Thực hiện thu hồi đất: Không để người dân thiệt thòi

Cập nhật 19/05/2017 09:13

Hơn một năm thực hiện Quyết định số 23/2015/QĐ-UBND của UBND TP Hồ Chí Minh về bồi thường hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn (Quyết định 23) đã phát sinh một số vướng mắc do chưa có quy định hoặc quy định chưa phù hợp. Hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến để tham mưu sửa đổi, hoàn thiện văn bản này với tinh thần chung là không để người dân thiệt thòi.


Chung cư dành cho hộ dân tái định cư ở phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2).

Đề xuất thuê tư vấn xác định giá đất

Tại hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo “Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP Hồ Chí Minh”, do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức, ông Trần Minh Thơ, Trưởng phòng Bồi thường, hỗ trợ tái định cư, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP Hồ Chí Minh, cho biết: Dự thảo lần này điều chỉnh 32 điều trong tổng số 53 điều của Quyết định 23.

Trong bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), việc xác định giá đất để bồi thường luôn là vấn đề “nóng”. Theo Quyết định 23, giá đất bồi thường được xác định trên cơ sở thuê tư vấn tính giá bồi thường, làm cơ sở cho UBND quận, huyện trình Hội đồng Thẩm định và UBND thành phố phê duyệt. Tuy nhiên, theo Sở TN-MT, việc xác định hệ số điều chỉnh giá đất rất khó khăn, phức tạp và mất nhiều thời gian, do đó Sở kiến nghị giao UBND các quận, huyện tiến hành khảo sát hoặc thuê đơn vị tư vấn thực hiện ngay sau khi có chủ trương đầu tư hoặc văn bản chấp thuận của UBND thành phố.

Không đồng tình với quy định sửa đổi này, luật sư Trương Thị Hòa cho rằng, việc Sở TN-MT chọn cả hai phương án là UBND quận, huyện tiến hành khảo sát hoặc thuê đơn vị tư vấn xác định giá đất là không phù hợp, bởi pháp luật là phải cụ thể, rõ ràng chứ không phải ai muốn làm gì thì làm. Luật sư Trương Thị Hòa kiến nghị phải thuê đơn vị tư vấn xác định hệ số giá đất và UBND quận, huyện giám sát đơn vị tư vấn. Đồng thời, việc xác định giá đất bồi thường phải sau khi có nghị quyết của HĐND thành phố, vì khi thành phố đồng ý chủ trương thì chưa chắc dự án đã thực hiện được ngay mà nhiều khi kéo dài đến mấy năm sau, khi đó giá đất đã biến động. Vì vậy, nếu lấy giá khi có chủ trương của UBND thành phố thì sẽ gây thiệt thòi cho người dân.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị sử dụng phương án thuê tư vấn xác định giá đất. Cụ thể, không nên đưa ra hai phương án mà cần xác định rõ một phương án, giúp người dân dễ theo dõi hơn là chỉ quy định chung chung. Mặt khác, cần nêu rõ quyền giám sát của người dân trong quá trình điều tra, khảo sát giá đất phổ biến trên thị trường; cho phép sự tham gia của Ủy ban MTTQ tại địa phương thay mặt nhân dân giám sát, tổng hợp ý kiến, kiến nghị, qua đó bảo đảm sự minh bạch, công khai.

Không hạn chế quyền lợi của người dân

Với nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất theo Quyết định 23, việc bồi thường được thực hiện bằng giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi. Nếu không có đất để bồi thường thì thực hiện bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm thu hồi. Tuy nhiên, theo Sở TN-MT, TP Hồ Chí Minh không có quỹ đất để thực hiện bồi thường bằng giao đất mới có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi nên đề nghị sửa thành: “Thực hiện bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất”.

Theo luật sư Trương Thị Hòa, việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi đã được quy định rõ trong Luật Đất đai năm 2013. Vì vậy, Sở TN-MT kiến nghị sửa Quyết định 23 theo hướng chỉ bồi thường bằng tiền là trái với Luật Đất đai năm 2013 và hạn chế quyền lợi của người dân. Còn theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, để bảo đảm việc bồi thường theo nguyên tắc giá thị trường và giảm bớt các thủ tục hành chính, với các dự án của doanh nghiệp đầu tư kinh doanh thì thêm điều khoản cho phép sự thỏa thuận giữa người dân có đất bị bồi thường và doanh nghiệp, tránh trường hợp doanh nghiệp thu hồi đất, đền bù cho dân thấp nhưng sau đó bán ra thị trường với mức giá cao gấp nhiều lần.

Mục tiêu để người dân sau bồi thường, giải phóng mặt bằng có nhà để ở cực kỳ quan trọng. Theo đại biểu Trần Văn Xem, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bình Chánh, Quyết định 23 quy định người bị thu hồi đất trong thời gian chờ bố trí tái định cư sẽ được hỗ trợ chỗ ở tạm cư hoặc tiền tạm cư nhưng đến nay, UBND thành phố vẫn chưa ban hành mức quy định. Vì vậy, kiến nghị trong Quyết định sửa đổi phải ban hành mục này.

Ghi nhận những ý kiến đóng góp, Phó Giám đốc Sở TN-MT TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hồng cho biết: Sở sẽ nghiêm túc tiếp thu, qua đó tham mưu sửa đổi, bổ sung trên quan điểm hỗ trợ người dân có đất bị thu hồi ổn định cuộc sống, tạo lập chỗ ở mới tốt hơn nơi cũ, góp phần bảo đảm hài hòa quyền lợi chính đáng của người bị thu hồi đất với lợi ích xã hội.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội mới