Thừa Thiên – Huế: Đất bỏ hoang, nông dân không ruộng

Cập nhật 26/03/2008 09:00

Hàng trăm nông dân xã Phú Diên, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế rơi vào tình cảnh lao đao, phải đi làm thuê. Trong khi đó gần trăm héc ta đất ruộng được giao cho Công ty cổ phần Sông Hương nuôi tôm… lại bỏ hoang nhiều năm.

Khi nhà nông không ruộng

Xã Phú Diên có 2.500 hộ dân, với 12.000 nhân khẩu, đời sống chủ yếu của người dân dựa vào nông nghiệp. Tổng diện tích đất nông nghiệp hiện chỉ còn 128,94ha, trong đó trồng lúa 79ha, còn lại là trồng hoa màu...

Thiếu đất sản xuất người dân phải đi làm thuê, thanh niên trai tráng phải dạt vào các tỉnh phía Nam kiếm sống bằng các nghề may mặc, thợ nề... Thế nhưng, gần hàng trăm héc ta đất nông nghiệp bị thu hồi để cho thuê nuôi tôm lại bỏ hoang nhiều năm, khiến người dân “chảy nước mắt”.

Anh Nguyễn Viết Thiện, một người dân ở thôn Kế Sung, cho hay: “Nhà tui có 7 người, đời sống chủ yếu dựa vào 0,7ha đất nông nghiệp, thế nhưng từ năm 2000, đất đã bị thu hồi hết sạch với giá rẻ mạt: 1 sào ruộng (500m2) được đền bù với giá 350.000đ. Không có đất sản xuất tui phải đi làm nghề “trâu kéo”, là dùng trâu đi kéo thuê kiếm sống, vợ tôi thì ngày ngày phải bắt trìa ở phá Tam Giang để mua gạo; 3 đứa con đầu vào TP. HCM làm nghề thợ may...”.

Còn hộ ông Huỳnh Văn Vu, thôn 5, xã Phú Diên cho hay, nhà ông bị thu hồi 7 sào ruộng, hơn 7 năm nay không có đất để sản xuất, nghề ngỗng không có đành phải đi làm thuê, ai kêu gì thì làm nấy. Vậy mà CPSH vẫn còn nợ 1,6 triệu đồng tiền công từ năm 2004 đến nay chưa trả.

CPSH đã nợ lương công nhân và nợ tiền công, tiền vật tư của 43 hộ dân trong địa phương từ năm 2004 đến nay là 84,130 triệu đồng vẫn chưa trả. Nguyện vọng của tui là nhà nước cấp đất sản xuất lại cho dân, ông Vu nói.

Chuyền qua đá lại

Sau gần 8 năm bị thu hồi đất giao cho Công ty cổ phần Sông Hương (CPSH) thuê để xây dựng khu nuôi tôm công nghiệp là cũng chừng ấy năm,  hàng trăm hộ dân ở xã Phú Diên (huyện Phú Vang) phải đi làm thuê làm mướn do thiếu đất sản xuất.

Ngày 14-7-2000, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế ra Quyết định số 1804/QĐ-UB phê duyệt dự án vùng nuôi tôm công nghiệp Phú Diên, nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, góp phần tăng hiệu quả sử dụng đất, tạo công ăn việc làm ổn định cho 300 lao động của xã Phú Diên...

Đến ngày 16-10-2000, UBND tỉnh lại có Quyết định số 2761/QĐ-UB đồng ý giao dự án này cho CPSH (tiền thân là Công ty Đông lạnh Sông Hương), theo đó 170,2ha đất nông nghiệp tại 3 thôn Kế Sung, Mỹ Khánh, Thanh Dương (xã Phú Diên) của gần 600 hộ dân bị thu hồi để CPSH thuê nuôi trồng thủy sản. Cũng từ đây dự án nuôi tôm này đã gây nhiều phiền toái cho người dân địa phương cũng như chính quyền các cấp của tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Theo ông Phạm Đăng Đoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Diên, từ năm 2001, CPSH đã tiến hành đào hồ, xây dựng hệ thống hạ tầng tại khu số 3 và khu số 6 với diện tích 65,03ha, tiến hành nuôi tôm công nghiệp và đưa khoảng 30 lao động ở xã Phú Diên vào làm công nhân.  Tuy nhiên, chỉ 3 năm sau, nuôi tôm thua lỗ nên đơn vị trên đã bỏ của chạy lấy người. Vì vậy khu nuôi tôm số 4 với diện tích 23ha, CPSH đã đào đắp hồ giữa chừng rồi dừng lại.

CPSH không nuôi tôm nhiều năm, trong lúc hàng trăm hộ dân ở địa phương rơi vào cảnh thất nghiệp do không có đất sản xuất nên UBND xã Phú Diên đã kiến nghị các cơ quan chức năng giao lại khu nuôi số 4 cho dân.

Riêng các khu nuôi  tôm số 3 và số 6 do công ty vẫn tiếp tục bị bỏ hoang nên đến ngày 24-10-2007, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp tục có Quyết định 2384/QĐ-UBND thu hồi 65,03ha đất nuôi tôm của CPSH và giao toàn bộ diện tích đất trên cho UBND xã Phú Diên quản lý, lập phương án giao đất cho nhân dân.

Song trớ trêu thay, trước đó, ngày 11-7-2007, CPSH đã bán toàn bộ công ty này cho Công ty cổ phần Thương mại Song Phú, trong đó có cả khu nuôi tôm số 3 và số 6 tại xã Phú Diên.

Theo Phó Chủ tịch xã Phú Diên- Phạm Đăng Đoàn, diện tích hơn 65ha đất hồ tôm (ở khu số 3 và khu số 6) đã bị nhiễm mặn nhiều năm nên không thể giao lại cho dân sản xuất nông nghiệp, trong lúc người dân địa phương lại không có đủ vốn để đầu tư nuôi tôm công nghiệp.

Như vậy, dự án nuôi  tôm công nghiệp ở xã Phú Diên, sau 8 năm thực hiện đã không mang lợi ích gì mà còn để lại nhiều phiền toái cho người dân và chính quyền địa phương.

Hiện tại khu nuôi tôm số 3 và số 6 đã được giao xã Phú Diên quản lý nhưng do đất đã nhiễm mặn không thể sản xuất nông nghiệp, vậy mà Công ty cổ phần Thương mại Song Phú lại cho rằng diện tích đất trên thuộc về họ. Không biết đến bao giờ nông dân nơi đây mới có đất sản xuất?!


Theo Sài Gòn Giải Phóng