Thủ tướng vừa yêu cầu 3 tỉnh có đặc khu cần nghiêm khắc chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, quản lý rừng và quản lý môi trường.
Như DĐDN đã thông tin tại số báo trước "Đặc khu kinh tế Vân Phong nổi sóng" phản ánh tình trạng lấn chiếm, chặt phá rừng tràn lan tại Khu kinh tế Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), trước tình hình vi phạm đất đai và thổi giá đất ở các đặc khu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các địa phương vào cuộc ngăn chặn, xử lý.
Thủ tướng chỉ đạo không để "cò đất", xã hội đen mua bán đất lộng hành trên địa bàn các địa phương có đặc khu kinh tế. (Nhiều dịch vụ mua bán đất đai mọc lên như nấm sau mưa ở Phú Quốc, Kiên Giang. Ảnh: THANH MAI) |
Thực tế thời gian qua, nhiều nhà đầu tư thiếu hiểu biết, đi gom đất tại các địa phương được quy hoạch thành đặc khu kinh tế và sử dụng các môi giới không chuyên đưa thông tin, quy hoạch không chính xác, chào bán và đẩy giá cao. Điều này đã gây ảnh hưởng tiêu cực cho thị trường bất động sản khu vực.
Nhấn mạnh 3 đặc khu này không chỉ của 3 tỉnh mà là của cả nước, Thủ tướng yêu cầu 3 tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang cần nghiêm khắc chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, quản lý rừng, quản lý môi trường. Phải bảo đảm trật tự xã hội, không để "cò đất", xã hội đen mua bán đất lộng hành trên địa bàn.
"Tất cả việc gì mà bộ, ngành cần hướng dẫn cụ thể để 3 tỉnh triển khai công tác chuẩn bị, chẳng hạn hướng dẫn của Bộ Nội vụ về bộ máy, về chuyên môn thì phải làm sớm, làm ngay", Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, Thủ tướng lưu ý phải dồn nỗ lực vào công tác quy hoạch để có một quy hoạch dài hơi, thực sự có chất lượng. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, kể cả nhân lực quản lý và các ngành nghề được xem là ưu tiên phát triển. Quan tâm vấn đề chọn nhà đầu tư chiến lược vào các đặc khu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội tại kỳ họp vào tháng 5 tới. Tinh thần là không cầu toàn, phải khẳng định quyết tâm cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ với tư duy thống nhất, mạnh dạn xây dựng một thể chế đột phá, tạo động lực phát triển cho 3 đơn vị, lan tỏa đến các vùng kinh tế và cả nước, góp phần phát triển kinh tế đất nước nhanh và bền vững.
Thủ tướng yêu cầu tổ chức bộ máy và công tác cán bộ phải có sự chuẩn bị kỹ càng để khi Luật có hiệu lực thì có thể vận hành ngay. Quy định về tổ chức bộ máy theo hướng chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, được phân cấp mạnh về thẩm quyền trong quản lý.
DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN