Thủ tướng cảnh báo “bong bóng” bất động sản

Cập nhật 03/06/2015 08:43

Sau nhiều năm thị trường bất động sản (BĐS) rơi vào trạng thái “đóng băng”, hàng tồn kho lớn, thì mới đây, nguy cơ về tình trạng “bong bóng” BĐS đã được nhắc đến khá nhiều. Đây là sự cảnh báo không thừa để tránh lặp lại thị trường BĐS những năm 2007 - 2010.

Ảnh minh họa

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã lưu ý rằng, hiện thị trường BĐS đã ấm lên, NH phải chịu trách nhiệm, phải theo dõi sát, kiểm soát tốt nguồn vốn đầu tư nhằm tránh tình trạng “bong bóng”, đổ vỡ, phát triển không lành mạnh của thị trường BĐS như đã từng xảy ra trước đây.

Tồn kho BĐS tiếp tục xu hướng giảm, theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, tính đến 20.5.2015 còn khoảng 67.443 tỉ đồng giảm trên 47,5% so với 2013. Dư nợ tín dụng trong lĩnh vực BĐS tính đến 31.3.2015 đạt 333.701 tỉ đồng, tăng 10,5% so với thời điểm 31.12.2014 và tăng 2% so với thời điểm 28.2.2015, tỉ lệ nợ xấu cuối tháng 3.2015 là 5,61%.

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), so với con số 327 triệu USD lĩnh vực BĐS thu hút được trong 4 tháng đầu năm 2015, thì tính riêng tháng 5.2015 (từ 20.4 đến 20.5), lĩnh vực kinh doanh BĐS đã thu hút được 134,5 triệu USD vốn FDI.

Đề cập đến nỗi lo về “bong bóng” BĐS lặp lại và có hay không chuyện ngân hàng (NH) sẽ tiếp tục dễ dãi cho vay, luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Cty Luật BASICO cho biết, bài học về tín dụng BĐS vẫn còn hiện hữu vì mới chỉ cách đây có vài năm. Nhiều ông chủ NH lao đao, không ít các ông chủ BĐS rơi vào lao lý, nợ xấu vẫn chưa giải quyết xong thì các NH chắc chắc sẽ không dại gì mà đổ tiền ồ ạt cho vay.

Nhìn lại thị trường BĐS tăng trưởng nóng những năm trước, mà hậu quả để lại cho nền kinh tế đến tận bây giờ vẫn chưa xử lý xong, thì rõ ràng nỗi lo về tình trạng ồ ạt cho vay BĐS chắc chắn không thừa. Các NH cần kiểm soát tốt dòng vốn cho vay, thị trường cũng cần sự quản lý chặt chẽ hơn, tránh tình trạng “thổi” giá, các số liệu từ phía cơ quan quản lý cần sát với thực tế tránh thổi phồng gây nhiễu con số, từ đó có thể dẫn đến tâm lý đầu tư theo đám đông.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao động