Thủ tục hành chính đất đai mới: Cắt giảm thủ tục, đề phòng… tố tụng

Cập nhật 04/09/2014 14:27

Cuối tháng 8, Bộ TN&MT công bố Bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai với nhiều quy định theo hướng lồng ghép các thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, tài chính, loại bỏ các thủ tục con. Đáng chú ý, Bộ luật Đất đai mới cắt bỏ yêu cầu UBND cấp xã xác nhận tình trạng tranh chấp khi tiến hành cấp sổ đỏ.

Nhiều địa phương đã thực hiện thành công mô hình thí điểm văn phòng đăng ký đất đai một cấp (giảm một nửa thời gian làm thủ tục). Tuy vậy, đất vẫn được cấp sổ mà không cần xác minh tranh chấp, là nội dung “đáng bàn” nhất.

Mở “hết cỡ”

Nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT đã “ra mắt” khung thủ tục hành chính mới và chuẩn bị công bố Luật Đất đai 2013 ngay trong tháng 9 này. Nhiều con số thống kê phát đi từ Bộ cho thấy hiệu quả ban đầu sau rất nhiều nỗ lực của cơ quan điều hành, hoạch định chính sách.

Theo đại diện lãnh đạo Bộ TN&MT, Bộ Thủ tục lần này đã giảm từ 71 thủ tục xuống còn 41 thủ tục (đối với nơi đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai một cấp), và 62 (cho nơi chưa thành lập VP đăng ký đất đai một cấp).

Đơn giản hóa hồ sơ, yêu cầu ít hơn số bộ hồ sơ, nhiều giấy tờ không cần thiết được bãi bỏ trên nguyên tắc cơ quan quản lý Nhà nước phải lưu trữ và quản lý liên thông (giữa các đơn vị hữu trách) mà không yêu cầu tổ chức/cá nhân phải cung cấp…

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ TN&MT) còn dẫn chứng điển hình tiêu biểu về thành công đến từ mô hình Văn phòng đăng ký một cấp: tại Đà Nẵng, thủ tục cấp sổ đỏ lần đầu giảm từ 33 xuống 15 (ngày), cấp đổi sổ đỏ giảm từ 20 xuống còn 7 (ngày).
Từ Hà Nội, Sở TN&MT cũng tỏ ra rốt ráo với “vấn nạn” nợ đọng sổ đỏ tại Thủ đô. Trước bài toán khoảng 2,5 vạn hộ chưa được cấp sổ (theo kế hoạch đề ra trong năm 2014), Sở đề xuất rút ngắn thủ tục, thời gian giải quyết hồ sơ để cấp sổ cho người dân mua nhà tại các dự án, KĐTM sẽ giảm từ 60 ngày xuống còn… 7 ngày.

Bên cạnh quy trình liên thông điện tử giữa Văn phòng Đăng ký đất - Cục Thuế - người dân đang làm “nức lòng” dư luận, Sở còn hé mở sẽ tiến hành cấp sổ cho cả những trường hợp mua nhà tại dự án nhà ở xây vượt tầng, sai phép hoặc nợ đọng nghĩa vụ tài chính…

Thoáng khi cấp sổ, khó khi giải quyết khiếu kiện!

Ở một diễn biến khác, Sở TN&MT cũng đồng thời “chỉ mặt” 74 chủ đầu tư còn nợ sổ đỏ khách hàng, với không ít “Thương hiệu mạnh”, như Vinaconex, Cienco5, HUD, Handico.

Như vậy, sau hàng chục năm chờ đợi mệt mỏi, nay hàng vạn dân Thủ đô đã sắp được cấp sổ một cách… nhanh chóng. Còn về phần chủ đầu tư các KĐT, dự án, yêu cầu chỉ là làm việc với cơ quan chức năng để xử lý khó khăn vướng mắc (?!)

Trung tuần tháng 8, Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (thảo luận tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII) cũng đón nhận tinh thần “nới lỏng” yêu cầu vốn pháp định đối với kinh doanh địa ốc. Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu theo hướng: để phù hợp với thực tiễn kinh doanh BĐS, vốn pháp định đòi hỏi DN phải có chỉ là 20 tỷ đồng (so với 50 tỷ trước đó).

Có “đỡ” khiếu kiện

Nhiều thống kê chính thức chỉ ra, số lượng và chất lượng (mức độ trầm trọng về giá trị, quy mô ảnh hưởng) các vụ tranh chấp kéo dài, khiếu kiện vượt cấp về đất đai luôn chiếm tỷ trọng lớn trong lĩnh vực tư pháp.

Theo một báo cáo của Bộ TN&MT, hàng năm, Bộ nhận được gần 10.000 lượt đơn tranh chấp, khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực TN&MT của công dân 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó đơn thuộc lĩnh vực đất đai chiếm 98,6% tổng số đơn. Thậm chí, có những tỉnh, thành phố riêng về đất đai chiếm số lượng rất lớn các vụ tố cáo, khiếu nại như: Tp.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Thái Bình…

Nội dung cơ bản của các đơn thư vẫn xoay quanh vấn đề đền bù, GPMB tái định cư, đòi lại đất cũ hay đặc biệt là tranh chấp quyền sử dụng đất. Ở đô thị lớn như Hà Nội, tranh chấp rõ nhất là giữa cá nhân, hộ gia đình về diện tích, ranh giới, chuyển nhượng quyền…
Trong nội đô, hay những ngoại thị như Ba Vì, Hoài Đức, Mê Linh, chính quyền cấp xã và huyện tại đây chẳng bao giờ hết “khó” về đủ trường hợp kiện nhau (thậm chí xô xát trong dòng tộc) chỉ vì 1 bờ rào, hay 1m2 mặt nước tranh chấp… Nguyên nhân: lịch sử hình thành, sử dụng và quản lý đất đai trải qua nhiều thời gian biến động liên quan tới chính sách.

Và nay, theo nội dung chỉ đạo mới, đất sẽ được cấp sổ đỏ mà không cần xác minh tranh chấp (qua UBND cấp xã), rõ ràng sẽ là tin mừng cho cơ quan quản lý địa bàn gần dân nhất. Bởi lẽ, xác minh có tranh chấp đất đai trong địa hạt quản lý, thường dựa trên hồ sơ quản lý: lịch sử đất, thừa tự, nghĩa vụ thuế…

Phức tạp hơn, những địa bàn có tranh chấp về ranh giới địa chính (ở cấp tỉnh thành như Hà Nội và Hà Tây cũ nhiều năm trước, ở cấp xã phường như Quận Hoàng Mai có những hộ dân đóng thuế đất cho cả phường Giáp Bát lẫn phường Thịnh Liệt năm 2012).

Tới đây, có hay không “phong trào” lấn chiếm đất hàng xóm, xây dựng tràn lan tại đô thị, “gặm” đất quy hoạch (chưa thực hiện nhiều năm) để dựng nhà tạm và đàng hoàng hợp pháp hóa bằng đơn xin cấp sổ đỏ lần đầu cho đất?! Đồng thời, số vụ tố tụng và án “khó giải quyết” sẽ gia tăng, và trách nhiệm sẽ “dành phần” ai?

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Kinh Doanh