Người có nhiều tài sản như bất động sản, ô tô, tiền gửi tiết kiệm… sắp tới sẽ phải đóng thuế nhiều hơn.
Bộ Tài chính vừa hoàn thiện báo cáo chuyên đề thực trạng thu tiền sử dụng đất, thuê đất, chính sách thuế liên quan đến đất đai và bất động sản (BĐS). Trong báo cáo này, Bộ Tài chính khẳng định cần thiết nghiên cứu, xây dựng luật thuế tài sản hoặc thuế BĐS. Điều này nhằm thể chế hóa chủ trương về chính sách thuế đối với tài sản, xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, phù hợp thông lệ quốc tế.
“Đánh thuế tài sản là cần thiết”
Theo Bộ Tài chính, nguồn thu từ thuế sử dụng đất của Việt Nam hiện nay mới chiếm khoảng 0,03% GDP và khoảng 0,15% tổng thu ngân sách nhà nước. Trong khi tại nhiều nước, nguồn thu từ thuế tài sản, đặc biệt thuế sử dụng đất là một trong những nguồn thu lớn của ngân sách. “Nguồn thu từ thuế tài sản chiếm khoảng 2% GDP các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), trong đó Canada là 4%, Mỹ cao nhất là 3% và nước thấp nhất là 1%. Nguồn thu từ thuế tài sản cũng chiếm khoảng 0,6% GDP tại các nước đang phát triển và khoảng 0,68% tại các quốc gia đang chuyển đổi” - Bộ Tài chính dẫn chứng.
Hơn nữa, Bộ Tài chính nhấn mạnh thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đang tăng liên tục trong các năm gần đây, từ 1.400 USD (năm 2013) lên 2.200 USD (năm 2016) và dự báo sẽ tăng lên 3.400 USD vào năm 2020. “Việc nắm giữ, sở hữu, đầu tư BĐS của người dân có xu hướng tăng lên. Để hạn chế đầu cơ, sử dụng BĐS lãng phí, việc nghiên cứu xây dựng luật thuế tài sản là cần thiết” - Bộ Tài chính giải thích.
Đánh thuế như thế nào?
Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế Việt Nam, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, chia sẻ thuế tài sản không đánh trên số lượng các nhà mà thuế này đánh trên giá trị tài sản mà người ta có được. Tài sản đó không chỉ có nhà, BĐS mà còn có các tài sản khác như vốn đầu tư vào doanh nghiệp (DN), giá trị DN, du thuyền, máy bay... “Qua đó nhằm kiểm soát tài sản và đóng góp nguồn thu ngân sách trên cơ sở những người có tài sản lớn đóng góp cho Nhà nước” - bà Cúc nói.
Theo Bộ tài chính, việc đánh thuế người nắm giữ nhiều tài sản là phù hợp thông lệ quốc tế. Trong ảnh: Người dân tìm mua nhà tại một dự án bất động sản ở TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Ba phương án tính thuế nhà ở
Đến thời điểm này, Bộ Tài chính chưa nêu rõ các phương án đánh thuế cụ thể. Tuy nhiên, trước đây bộ này từng đưa ra ba phương án tính thuế nhà ở.
Cụ thể, phương án 1: Những người sở hữu nhà ở trên 200 m2 sàn xây dựng phải chịu thuế 1.000-4.000 đồng/m2/năm tùy từng loại nhà. Phương án 2: Thu thuế theo giá trị nhà, phần giá trị trên 1 tỉ đồng phải chịu thuế 0,03%. Phương án 3: Chỉ thu thuế nhà ở đối với người sở hữu căn nhà thứ hai trở đi theo thuế tuyệt đối 1.000-4.000 đồng/m2/năm tùy từng loại nhà nhưng không thu thuế đối với nhà dưới hai tầng.
Ai sẽ bị tác động?
Theo phó tổng giám đốc một công ty BĐS lớn tại TP.HCM, việc sở hữu nhiều BĐS bị đánh thuế thì sẽ có những đối tượng bị tác động. Trong đó đối tượng chịu tác động mạnh nhất là khách hàng, bởi nếu bị thu thuế từ căn nhà thứ hai thì nhiều khả năng họ sẽ nhụt chí trong việc có nên hạ quyết tâm mua. Chủ đầu tư cũng không thể tránh khỏi tác động. Bởi một khi người mua nhà đắn đo khi “xuống tiền” đầu tư vào căn nhà thứ hai thì chắc chắn mãi lực sẽ giảm và điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết đã giao Vụ Chính sách thuế nghiên cứu dự thảo đánh thuế nhà ở, nhất là những chủ thể có 2-3 nhà trở lên. Tuy nhiên, dự kiến trong năm 2017 vẫn chưa thể áp dụng sắc thuế này vì phải có thời gian xây dựng, xem xét kỹ. Còn trong tương lai chắc chắn sẽ phải thu, không chỉ vì ngân sách khó khăn mà các nước họ đã đánh thuế này từ nhiều năm nay rồi.