Thực hư cơn sốt đất nền đang lan rộng tại Hà Nội?

Cập nhật 02/02/2018 13:19

Trong vài tuần trở lại đây nhiều Cty nghiên cứu thị trường đều đưa ra những cảnh báo về cơn sốt đất nền đang lan rộng tại các quận, huyện vùng ven như Hoài Đức, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều ý kiến cho rằng, đây chỉ là sốt ảo. Việc tăng giá đất là có thật tuy nhiên chỉ diễn ra cục bộ một vài điểm tại các địa phương, chứ không thể làn sóng lan rộng.

Giá đất nền khu vực huyện Gia Lâm đang được rao bán tăng giá chóng mặt. Ảnh: P.V

Nghiên cứu của các đơn vị tư vấn cho thấy, trong năm 2017, đất nền, liền kề, biệt thự có mức độ tăng giá được đánh giá khả quan. Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), năm 2017, đất nền dự án hầu hết giá trị đất trong dự án tại các vùng đều biến động tăng khoảng 10%.

Giá hiện tại ở khu vực quận Cầu Giấy trong khoảng 180-200 triệu đồng mỗi mét vuông, quận Từ Liêm, Tây Hồ: Giá trung bình 120-150 triệu đồng, quận Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Trì trung bình 25-50 triệu đồng, Long Biên, Gia Lâm 30-50 triệu đồng, huyện Đông Anh trung bình 30 triệu đồng.

Còn theo Savills Việt Nam, phân khúc biệt thự và liền kề hoạt động tốt trong năm 2017. Tổng nguồn cung phân khúc này trên thị trường đạt hơn 40.400 căn, tăng hơn 15% so với 2016. Riêng trong quý IV vừa qua, tổng lượng giao dịch tăng 23% so với quý trước đó và 83% so với cùng kỳ.

Theo quan sát của PV Báo Lao Động, việc các tin đồn sốt đất được đẩy lên cao giữa tháng 9 khi Hà Nội đề xuất xây dựng 5 cây cầu qua sông Hồng và sông Đuống, nhiều tin đồn sốt đất tại các vùng lân cận bắt đầu râm ran. Dọc hai bên bờ sông Đuống đoạn từ Cầu Đuống đến xã Dương Hà (bên tả) và xã Giang Biên (bên hữu), câu chuyện về việc xây dựng một loạt cây cầu được người dân bàn tán rất nhiều. Thực tế, qua khảo sát giá đất tăng chỉ là tin đồn thất thiệt. Cụ thể, tại Gia Lâm, anh Đỗ Viết Long - chủ sàn môi giới đất nền Song Long - cho hay, giá đất từ tháng 3.2017 mặt bằng chung vẫn vậy, có thời gian ngắn từ tháng 8 trở đi thì nhỉnh hơn chút nhưng không đáng kể. “Có nơi người dân rao bán giá chênh lên tới 10 triệu đồng/m2, vấn đề là rao như vậy nhưng không có khách” - anh Long nói.

Trong khi đó, bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Savills Hà Nội - cho rằng, năm 2017 đất nền, biệt thự, liền kề ở một số khu vực có dấu hiệu sốt ảo, xuất hiện tình trạng chênh giá bị đẩy lên cao. Bà cho rằng, với những dự án này có thể mang về lãi lớn cho những nhà đầu tư sóng ngắn, tuy nhiên cũng chứa đựng rất nhiều rủi ro.

Theo bà Hằng, nếu nhà đầu tư đánh giá chưa chính xác ở góc độ thị trường cũng như sản phẩm và mua với mức giá vượt ngưỡng thì dễ dẫn đến tình trạng cắt lỗ. “Chúng ta cũng phải nhìn nhận một thực tế là ở các khu vực nói là sốt thì trước đây vẫn còn lượng hàng không nhỏ còn nằm đó. Vì thế, thực chất không phải thị trường khan hiếm mà vẫn còn nhiều nên hiện tượng sốt hàm chứa mức độ rủi ro không nhỏ” - bà Hằng nhận định.

Bà Hằng cho rằng, một số dự án đất nền ở khu vực vùng ven Hà Nội cũng đang dần tịnh tiến đến mức giá cao nhưng ở một số khu vực, việc tính toán lợi nhuận cần được xem xét trong dài hạn. “Chúng tôi nhận thấy tiềm năng một số khu vực xa. Tuy nhiên nguồn cung dễ rơi vào trạng thái sốt ảo” - bà Hằng cho hay.

Theo bà Hằng, thị trường đất nền thường xuyên xảy ra tình trạng khi nghe có quy hoạch thì nhà đầu tư đổ xô vào. Tuy nhiên, thực tế, từ khi có tin quy hoạch đến khi khu vực đó trở thành đông đúc hoặc chỉ đến mức bắt đầu có sự phát triển tốt hơn thì cũng cần thời gian. “Mà một khi khu vực đó không phát triển được ngay thì dễ dẫn đến tình trạng nhiều người nôn nóng, tư tưởng đám đông, dễ dẫn đến tình trạng không kiểm soát được” - bà Hằng nhận định.


DiaOcOnline.vn - Theo Lao động