Thuế BĐS: Biết vẫn thất thu?

Cập nhật 12/03/2012 13:40

Cục thuế Hà Nội vừa công khai danh sách hàng loạt doanh nghiệp (DN) nợ tiền sử dụng đất tính đến tháng 2-2012.

Trong đó có nhiều DN nợ đến hàng trăm tỷ đồng như Công ty TNHH Berjay - Handico 12- chủ đầu tư Khu đô thị Thạch Bàn nợ 225 tỷ đồng; dự án Golden Land do CTCP Thương mại Hưng Việt 99 tỷ đồng; dự án tổ hợp nhà Đại Mỗ của CTCP Cơ khí Xây dựng Đại Mỗ 127 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng nhà ở kinh doanh kết hợp dịch vụ thương mại tại 26 Lê Văn Lương do CTCP Xây dựng số 1 Hà Nội 184 tỷ đồng; dự án Kim Chung Di trạch của Viettracimex 500 tỷ đồng…

Những con số này khiến nhiều người không khỏi giật mình bởi đây hầu hết là những “đại gia” BĐS khu vực phía Bắc, các dự án lớn và được quảng bá vô cùng hoành tráng. Tuy nhiên, những người am hiểu thị trường BĐS đều cho rằng việc nợ thuế đã trở thành “chuyện thường”.

Tại hội nghị chống thất thu và nợ đọng thuế, được tổ chức vào đầu tháng 3, chính Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng phải thừa nhận thất thu thuế ở các dự án BĐS là khá nghiêm trọng.

Theo ông Tuấn, kể cả những khu đô thị rất nổi tiếng như Phú Mỹ Hưng, đến tận năm ngoái, khi các căn hộ tại dự án này đã bán hết từ lâu, tiền thuế sử dụng đất vẫn chưa được nộp vào ngân sách. Hay dự án Ciputra Hà Nội, 15 năm không thu được thuế, dù dự án vẫn xây dựng và bán bình thường.

Không khó để thấy rằng các cơ quan thuế đang ở vào tình thế “biết nhưng vẫn không thu được thuế”. Trên thực tế, theo nhiều chuyên gia BĐS, nếu tính đúng, tính đủ các khoản thu từ đất đai đóng góp vào ngân sách sẽ vượt xa con số gần 50.000 tỷ đồng như dự tính của các cơ quan thuế vài năm gần đây.

“Thị trường BĐS kém minh bạch thì chính sách thuế phải thật mạnh. Nhưng với các luật thuế hiện hành không chỉ cá nhân mà DN cũng tìm đủ mọi cách để lách, việc thất thu thuế là không thể tránh khỏi” - GS. Đặng Hùng Võ nhận định.

Sự bất hợp lý đang thể hiện ở chỗ, giá thu hồi đất chỉ được tính theo giá đất do UBND cấp tỉnh quy định và thường chỉ bằng 60-70% giá thị trường, nên DN phải nộp thuế cao hơn. Điều này đã dẫn đến tranh cãi không có hồi kết giữa cơ quan thuế và DN.

Mặt khác, hệ thống các quy định pháp luật Việt Nam chưa có điều khoản nào cho phép DN nợ tiền sử dụng đất; đồng thời cũng không quy định cụ thể bắt buộc DN phải nộp ngay hoặc trong thời gian bao lâu. Điều này dẫn tới là tại các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM, số các DN BĐS nợ tiền thuế đất lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, năm 2012, Thanh tra Thuế sẽ tiến hành chuyên sâu tại một số lĩnh vực, trong đó BĐS sẽ là đối tượng “đặc biệt” lưu tâm của ngành. Theo một số chuyên gia, điều này làm được hay không còn phụ thuộc vào sự quyết tâm của cơ quan thuế.

Khi dự toán số thu từ đất đai trong năm 2012 đã giảm đáng kể, chỉ vỏn vẹn hơn 42.000 tỷ đồng thì việc chấn chỉnh lại hệ thống thuế cũng như những biện pháp để chống thất thu chắc chắn vẫn còn là câu chuyện “nóng”.

DiaOcOnline.vn - Theo ĐTTC