Thông tin xây 4 cây cầu nghìn tỷ bắc qua sông Hồng, sông Đuống mới là chủ trương của Hà Nội nhưng đã có nhiều thông tin 'sốt đất' tại những khu vực có cầu bắc qua. Thực tế, nhiều người mắc cạn vì tin lời sốt đất do xây cầu Nhật Tân và đó cũng là bài học cho khách hàng vội vã xuống tiền khi tin vào việc 'sốt đất' vì cầu.
Nếu phát triển hội đủ 3 yếu tố như chính sách, hạ tầng và tiện ích thì bất động sản khu phía Đông Hà Nội rất có tiềm năng không kém phía Tây. Ảnh minh họa
|
Theo tìm hiểu của phóng viên, Hà Nội vừa có đề nghị triển khai xây dựng 4 dự án cầu bắc qua sông Hồng, sông Đuống và triển khai giai đoạn 2 dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy. Cụ thể 4 cây cầu này gồm cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo, Cầu Đuống 2 và cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2.
Ngay sau khi thông tin này được phát đi đã trở thành tâm điểm của thị trường bất động sản (BĐS). Những dự đoán về việc thị trường BĐS khu vực Long Biên có khả năng trở nên sốt nóng sau khi 4 cây cầu này được xây dựng đang môi giới rỉ tai nhà đầu tư.
Thực tế, thị trường BĐS khu vực Long Biên nhiều năm nay chưa có cơn sốt đất nào, kể cả có những nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực xây dựng BĐS về triển khai dự án. Thậm chí, một dự án rộng hàng chục hecta bỏ hoang dù đã xây xong hạ tầng, chung cư, biệt thự và nhà liền kề. Nhiều dự án giá rẻ bán cả năm không hết hàng.
Chị Bích Thuỷ, có nhà thổ cư tại Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội) cho biết, không biết sốt đất ở đâu nhưng tôi ở đây mấy chục năm nay nhưng đất khu vực này chưa bao giờ nóng, sốt.
Anh Trí Dũng, Giám đốc Văn phòng Giao dịch đất đai ở Đông Anh chia sẻ, cách đây vài năm, tin vào việc xây cầu Nhật Tân sẽ tạo cơn sốt đất tại Đông Anh, nhiều người bỏ hàng tỷ gom đất chờ ngày giá lên. Thế nhưng, cầu xây xong đã lâu nhưng giá đất vẫn chưa lên được nên nhiều người đành ngậm đắng nuốt cay.
'Giá đất cũng có tăng nhẹ ở mức 3-5% sau một thời gian chứ không tăng vọt như một số thông tin của giới đầu cơ. Tuy nhiên, người dân cần tính toán kỹ khi bỏ ra số tiền lớn mà thời gian dài mới có lãi chút ít', anh Dũng khuyến nghị
Các lô đất thổ cư có diện tích từ 40-80m2 thường dễ bán. Ảnh minh họa |
Theo khảo sát, hiện giá đất khu vực xã Uy Nỗ, Hải Bối (gần cầu Nhật Tân) thuộc huyện Đông Anh dao động mở mức trên dưới 20 triệu đồng/m2. Cá biệt ở thị trấn Đông Anh có những lô đất mặt tiền đẹp, đường rộng và có thể vừa ở kết hợp kinh doanh thì giá lên tới 30-40 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, giá đất ở khu vực phường Ngọc Thụy, Thượng Thanh (gần cầu Đông Trù) của quận Long Biên dao động ở mức trên dưới 30 triệu đồng/m2. Các khu đất nằm gần bờ sông Đuống như Gia Thượng, Giang Biên, Tình Quang, Quán Tình... cạnh cầu Giang Biên sắp được xây cũng có giá 18 - 20 triệu đồng/m2, có nơi cao trên 35 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, các ghi nhận về giao dịch thành công ở các khu vực trên rất ít.
Tại cuộc họp báo quý 3/2017 của CBRE vừa diễn ra tại Hà Nội, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu, tư vấn, định giá và quản lý tài sản CBRE Hà Nội phân tích, khi có cơ sở hạ tầng mới kết nối giữa 2 bờ sông, quận Long Biên vốn có vị trí rất gần với trung tâm Hà Nội thì rất có khả năng trở thành khu dân cư mới, trung tâm bất động sản mới, hoàn toàn có cơ sở để Long Biên có những dự án có chất lượng tốt hơn, tiện ích tốt hơn.
"Dù BĐS phía Đông giàu tiềm năng, nhưng không ai có thể dự báo được trong một khoảng thời gian cụ thể thì giá bất động sản khu vực này sẽ tăng như thế nào. Nhưng, nếu nhìn vào những con số thống kê trong quá khứ thì có thể biết được tăng bao nhiêu là hợp lý, ổn định. Ví dụ thị trường ổn định, trong một năm, giá có thể tăng từ 3 – 5%, tốt hơn thì sẽ còn cao hơn. Còn nếu kì vọng tăng tới 10% đến 15% trong vòng nửa năm hoặc 1 năm thì rất khó", bà An phân tích.
Vì vậy, đối với những ai có chủ trương đầu tư bất động sản khu vực này, bà An cho rằng, cũng cần thận trọng. Bởi nếu may mắn thì không sao nhưng không may thì nhiều rủi ro có thể xảy ra. "Với nhà đầu tư, chớp thời cơ nhanh hơn, khi gặp may thì lợi nhuận càng nhiều, nhưng rủi ro cũng càng cao. Đặc biệt là những cơ hội mang lại lợi ích đầu tư từ thị trường không phải luôn dành cho mọi người"- bà An nói.
Bình luận thêm về tác động của các dự án xây cầu nêu trên, bà Nguyễn Bích Trang, Giám đốc một đơn vị tư vấn bất động sản chi nhánh Hà Nội, cho rằng: Thị trường bất động sản phát triển hay không có yếu tố tác động rất lớn từ chính sách của Chính phủ. Đơn cử, trước đây khi Chính phủ có chủ trương chuyển nhiều cơ quan nhà nước, trụ sở bộ ngành, trường học... ra ngoại thành, đặc biệt là phía Tây thành phố. Khi đó bất động sản phía Tây đã "lên cơn sốt".
Bên cạnh chính sách thì theo bà Trang, độ hấp dẫn của phân khúc thị trường còn phụ thuộc vào những cơ sở hạ tầng và dịch vụ tiện ích cho cuộc sống (trường, trạm, chợ...).
Do vậy, "nếu phát triển hội đủ 3 yếu tố (chính sách, hạ tầng, tiện ích) đó thì bất động sản khu phía Đông thành phố rất có tiềm năng phát triển không kém phía Tây. Tuy nhiên, chủ trương thì có rồi, ví dụ việc xây dựng các cây cầu qua sông Hồng và sông Đuống, nhưng vấn đề là khi nào dự án thực sự hoàn thành. Cho nên, tác động của 3 yếu tố này đến thị trường bất động sản trong thực tế phải chờ thời gian trả lời"- bà Trang nhấn mạnh.
DiaOcOnline.vn - Theo Tiền phong