư cũng không thoát

Những người dân nhà ở chung cư tái định cư cũng đang rơi vào tâm trạng lo lắng khi có thông tin về đề xuất đánh thuế tài sản. Ông Thành đang ở chung cư C4 (quận 9, TP.HCM) cho biết sau khi trừ khoản bồi thường, số tiền gia đình ông phải đóng còn khoảng 400 triệu đồng. Thế nên khi nghe tin tới đây những chung cư như ông đang ở có thể phải đóng thuế tài sản, ông lắc đầu ngao ngán.

“Những người dân ở tái định cư như tôi thường thu nhập thấp, nghèo, thất nghiệp, còng lưng làm lụng để trả khoản nợ tiền căn nhà đang ở. Đáng lẽ ra Nhà nước phải hỗ trợ chúng tôi vượt qua khó khăn, nay lại đề xuất phải đóng thuế tài sản thì thực sự là khó hiểu quá” - ông Thành bức xúc.

Bộ Tài chính công bố đề án luật thuế tài sản tại thời điểm hiện nay là không phù hợp, gây ra phản ứng bất bình trong công luận. Nhất là mới đây, vào tháng 11-2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM và đã quyết định chưa thí điểm đánh thuế tài sản tại TP.

Hiệp hội BĐS TP.HCM
 

Ông Trần Thành, tổng giám đốc một công ty bất động sản (BĐS) tại TP.HCM, cho rằng hiện nay khi người dân mua đất xây dựng nhà, họ phải chịu nhiều khoản thuế, phí. Trước hết là thuế sử dụng đất ở, mức thuế này được tính trên diện tích đất ở nhân với giá mỗi mét vuông và mức thuế suất.

Tiếp đến là thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các loại vật liệu xây dựng, thuế VAT trên hợp đồng thi công. Ngoài ra, người dân còn phải nộp các khoản lệ phí như lệ phí trước bạ,  phí đo vẽ, phí cấp mới giấy chứng nhận…

Đối với các căn hộ chung cư, hằng năm người dân cũng bị thu thuế đất ở được phân bổ trên diện tích sàn sử dụng thực tế. Ngoài thuế sử dụng đất, người dân mua nhà chung cư còn phải chịu thuế VAT và cả thuế thu nhập của công ty kinh doanh địa ốc được tính vào giá bán.

“Với một căn nhà hiện nay, người dân đã gánh quá nhiều loại thuế, phí. Tới đây nêu thêm thuế tài sản thì đúng là thuế chồng thuế, người dân chịu không thấu, thậm chí bóp chết giấc mơ mua nhà của rất nhiều người” - ông Thành thở dài.

Nhiều ý kiến khác cũng tán đồng với quan điểm này và cho rằng nhà có giá trị 700 triệu đồng đến 1 tỉ đồng là “nhà của người nghèo”. Ở nước ngoài, một người bình thường đi làm có thể mua nhà trả góp chỉ sau vài năm trong khi ở Việt Nam đó là tài sản được tích cóp từ nhiều đời, vay mượn. Do vậy đánh thuế là quá vô lý.
 

Giá nhà, đất sẽ tăng mạnh

Luật thuế tài sản nếu được ban hành tại thời điểm hiện nay sẽ có tác động rất lớn đối với thị trường BĐS và người mua nhà. Sẽ xảy ra tình trạng thuế chồng thuế do người mua nhà vừa phải nộp tiền sử dụng đất rất lớn, vừa phải nộp thuế tài sản; tác động đến mặt bằng giá cả nói chung mà trực tiếp là tác động làm tăng giá nhà trên thị trường BĐS.

Bên cạnh đó, sẽ tác động trực tiếp đến lợi ích của người dân do mức thuế suất cao hơn 13 lần so với hiện nay (dự thảo luật đề xuất thuế suất 0,4%, so với thuế suất 0,03% hiện nay đối với đất ở trong hạn mức) sẽ trở thành gánh nặng cho người sở hữu nhà ở thuộc diện chịu thuế.

Hiệp hội đề xuất chỉ áp dụng thuế suất không quá 0,1% (mức thuế suất này cũng đã cao hơn ba lần mức thuế suất 0,03% đánh trên đất ở hiện nay trong luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp) đánh trên nhà ở có giá trị trên 1 tỉ đồng.

Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA)

Rất khó chấp nhận

Cá nhân tôi cho rằng đã đến lúc cần nghĩ đến thuế tài sản. Nhưng những nghiên cứu, giải trình của Bộ Tài chính đối với đề xuất thuế tài sản gắn với các mục đích của thuế có vẻ chưa ổn. Chẳng hạn, với mục tiêu phân bổ nguồn lực hiệu quả, vậy phải hiểu đất đai là tài sản như thế nào? Chính là quyền sử dụng đất. Vậy quyền ấy có phải là tài sản để đánh thuế không vì thực tế hiện nay đang đánh thuế này rồi?
Đề xuất của Bộ Tài chính có đưa ra hai phương án đánh thuế tài sản nhưng hiệu quả của mỗi phương án có vẻ chưa được giải trình theo hướng gắn với hiệu quả. Điều rất quan trọng, lẽ ra đề xuất thuế tài sản phải đặt trong bối cảnh về lộ trình và cải cách tổng thể, bao gồm giảm chi, cải tổ bộ máy, nhân sự, hành chính thuế… nhưng đã không được tiến hành bài bản.

Cuối cùng, về một vấn đề cụ thể là ngưỡng chịu thuế nhà được Bộ Tài chính đề xuất ở mức 700 triệu đồng. Cá nhân tôi cho rằng: Mức này khó có thể chấp nhận trong bối cảnh kinh tế và thu nhập đầu người hiện nay của người dân.

TS VÕ TRÍ THÀNH, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Sao không đánh thuế căn nhà thứ 2?

Dự thảo luật thuế tài sản có nhiều điểm vô lý và chưa phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam. Ví dụ, quy định trong nhiều trường hợp người thuê đất là người phải nộp thuế. Như vậy là rất khó hiểu vì đáng lẽ người nào có tài sản là quyền sử dụng đất mới là người nộp thuế tài sản. Hơn nữa, trong trường hợp Nhà nước cho thuê đất thì người thuê đã nộp tiền thuế rồi, không thể bắt họ đóng thêm thuế tài sản nữa.

Trong khi đề xuất đánh thuế nhà có giá trị trên 700 triệu đồng thì Bộ Tài chính lại không muốn đánh thuế căn nhà thứ hai trở đi. Như vậy là không muốn đụng vào người giàu có nhiều nhà, đất để chuyển nhượng, để cho thuê… mà chỉ chăm chú vào thu người chỉ có một căn nhà để ở, như vậy sao gọi là công bằng!

Luật sư TRẦN XOA, chuyên gia thuế


DiaOcOnline.vn - Theo PLO