Thủ tướng Chính phủ chỉ thị chấn chỉnh việc cấp Giấy CNQSD đất

Cập nhật 26/08/2011 11:30

Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để chấn chỉnh việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi chung là Giấy chứng nhận) và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.

Triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để chấn chỉnh việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất - Ảnh minh họa

Trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh việc cấp Giấy chứng nhận. Các địa phương đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh thực hiện đo đạc lập bản đồ địa chính, cấy Giấy chứng nhận và đạt được kết quả rất lớn.

Tuy nhiên, việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận một số loại đất còn chậm, nhất là đất chuyên dùng và đất ở địa phương; lượng Giấy chứng nhận đã ký chưa trao cho người được cấp ở một số địa phương còn tồn đọng nhiều; việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai còn chậm, chưa thống nhất, thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng chưa cao; việc cập nhật, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính chưa được thực hiện đầy đủ, thường xuyên theo quy định.

Một số nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do thủ tục cấp Giấy chứng nhận ở một số địa phương chậm được cải cách, còn phiền hà, phức tạp, vượt quá thời gian quy định; hệ thống Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất các cấp, nhất là ở cấp huyện còn hạn chế năng lực; tình trạng vi phạm pháp luật đất đai và xây dựng còn phổ biển;...

Giải quyết dứt điểm các trường hợp sử dụng đất vi phạm

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trên nhằm xây dựng hệ thống quản lý đất đai có nền nếp, ổn định, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm công bằng, minh bạch trong các quan hệ về sử dụng đất và sở hữu tài sản gắn liền với đất, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo đẩy mạnh việc cấp Giấy chứng nhận ở địa phương, nhất là đất ở và đất chuyên dùng; hàng năm các tỉnh, thành phố phải giao chỉ tiêu kế hoạch cấp Giấy chứng nhận cho từng huyện, xã làm cơ sở để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ.

Trước mắt, các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo rà soát, thống kê toàn bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận và hồ sơ đăng ký biến động đất đai đã tiếp nhận chưa giải quyết, số Giấy chứng nhận đã ký chưa trao, tập trung lực lượng, phấn đấu giải quyết xong các công việc này trước tháng 12/2011.

Đối với những trường hợp sử dụng đất có nguồn gốc vi phạm pháp luật đất đai còn tồn đọng, phức tạp, có tính phổ biến thì UBND các tỉnh, thành phố xem xét ban hành quy định cụ thể giải quyết dứt điểm tình trạng này trong 2 năm 2011 và 2012 để lập hồ sơ quản lý.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng phải tổ chức kiểm tra việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận đối với tất cả các tổ chức đang sử dụng đất, nhất là các dự án phát triển nhà ở tại các thành phố để xử phạt nghiêm khắc các trường hợp không thực hiện kê khai đăng ký đất đai theo quy định; xử lý các vướng mắc nhằm hoàn thành việc đăng ký, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và cấp Giấy chứng nhận cho các đối tượng này trong năm 2011 và năm 2012.

Tăng cường cải cách thủ tục cấp Giấy chứng nhận

Chỉ thị cũng nêu rõ từ nay đến hết năm 2011, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải thực hiện rà soát để sửa đổi hoặc bãi bỏ các quy định về Giấy chứng nhận của địa phương không còn phù hợp với pháp luật hiện hành; tăng cường cải cách thủ tục cấp Giấy chứng nhận nhằm rút ngắn thời gian thực hiện và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân thực hiện, giám sát; đồng thời, thông báo số điện thoại nóng để người dân phản ánh tình hình.

Ngoài ra, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng phải thành lập, kiện toàn Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất bảo đảm có đủ bộ máy, nhân lực, kinh phí và các điều kiện làm việc cần thiết để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật đất đai.

Đối với các địa bàn có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận và đăng ký biến động đất đai lớn mà Văn phòng đăng ký cấp huyện chưa đáp ứng được thì Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường mở các chi nhánh để hỗ trợ thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.

Đồng thời, bố trí đủ kinh phí từ ngân sách địa phương, bảo đảm dành tối thiểu 10% tổng số thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để đầu tư cho công tác đo đạc, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và đăng ký biến động, chỉnh lý hồ sơ địa chính thường xuyên.

Xây dựng mỗi tỉnh, thành phố 1 mô hình CSDL đất đai hoàn chỉnh

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng kiểm tra việc sử dụng đất, xây dựng công trình và cấp Giấy chứng nhận tại một số dự án phát triển nhà ở thương mại tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trước tháng 10/2011; thực hiện đánh giá và đề xuất các giải pháp khắc phục những bất cập, hạn chế hiện nay; đối với những dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì tổ chức thanh tra, xử lý kịp thời thời theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, để xây dựng mô hình quản lý đất đai hiện đại, đáp ứng yêu cầu thông tin đất đai của các ngành, các lĩnh vực và các giao dịch của người sử dụng đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải chủ trì triển khai thực hiện Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo mô hình tập trung, thống nhất từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện bằng ngân sách Trung ương, tập trung trong 2 năm (2011 - 2012) xây dựng xong cho mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương một mô hình cơ sở dữ liệu đất đai hoàn chỉnh trên phạm vi cấp huyện làm cơ sở triển khai trên diện rộng trong những năm tới.

DiaOcOnline.vn - Theo Website Chính Phủ