Thực hư "sốt" giá nhà đất ở Bình Quới-Thanh Đa

Cập nhật 18/11/2015 11:14

Ngay sau khi UBND Tp.HCM có quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh) vài ngày, nhiều “tin đồn” rộ lên cho rằng giá nhà đất tại khu vực này đang tăng chóng mặt.

Hình minh họa

Tóm tắt

Ngày 30/8/2015, UBND Tp.HCM đã ban hành Quyết định số 3408/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa. Theo đó, diện tích khu vực quy hoạch nằm trên bán đảo Thanh Đa, rộng hơn 426 ha. Về chủ trương, thành phố giao tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư, xây dựng theo các tiêu chí đô thị sinh thái hiện đại.

Theo một số thông tin, đất tại Thanh Đa có diện tích khoảng 1.000m2 hiện được “thét” giá trên 19 tỷ đồng, có những khu đất rộng khoảng 5.000m2 được chào giá 25 tỷ đồng. Sau khi chúng tôi thực hiện cuộc khảo sát mọi ngóc ngách của bán đảo Bình Quới – Thanh Đa, thực tế cho thấy tình hình mua bán nhà đất tại đây hết sức yên ắng, không “rộn rã” như tin đồn.


Hình mẫu của khu đô thị Thủ Thiêm

Theo quyết định của UBND Tp.HCM, tổng vốn thực hiện kế hoạch trên là gần 30.000 tỷ đồng. Số tiền này bao gồm giá trị dự kiến vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính của toàn bộ dự án, giá trị bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tối thiểu khi thực hiện thu hồi đất. Đồng thời, được sử dụng để làm cơ sở xác định giá trị bảo đảm dự thầu, bảo đảm cam kết thực hiện dự án, xác định vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, cam kết tín dụng (khả năng vay).

Cũng theo kế hoạch trên, nhà đầu tư được lựa chọn theo hình thức chỉ định thầu. Thời gian triển khai thực hiện dự án dự kiến 50 năm, trong đó thời gian xây dựng hoàn thành hạ tầng kỹ thuật chính là 5 năm kể từ ngày ký hợp đồng thực hiện dự án.

Ngày 30/8/2015, UBND Tp.HCM đã ban hành Quyết định số 3408/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa. Theo đó, diện tích khu vực quy hoạch nằm trên bán đảo Thanh Đa, rộng hơn 426 ha. Về chủ trương, thành phố giao tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư, xây dựng theo các tiêu chí đô thị sinh thái hiện đại.


Quy hoạch khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa của tập đoàn Bitexco

Tại đây, hiện có dự án chung cư Soho Riverview đang được xây dựng đến tầng 12, do Tổng công ty xây dựng Sài Gòn TNHH Một thành viên (SGCC) làm chủ đầu tư. Dự án này được xây dựng trên đường Xô Viết Nghệ Tỉnh – “cửa ngõ” dẫn vào khu Bình Quới – Thanh Đa.

Cách đó khoảng 200m là dự án Thanh Đa View đã được đưa vào sử dụng của tập đoàn Thanh Yến Đầu tư. Tiếp đó là dự án Khu căn hộ cao cấp Đại An - Saigon Riverside, bao gồm 8 khối công trình cao từ 15-22 tầng, tổng cộng 636 căn hộ cao cấp trên diện tích đất gần 30.000m2, tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng. Dự án được Công ty TNHH phát triển nhà Đại An-Saigontourist khởi công vào tháng 8/2010, đến nay vẫn chỉ là bãi đất trống được trưng dụng làm nơi giữ xe…

“Đất quy hoạch sao bán được”

Với thông tin mới trên, hàng ngàn hộ dân sinh sống tại khu bán đảo này nửa mừng, nửa lo. Mừng vì sắp tới họ sẽ thoát được cảnh sống cực khổ vì dự án “treo” suốt hơn 20 năm qua, lo vì không biết chủ đầu tư mới có đủ khả năng để thực hiện dự án, hay lại như chủ đầu tư trước nhận rồi lại để đó không làm.

Theo một số thông tin, đất tại Thanh Đa có diện tích khoảng 1.000m2 hiện được “thét” giá trên 19 tỷ đồng, có những khu đất rộng khoảng 5.000m2 được chào giá 25 tỷ đồng… Sau khi chúng tôi thực hiện cuộc khảo sát mọi ngóc ngách của bán đảo Bình Quới – Thanh Đa, thực tế cho thấy tình hình mua bán nhà đất tại đây hết sức yên ắng, không “rộn rã” như tin đồn.

Người dân vẫn chờ đợi quy hoạch được thực hiện để có cuộc sống an cư

Đến đây, khung cảnh cuộc sống của người dân chẳng khác mấy một vùng quê với ruộng lúa, bờ ao, những con đường nhỏ dưới những hàng dừa. Thế nhưng, phía sau không gian tưởng như  “yên bình” đó là cuộc sống khốn khổ của hàng ngàn hộ dân đã kéo dài hơn 20 năm vì dính quy hoạch. Nhà cửa ở đây đa phần lụp xụp, nhiều căn chỉ làm tạm bợ bằng lá dừa, tấm tôn. Theo người dân ở đây, mặc dù nhà cửa hư hỏng, xuống cấp nhưng họ không thể xây mới, muốn sửa chữa, cơi nới cũng phải xin phép, vướng rất nhiều thủ tục.

Thực vậy, khi qua khỏi cầu Kinh Thanh Đa là con đường Bình Quới chạy dài khoảng 4km dẫn vào những khu dân cư vẫn còn khá đơn sơ, cây cỏ mọc cao hơn đầu người. Tại một số khu vực sâu dọc bờ sông, chỉ có một vài hộ dân sinh sống. Đa số đất tại khu vực này là đất lúa, ao hồ, do vậy người dân ở đây sinh sống bằng nghề kinh doanh cho thuê đất để mở những khu vui chơi, câu cá, nghỉ mát hoặc nuôi tôm, cá…

Ông Trần Lâm Hà, ngụ tại một con hẽm, cho biết: “Từ năm 1994 đến nay, toàn bộ bán đảo Bình Quới – Thanh Đa đã thuộc diện quy hoạch phát triển khu đô thị, thành phố cũng đã rất nhiều lần công bố điều chỉnh quy hoạch. Nhưng đến nay vẫn chưa thấy thực hiện đầu tư gì. Chúng tôi chỉ sống trong những ngôi nhà tạm bợ, ngay cả việc xin phép sửa sang chút đỉnh để sống thoải mái còn không được phép thì làm sao bán đất được cho ai”.

Đa số là giao dịch ngầm

Theo quan sát của chúng tôi, chạy dọc theo con đường Bình Quới và Thanh Đa, có rất nhiều bảng quảng cáo mua bán nhà đất. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ sẽ là những thông tin rao bán căn hộ, biệt thự hoặc đất nền tại nhiều địa phương khác, như Bình Dương, Long An và các quận của thành phố. Chúng tôi cũng đã đi tìm vào tận những con hẻm sâu nhưng không tìm thấy một bảng rao bán đất nào tại Bình Quới – Thanh Đa.

Khi hỏi một số người dân đang sinh sống tại hẻm số 1187, thuộc Phường 28, được biết thời gian gần đây xuất hiện nhiều người dân rao bán đất, nhưng chỉ thông qua các cò đất là chính. “Nhưng, đa phần đất ở đây là vùng trũng nên luôn ngập sâu do triều, đường sá đi lại khó khăn nên ít người quan tâm”, chị Nguyễn Thị Thu Hà, chủ tạp hóa Hà Trang, nói.

Đa số đất ở đây đều là ao hồ...

Một cán bộ địa chính của Phường 28, cho chúng tôi biết hiện có nhiều người dân hoặc “cò” đất đang “ăn theo” thông tin quy hoạch khu này nên làm giá đất, chứ đây là vùng đã thuộc diện quy hoạch nên chính quyền địa phương không bao giờ thực hiện các thủ tục pháp lý về mua bán hay chuyển nhượng. “Có chăng người dân mua bán đất thông qua giấy viết tay, nhưng sẽ không thể nào thực hiện được việc sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì dính quy hoạch như tôi đã nói. Tại đây đang xuất hiện tình trạng nhiều hộ dân tự ý xây nhà trên đất ao hồ, đất ruộng để chờ được đền bù, còn việc mua bán đều diễn ra ngầm. Do vậy, khách hàng mua sau sẽ lãnh đủ”, vị cán bộ này nói.

Đánh giá của một vài chuyên gia cho thấy, bán đảo này còn phải mất khá nhiều thời gian để có thể “chuyển mình” như quy hoạch đề ra. Bởi vì, bài toán khó nhất và mất nhiều thời gian nhất để biến khu đầm lầy này thành một khu đô thị kiểu mẫu là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Điển hình cho thấy, chỉ việc thực hiện hơn 400 hộ dân tại chung cư Thanh Đa sắp sập thì quận này đất mất gần 10 năm, nhưng vẫn còn một hai hộ chưa chịu di dời. Với đại dự án khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa, có trên 1.000 hộ dân thuộc diện di dời trắng thì khả năng thực hiện sẽ không sớm được như kỳ vọng.

DiaOcOnline.vn - Theo CafeF