Thực hiện Đề án giao đất, giao rừng: Nguy cơ ”vỡ” kế hoạch!

Cập nhật 13/08/2015 08:46

(Baohatinh.vn) - Đề án giao đất gắn với giao rừng, cho thuê rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) lâm nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh (gọi tắt là Đề án GĐGR), giai đoạn 2013 – 2015 đang tiến tới hạn chót. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, nhiều nội dung công việc vẫn đang dang dở, tất cả các địa phương đều chậm tiến độ... Nguy cơ “lỗi hẹn” thời điểm về đích của một chính sách lớn đang hiện hữu.

Tiến độ “rùa bò”

Được xác định là một trong những huyện trọng điểm triển khai thực hiện đề án này nhưng đến nay, Vũ Quang vẫn là huyện có tiến độ GĐGR, cấp GCNQSD đất lâm nghiệp chậm nhất tỉnh. Theo phương án, Vũ Quang có 10 xã thực hiện với tổng diện tích 6.318 ha và đến nay, mọi đầu việc đều chưa đạt yêu cầu. Dù đã đến hạn chót nhưng khâu đầu tiên là đo vẽ địa chính, đánh giá đặc điểm khu rừng ở 6 xã vẫn chưa hoàn thành với tổng diện tích còn lại là 720 ha. Đến hết tháng 6/2015, UBND huyện chưa nhận và thẩm định được bất cứ bộ hồ sơ nào để cấp GCNQSD đất lâm nghiệp cho các hộ dân, cộng đồng có rừng.

Tại Hương Khê, đến thời điểm này, ở các xã vẫn còn 838 ha chưa đo vẽ địa chính và đánh giá đặc điểm khu rừng, số diện tích được huyện thẩm định kết quả đo vẽ chỉ mới đạt 3.327/8.657 ha cần thực hiện, Sở TN&MT cũng mới chỉ thẩm định 1.442 ha để huyện cấp GCNQSD đất lâm nghiệp cho 413 hộ, còn 1.976 hộ và cộng đồng chưa được cấp giấy.

Do quá trình thực hiện Đề án giao đất, giao rừng còn nhiều bất cập nên nhiều hộ dân ở Hương Khê đã lấn chiếm đất rừng trái phép, gây bức xúc dư luận, mất ổn định tình hình.

Theo phản ánh của chuyên viên phụ trách nội dung này của Phòng TN&MT huyện thì: Hiện nay, toàn bộ hồ sơ thẩm định xong đều đã được cấp giấy, muốn cấp tiếp thì phải chờ các đơn vị tư vấn hoàn thành các phần việc của họ, nhưng hiện các đơn vị này cũng đang gặp khó khăn. Mặt khác, những tranh chấp do lấn chiếm và giao khoán chưa được giải quyết triệt để, việc xử lý số diện tích cắt chuyển từ các chủ rừng nhà nước về chính quyền địa phương giao cho dân gặp nhiều vướng mắc cũng đang tác động không nhỏ tới tiến độ chung...

Do nhiều nguyên nhân khác nhau nên 10 huyện, thị còn lại cũng không đáp ứng được yêu cầu (trừ thành phố Hà Tĩnh đã hoàn thành với diện tích thực hiện chỉ 69 ha, giao cho 2 hộ). Ban đầu, toàn tỉnh có 147 xã xây dựng phương án GĐGR với tổng diện tích 54.607 ha nhưng trong quá trình thực hiện đã soát xét lại và rút xuống còn 140 xã với tổng diện tích 50.937 ha. Trong số diện tích giảm, có nhiều xã gặp vướng mắc do chồng lấn quy hoạch, chồng lấn đất rừng. Theo đăng ký, huyện giao khoán nhiều nhất là Kỳ Anh với gần 16.649 ha cho 7.315 hộ, tiếp đến là Hương Khê với 8.567 ha cho 7.729 hộ, Hương Sơn với 7.459 ha cho 6.937 hộ, Vũ Quang 6.318 ha cho 5.598 hộ, Thạch Hà 4.101 ha cho 4.032 hộ. Các huyện có diện tích thực hiện ít là Lộc Hà, Nghi Xuân, Đức Thọ, thành phố Hà Tĩnh...

Theo kế hoạch, hết quý II năm nay, toàn tỉnh phải cấp GCNQSD đất 25.960 ha đất lâm nghiệp, song, đến nay mới thẩm định được 11.674 ha cho 5.666 hộ, cộng đồng ở 35 xã thuộc 9 huyện, thị, thành phố. Trong số này chỉ có 6.834 ha của 3.263 hộ ở 31 xã được cấp bìa, đạt 26% kế hoạch và 13,4% diện tích thực tế giao. Dù đã đôn đốc, chỉ đạo nhiều lần nhưng vẫn còn Cẩm Xuyên, Can Lộc, Vũ Quang, Nghi Xuân, Đức Thọ chưa thực hiện cấp GCNQSD đất lâm nghiệp.

Những tranh chấp do lấn chiếm và giao khoán chưa được giải quyết triệt để tác động không nhỏ tới tiến độ giao đất, giao rừng

Khi nhận thấy chậm tiến độ, UBND tỉnh đã có Văn bản 418 ngày 27/1/2015 chỉ đạo thực hiện kế hoạch khung và yêu cầu phải hoàn tất việc đo vẽ trước ngày 30/4/2015, thế nhưng, đến hết tháng 6/2015, toàn tỉnh mới thực hiện đo vẽ được gần 47.000 ha cho gần 19.000 hộ, vẫn còn gần 4.000 ha nằm ở 32 xã của 8 huyện chưa thực hiện xong, trong đó, nhiều nhất là Kỳ Anh, Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang. Cũng với tinh thần chỉ đạo quyết liệt đó, UBND tỉnh đã giao UBND các huyện, thị kiểm tra thẩm định, trình Sở TN&MT phê duyệt kết quả đo vẽ cho 43.076 ha trước ngày 30/6 nhưng kết quả vẫn đạt thấp. Theo đó, tại thời điểm trên, các huyện, thị mới nộp lên 25.755 ha cho 10.514 hộ và sở chuyên môn này mới chỉ kiểm tra, phê duyệt được hơn 13.000 ha ở 9 huyện (đạt 30,3% kế hoạch).

Tư vấn yếu, kinh phí thiếu

Theo ông Hồ Minh Kiên - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thạch Hà thì “Trong thực hiện đề án GĐGR, các đơn vị tư vấn có vai trò gần như quyết định ở mọi vấn đề, mọi công đoạn”. Theo đánh giá, hầu hết các đơn vị tư vấn thực hiện nhiệm vụ này trên địa bàn tỉnh ta đều thiếu nhân lực, máy móc thiết bị đo đạc không đảm bảo, chất lượng hồ sơ xây dựng thấp nên phải chỉnh sửa nhiều lần, kết quả thực hiện đì đẹt.

Ông Đặng Ngọc Sơn – Giám đốc Sở NN&PTNT từng điểm mặt, chỉ tên nhiều đơn vị tư vấn thuộc diện này như: Đoàn Điều tra quy hoạch nông lâm nghiệp Hà Tĩnh làm ở huyện Cẩm Xuyên, Vũ Quang và Thạch Hà; Công ty Môi trường đô thị làm ở Kỳ Anh; Đoàn Điều tra quy hoạch nông lâm Nghệ An làm ở Nghi Xuân; Xí nghiệp Tài nguyên môi trường 1 và Xí nghiệp Tài nguyên môi trường 6 làm ở Hương Khê...

Lực lượng chức năng kiểm tra hiện trường các khu vực rừng bị lấn chiếm

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hương Khê - Nguyễn Cự Duẩn cho rằng: “Tư vấn làm việc kém hiệu quả, chất lượng không đảm bảo, công việc ách tắc nhưng vẫn phải để họ làm vì không có đơn vị khả thi hơn để thay thế. Nếu tìm được thì cũng chậm tiến độ so với mặt bằng chung, bởi họ không thể tiếp nối khối lượng công việc của đơn vị trước mà phải làm lại từ đầu và hiệu quả thì cũng chưa biết thế nào. Mặt khác, nhiều địa phương đã cho tư vấn tạm ứng tiền nên việc thay thế lại càng khó khăn hơn”.

Vấn đề kinh phí cũng là điều đáng nói. Toàn tỉnh cần 47.277 triệu đồng, trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 16.657 triệu đồng, ngân sách huyện 10.252 triệu đồng và của nhân dân 20.095 triệu đồng. Thế nhưng, đến hết quý II, các địa phương mới chỉ huy động được 17.304 triệu đồng, trong đó, tỉnh và huyện bố trí gần 11 tỷ đồng, còn lại là thu từ các hộ dân. Ngoài nguồn của tỉnh còn khá khiêm tốn thì nhiều huyện đang bố trí kinh phí trên giấy tờ hoặc với số lượng rất ít. Riêng nguồn thu từ các hộ dân, hiện nhiều địa phương chưa thực hiện, chờ cấp xong bìa mới thu, một số nơi khác cũng chỉ thu tạm ứng nên tỷ lệ huy động rất thấp.

Làm việc với các cơ quan chuyên môn và chính quyền ở một số địa phương, chúng tôi nhận thấy công tác giải ngân nguồn tiền này cũng đang có vấn đề và nếu không có sự hướng dẫn xử lý, thống nhất chung thì sẽ nảy sinh những khó khăn mới. Ông Vương Khả Ninh – Giám đốc Kho bạc Nhà nước Thạch Hà cho biết: “Hiện, Thạch Hà đã huy động được 1.433 triệu đồng từ các nguồn và đã cho các đơn vị tư vấn tạm ứng 350 triệu đồng theo lệnh chi tài chính. Số tiền còn lại chưa giải ngân vì hầu như các đơn vị tư vấn chưa làm hồ sơ thanh toán, một số đã có thì hồ sơ chưa đảm bảo, chưa đủ điều kiện giải ngân…”. Qua tìm hiểu được biết, đây cũng là tình trạng chung ở nhiều địa phương trong toàn tỉnh...

Mặt khác, theo Nghị định 63 của Chính phủ quy định chi tiết về một số điều của Luật Đấu thầu thì đối với những xã ký hợp đồng tư vấn trên 500 triệu đồng phải tổ chức đấu thầu, nhưng thực tế thì các xã không thực hiện. Điều này đã và đang gây ra những vướng mắc mới trong quá trình giải ngân nguồn vốn.

Lời kết...

Thực tế cho thấy, việc thực hiện đề án GĐGR giai đoạn 2013 - 2015 đang có nhiều vấn đề cần phải tập trung giải quyết, xử lý. Để một chính sách lớn của tỉnh được thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng, mục đích, ý nghĩa, các khó khăn, vướng mắc cần được tập trung tháo gỡ; các lực lượng tham gia cần phải thể hiện tinh thần trách nhiệm cao. Điều này thuộc phạm vi, thẩm quyền, nhiệm vụ của chính quyền các cấp, ngành NN&PTNT, ngành TN&MT, các đơn vị tư vấn tham gia ký hợp đồng thực hiện. Hy vọng rằng, vấn đề GĐGR sẽ được bàn bạc, giải quyết một cánh thấu đáo để đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân và cộng đồng có rừng.

DiaOcOnline - Theo Báo Hà Tĩnh