Theo ông Nguyễn Văn Đực, để hoàn tất một hồ sơ pháp lý cho dự án ít nhất cũng phải mất từ 2 - 3 năm, trong đó nhiều thủ tục được xem là “nhiêu khê”.
Ở mỗi kỳ họp, mỗi buổi làm việc với các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ luôn nhấn mạnh yêu cầu "kiến tạo, hành động"; phải cải cách triệt để thủ tục hành chính; dẹp bỏ giấy phép con gây phiền hà cho doanh nghiệp... tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển.
Một trong những lực vực khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hiện nay là bất động sản. Quy trình thủ tục xin cấp phép xây dựng cho dự án bất động sản từ lâu luôn ám ảnh các doanh nghiệp đầu tư phát triển dự án nhà ở.
Không ít lần, các doanh nghiệp thẳng thắn nói rằng, thủ tục quá nhiêu khê, doanh nghiệp bị “hành” ở mọi cấp.
Chính vì thủ tục hành chính rườm rà, gây khó nên không ít doanh nghiệp làm liều, bán hàng khi chưa có giấy phép xây dựng.
Thực tế này cũng đặt ra vấn đề nếu hành lang pháp lý thuận lợi, doanh nghiệp được tạo điều kiện thuận lợi và không bị mất chi phí không chính thức dẫn đến phải đi đêm chắc chắn sẽ không còn cảnh làm liều, làm chui như nhiều dự án hiện nay.
Thủ tục xin cấp phép xây dựng cho dự án bất động sản từ lâu luôn ám ảnh các doanh nghiệp - ảnh minh họa/ nguồn Báo Đầu tư. |
Đánh giá về quy trình thủ tục cấp phép xây dựng cho dự án bất động sản hiện nay, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ông Nguyễn Văn Đực - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thủ tục cấp giấy phép xây dựng chiếm rất nhiều thời gian của doanh nghiệp, thậm chí còn lớn hơn thời gian thi công một dự án.
“Vấn đề hiện nay là thủ tục nhiều, qua nhiều khâu tốn nhiều thời gian của doanh nghiệp nhưng hiệu quả mang lại chưa thấy.
Tôi ví dụ, 10 năm trước thủ tục cấp giấy phép xây dựng dễ hơn hiện nay. Chúng ta thử xem các dự án xây dựng cách đây 10 (dự án xây dựng từ năm 2005 -2006) có dự án nào xảy ra nhiều sự cố từ chất lượng đến khiến kiện, khiếu nại của khách hàng như hiện nay hay không.
Thủ tục hiện nay gây khó khăn cho doanh nghiệp, cho người dân nhưng lại không mang lại gì cho xã hội, cho khách hàng”, ông Đực đánh giá.
Theo ông Đực, thông thường một dự án chung cư phải mất từ 2-3 năm làm thủ tục xin cấp phép, như vậy cơ hội trên thị trường đã qua từ lâu. Doanh nghiệp sẽ bị gánh thêm chi phí, chi phí này đưa vào dự án cuối cùng khách hàng phải chịu thiệt hại.
“Thời gian làm thủ tục giấy tờ mất 2-3 năm chúng tôi thường nói đùa thời gian xây nhà trên giấy còn dài hơn thi công thực tế.
Nói đùa nhưng cũng thành thật bởi một dự án chung cư từ 15 - 20 tầng, với công nghệ thi công hiện nay chỉ khoảng hơn 2 năm xây dựng xong. Trong khi thời gian xin thủ tục cũng phải mất hơn 2 năm”, ông Đực chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Đực - Phó Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh - ảnh nguồn TTXVN |
Phân tích rõ hơn những thủ tục gây khó khăn cho doanh nghiệp khi xin cấp phép đầu tư, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong các thủ tục hành chính thì thủ tục xin cấp quy hoạch 1/500 tốn nhiều thời gian nhất, trung bình phải mất 1 năm.
Thời gian xin cấp quy hoạch 1/500 dài vì trước tiên doanh nghiệp phải xin ý kiến trên cơ quan quận/ huyện/ thị xã, sau đó cơ quan này gửi lên sở quy hoạch kiến trúc/sở xây dựng.
Sở quy hoạch kiến trúc phê duyệt xong lại gửi về ủy ban nhân dân quận để xem xét cấp quy hoạch, nếu không thuận lợi phải trình xin ý kiến ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố.
“Các bước nói thì đơn giản như vậy nhưng hồ sơ doanh nghiệp từ lúc nộp đến lúc được duyệt cũng phải mất cả năm trời”, ông Đực cho biết.
Theo ông Đực, ở dĩ thời gian xin cấp phép quá lâu vì còn một loạt thủ tục được xem là giấy phép con như: Xin cấp phép chiều cao dự án phải xin Bộ Quốc phòng; Điều kiện phòng cháy chữa cháy phải xin Sở cảnh sát phòng cháy chữa cháy; Lộ giới đường, kết cấu hạ tầng phải xin Bộ Giao thông vận tải/Sở giao thông vận tải; Đánh giá tác động môi trường phải xin Bộ Tài nguyên môi trường/Sở tài nguyên môi trường.
Với những quy định này nên doanh nghiệp thông thường muốn giảm thời gian phải tranh thủ thời gian, trong khi chờ xin quy hoạch 1/500 phải làm thủ tục xin phép chiều cao, đánh giá tác động môi trường…
Chưa hết, chờ đến khi xin xong tất cả các thủ tục trên doanh nghiệp còn phải xin xác nhận đầu tư, trong đó phải chứng minh năng lực tài chính, tiếp đó phải xin thẩm định thiết kế xây dựng, xin thẩm định thiết kế thi công…
“Với chừng ấy thủ tục đến lúc cầm giấy phép xây dựng trong tay nhiều khi doanh nghiệp muốn bỏ cuộc”, ông Đực nói.
Trong những thủ tục nói trên, ông Đực cho rằng cần phải áp dụng một cửa - một dấu với việc xin quy hoạch 1/500. Có nghĩa doanh nghiệp xin cấp quy hoạch thì ủy ban nhân dân quận/huyện/thị xã phải có trách nhiệm tổ chức mời các sở ngành về họp xét duyệt, nếu hồ sơ nào đồng ý quận ký và cấp luôn. Nếu không trả lại để doanh nghiệp bổ sung, như vậy giảm thời gian đi lại cho doanh nghiệp.
DiaOcOnline.vn - Theo Giáo dục VN