Lãnh đạo Chính phủ đặt ra nhiều vấn đề còn vướng tại dự thảo Luật Thuế tài sản, đề nghị Tổ tư vấn kinh tế góp ý.
Trao đổi với thành viên Tổ tư vấn chiều 20/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, câu hỏi lớn cần đặt ra là làm sao sử dụng nhà đất tốt hơn, cần điều chỉnh đúng đối tượng như đối với người giàu, người có 2 nhà trở lên… Ngoài ra, mức khởi điểm nào phù hợp với tình hình Việt Nam, thời điểm thực hiện Luật như thế nào cho phù hợp… cũng cần nghiên cứu kỹ.
Trước đó, theo dự thảo Luật Thuế tài sản Bộ Tài chính công bố lấy ý kiến, cơ quan đề xuất áp thuế với mọi ngôi nhà, gồm căn hộ chung cư, đất ở, đất xây nhà chung cư, đất kinh doanh... có giá trị từ 700 triệu đồng, thuế suất là 0,4% một năm (cho phần giá trị vượt 700 triệu đồng).
Thủ tướng chủ trì cuộc họp với các thành viên Tổ tư vấn kinh tế ngày 20/4. |
Ngay khi vừa công bố, đề xuất này của Bộ Tài chính nhận được không ít ý kiến trái chiều khi cho rằng ngưỡng chịu thuế trên 700 triệu đồng sẽ mang tạo sự không công bằng giữa người thu nhập thấp và người giàu.
Chia sẻ với VnExpress, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội bình luận, trước sau gì cũng có Luật thuế này nhưng dư luận nổi nóng là vì cách tiếp cận hời hợt, thiếu minh bạch của cơ quan quản lý. "Ngay mục tiêu tiếp cận xây dựng dự thảo Luật đã có vấn đề khi chưa làm rõ được các điểm mấu chốt quan trọng", ông Kiên nói.
Trong khi đó, trả lời báo chí về dự luật này, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận những đề xuất trên mới là bước đầu tiên để cơ quan này hoàn thành hồ sơ xây dựng dự án. "Luật nhằm điều tiết vào những nhóm đối tượng có thu nhập cao, chống đầu cơ nhà đất, đảm bảo những người có nhà, đất phải đưa vào khai thác và sử dụng. Làm được như vậy sẽ không ảnh hưởng đến nhu cầu sở hữu nhà của người nghèo, người thu nhập thấp, đảm bảo sự minh bạch trong quản lý tài sản...", ông Dũng lý giải.
Cũng tại cuộc họp với các thành viên Tổ tư vấn kinh tế, ông Vũ Viết Ngoạn -Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy tăng năng suất lao động nội ngành cần được coi là mệnh lệnh chính trị.
Tổ tư vấn dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2018-2020 trên 3 kịch bản chính. Kịch bản 1, tăng trưởng GDP trung bình đạt 6,71%/năm, kịch bản 2 là 6,83%/năm và kịch bản 3 là 7,47%/năm.
Với 3 kịch bản được tính toán dựa trên mô hình kinh tế lượng dạng cấu trúc, Tổ tư vấn đề xuất mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân trong 3 năm tới, từ 2018-2020, ở mức 6,85%.
Cho rằng chủ nghĩa bảo hộ cùng xu hướng phản đối thương mại tự do đang có dấu hiệu gia tăng trong thời gian gần đây mà tiêu điểm là nguy cơ chiến tranh thương mại và tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc, Tổ tư vấn kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng kịch bản ứng phó các nguy cơ trên.
"Chính sách kinh tế năm 2018 và các năm tiếp theo cần tiếp tục ưu tiên mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời kiến nghị chưa tăng thuế đối với doanh nghiệp", Tổ tư vấn kinh tế đề xuất.
Lắng nghe các ý kiến của thành viên Tổ tư vấn, Thủ tướng cho rằng, có nhiều ý kiến quan trọng đối với việc định hình một số khung chính sách mà Chính phủ sẽ xử lý thời gian tới. “Thủ tướng lắng nghe tất cả ý kiến này và tiếp thu xác đáng các vấn đề các đồng chí đặt ra. Chúng ta phải có biện pháp ứng phó, “chứ chỉ có khát vọng thì chưa đủ mà nếu chủ quan thì dễ vấp ngã", Người đứng đầu Chính phủ nói.
Ông giao Tổ trưởng Tổ tư vấn phối hợp với Văn phòng Chính phủ đề xuất một số đầu mục và nội hàm chính sách để Thủ tướng giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu, hình thành chủ trương biện pháp rõ hơn.
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress