Nếu xây dựng cả một luật thuế chỉ để thu các biệt thự bỏ hoang là không hợp lý, chưa chắc đã hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành nói về đề xuất phải có Luật thuế tài sản để hạn chế biệt thự bỏ hoang.
* Thưa ông, đại diện lãnh đạo Tổng hội Xây dựng VN vừa đề xuất có Luật thuế tài sản (tức là thu thuế vào quyền sở hữu tài sản tư nhân) nhằm hạn chế tình trạng xây biệt thự rồi bỏ hoang, tạo sự công bằng trong việc đóng góp cho ngân sách nhà nước giữa người giàu và người nghèo, đồng thời, tạo nguồn thu để phát triển đất nước. Ông bình luận như thế nào về đề xuất trên? Cá nhân ông có đồng tình với đề xuất nói trên hay không và vì sao?
Ông Nguyễn Văn Đực: Thuế tài sản cũng có thể hiểu là thuế đất và bao gồm cả tài sản trên đất. Nếu đề xuất có Luật thuế này là điều vô lý. Tôi nói vô lý vì sao? Vì trước đây, có đất, người dân xây nhà không phải đóng một loại thuế nào, tuy nhiên, bây giờ, khi đăng ký quyền sở hữu đất hộ dân nào cũng phải đóng một loại thuế, gọi là thuế sử dụng đất rồi. Loại thuế này được thu trọn gói trong một lần tính theo diện tích đất ở, có thể là vài triệu tới vài chục triệu đồng mỗi m2. Nếu có thêm thuế tài sản nghĩa là người dân sẽ phải đóng thêm một lần thuế nữa theo từng năm, tức là thu hai lần. Như vậy là vô lý.
Ảnh minh họa
|
Giải thích cho đề xuất trên, Tổng hội xây dựng có cho rằng, thu thuế này sẽ hạn chế được tình trạng biệt thự bỏ hoang, tạo sự công bằng trong việc đóng góp cho ngân sách nhà nước giữa người giàu và người nghèo, đồng thời, tạo nguồn thu để phát triển đất nước là không thiết thực. Vì những lý do sau:
Nếu chỉ vì thiếu nguồn thu mà phải ra cả một luật thuế mới để thu thuế hàng năm là không phù hợp. Tôi tin rằng việc đưa ra sắc thuế này là vô lý và sẽ khó nhận được sự đồng tình từ dư luận , khi lạm dụng thu thuế để sinh ra loại sắc thuế mới.
Vấn đề phân biệt được thế nào là nhà ở và nhà bỏ hoang cũng không hề đơn giản.
Cũng không thể vì mục đích hạn chế nhà bỏ hoang mà đưa ra một loại thuế mới. Như vậy, sẽ sinh tâm lý cứ vì chống cái gì lại có thể sinh ra loại thuế đó để thu. Như vậy có được không?
Cuối cùng, tôi cho rằng không thể áp dụng hình thức thu thuế trên để phục vụ mục đích kiểm soát kê khai tài sản của cán bộ, càng không thể chống được tham nhũng. Kê khai, chống tham nhũng phải áp dụng nhiều cách khác nhau, không phải thu thuế này mà có thể chống được tham nhũng.
*
Theo vị chuyên gia, các nước trên thế giới, thậm chí, cả Trung Quốc đều áp dụng loại thuế này dựa trên nguyên tắc đóng góp chi phí cho nhà nước để bảo vệ quyền sở hữu tài sản cá nhân. "Thông lệ thế giới'' nói trên có là cơ sở để Việt Nam cân nhắc xây dựng Luật thuế này hay không và trong trường hợp đó, Việt Nam sẽ có những thuận lợi và vấp phải những khó khăn như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Đực: Tôi đồng tình, thu thuế tài sản đã có nhiều nước trên thế giới làm rồi. Tôi lấy ví dụ như Mỹ, cũng đang thu thuế tài sản hàng năm với một khoản tiền cố định.
Ở Việt Nam, trước khi trả lời câu hỏi có cần xây dựng Luật thuế tài sản hay không cần xác định mấy vấn đề như sau:
Đầu tiên phải xem xét, ngay từ khi đăng ký quyền sở hữu đất cho tới lúc xây nhà người dân và doanh nghiệp đã phải đóng góp những loại thuế phí nào rồi? Nếu người dân và doanh nghiệp đã đóng thuế sử dụng đất mà vẫn thu thêm nghĩa là nhà nước đã thu hai lần tiền thuế đất của dân.
Lấy lý do, áp dụng loại thuế này dựa trên nguyên tắc đóng góp chi phí cho nhà nước để bảo vệ quyền sở hữu tài sản cá nhân là sai. Tài sản cá nhân, mỗi cá nhân phải tự bảo vệ. Người dân có thể tự bảo vệ nhà, cũng có thể nhờ anh em, họ hàng giữ nhà giúp. Không thể nói, sau khi thu thuế nhà nước sẽ cử người tới giữ nhà giúp dân. Điều này là vô lý.
Tôi cho rằng, trong bối cảnh ngân sách đang cạn kiệt nguồn chi, việc phát sinh thêm hình thức thuế phí, hay còn gọi là tận thu, lạm thu cần phải cân nhắc.
Tiếp đến phải xem xét, nếu sinh ra luật mới thì luật đó có mâu thuẫn với các luật hiện hành hay không, cụ thể là Luật đất đai, Luật nhà ở…
Cần phải hiểu thêm rằng, xây dựng luật mới nếu không phù hợp với thực tế, vừa gây lãng phí lớn cho ngân sách vừa gây bất bình trong dư luận.
Vấn đề tiếp theo là, đưa ra quy định như vậy thì đối tượng, loại hình công trình, dự án nào sẽ bị thu thuế. Đây thực chất là hình thức lấy của người giàu bù cho người nghèo. Tuy nhiên, một luật thuế ra đời phải đảm bảo tính bình đẳng, công bằng toàn dân, tức là phải áp dụng cho tất cả các loại công trình từ nhà ở cho tới dự án mới xây. Không thể viện lý do nhà bỏ hoang, xây nhà không ở mà thu thuế.
Nếu xây dựng cả một luật thuế chỉ để thu các biệt thự bỏ hoang là không hợp lý, chưa chắc đã hiệu quả.
*
Cũng có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang gặp khó khăn về việc kê khai tài sản công, viên chức, việc đánh thuế quyền sở hữu tài sản cá nhân sẽ giải quyết vướng mắc này. Điều này có đúng và có nên làm không, thưa ông? Đây liệu có được coi là biện pháp để tuyên chiến với nạn tham nhũng đang nhức nhối hiện nay hay không?
Ông Nguyễn Văn Đực: Tôi cho rằng, vấn đề kê khai tài sản, chống tham nhũng là vấn đề khác, chống biệt thự bỏ hoang là vấn đề khác, không thể lạm dụng luật thuế để thực hiện nhiệm vụ này. Như vậy, sẽ nảy sinh tâm lý, muốn làm gì thì cứ dùng luật thuế.
Thuế là tăng thu nhập cho nhà nước, cũng có thể góp phần chống chiếm đất, xây nhà bỏ hoang nhưng thuế không thể kiêm nhiệm thêm cả nhiệm vụ chống tham nhũng.
Hơn nữa, tham nhũng cũng có “thiên hình vạn trạng”, người ta chuyển tiền vào cổ phiếu, đô la, sang tên đất đai cho người thân, thậm chí chuyển tiền đi nước ngoài… Tôi thấy, người tham nhũng mua biệt thự rồi bỏ hoang không nhiều.
Chưa nói tới việc, ngay cả khi muốn chống tham nhũng thì công cụ phát hiện, phòng chống cũng không có. Vừa qua báo chí đã đưa tin rất nhiều về kết quả kê khai, công khai, xác minh tài sản thu nhập năm 2014 cho biết tổng số người kê khai tài sản là khoảng gần 1,02 triệu người, trong đó có 1.225 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập. Trong số những trường hợp phải xác minh, chỉ phát hiện năm người kê khai không trung thực. Nghĩa là ở đây công cụ để phát hiện cán bộ có kê khai gian dối hay không cũng không có hoặc có cũng chỉ là hình thức , làm cho có. Nhưng ngay cả khi không kê khai thì cũng không xử lý được ai, không ai bị xử lý.
Thậm chí ngay cả việc xác định ai là người có đủ năng lực để kiểm tra, kiểm soát tài sản kê khai cũng không thực tế, không hy vọng do năng lực cán bộ quá yếu kém. Cơ quan nào có đủ phương tiện, công cụ để đánh giá, thẩm định giá trị tài sản kê khai cũng còn mơ hồ, không rõ ràng. Chưa nói tới việc kê khai còn nhiều hình thức, kê khai rồi để đấy, kê khai để báo cáo. Như vậy, tài sản không kê khai không phát hiện được tham nhũng đã đành, đến cả tài sản đã kê khai cũng không đánh giá được đúng sai, không kiểm soát được giá trị thật, ảo thì làm sao chống được tham nhũng?.
Quay trở lại mục đích chống tham nhũng, tôi nói thẳng, biệt thự bỏ hoang không nhiều, chỉ khoảng vài trăm căn biệt thự bỏ hoang chưa đủ để nói lên điều gì. Đó là con số rất nhỏ, giá trị không nhiều, không nên đi tìm tham nhũng ở đây. Nếu thật sự muốn chống tham nhũng, các cơ quản lý phải tìm ở những lô đất trị giá hàng trăm tỉ, thậm chí 2-3 căn biệt thự liền nhau vẫn “đang sống” kia.
Tôi lấy ví dụ ở ngay khu đô thị cao cấp Phú Mỹ Hưng hoặc nhiều khu đô thị cao cấp như Ba Son, Tân Cảng, chỉ tính riêng giá trị một căn hộ đã lên tới cả trăm tỉ. Tham nhũng có thể nằm ở đó nhưng chúng ta có kiểm soát được không?
Vì vậy, tôi mới nói ra cả một sắc thuế luật để bắt tham nhũng ở những căn biệt thự bỏ hoang là không đáng.
*
Cùng với đó, ông có cho rằng, cần phải đánh thuế thật cao với những biệt thự bỏ hoang hoặc các dự án chung cư xây rồi để đó, các dự án ngàn tỷ treo nhằm tạo ràng buộc với các nhà đầu tư, bất kể trong hay ngoài nước hạn chế tình trạng đầu cơ, lãng phí lớn cho ngân sách? Xin ông phân tích cụ thể?
Ông Nguyễn Văn Đực: Nếu nói về quyền bình đẳng trong sở hữu tài sản, người dân được quyền mua đất để ở, được quyền mua đất để bỏ hoang, được mua đất để xây rồi để đó 10 năm mới ở. Vì thế, muốn thu thuế cao hay thấp, thu với loại hình nào cũng cần phải căn cứ vào luật để thực hiện, không thể chia theo từng loại hình, từng hiện tượng để đưa ra từng sắc thuế khác nhau, áp dụng với từng đối tượng khác nhau.
Hiện tại ở Việt Nam không có luật nào cấm người dân được xây nhà để ở hay được bỏ hoang. Hoàn toàn không có. Do vậy, dù là ngôi nhà bỏ hoang, hay ngôi nhà được xây để ở đều phải được hưởng cơ chế luật pháp như nhau. Nếu vì mục đích chống lãng phí, tham nhũng hay chống biệt thự bỏ hoang phải tìm giải pháp khác, không thể biến luật thuế thành một công cụ bừa bãi trong thi hành công vụ.
Đánh thuế biệt thự bỏ hoang: Chỉ đại gia phải chịu!
*
Vậy theo ông, xử lý những biệt thự bỏ hoang có khó không?
Ông Nguyễn Văn Đực: Tôi cho là rất khó, nhà nước cũng không nên tập trung vào vấn đề này. Đầu tiên là động chạm tới quyền tự do sử dụng tài sản của người dân.
Thứ hai, ngay từ đầu, nhà nước cũng như các luật hiện hành đều không có một quy định hay một cảnh báo nào về vấn đề phân bổ, đầu tư nhà cao cấp, hay sử dụng đất xây nhà có được bỏ hoang hay không. Ở đây có lỗi của cả chính quyền địa phương, không có quy hoạch, không có khuyến cáo nào khiến người đầu tư đang bị thiệt. Việc xảy ra, chính người dân đang là người phải gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Xây dựng luật thuế này giống như một sự trừng phạt kiểu như “anh đầu tư sai thì anh phải chịu” vậy. Rõ ràng hiện nay, thị trường đã trừng phạt họ rồi, bây giờ nhà nước lại tìm cách trừng phạt thêm thì vô lý.
Hơn nữa, có muốn trừng phạt cũng khó bởi đến lúc đó người dân sẽ có thêm nhiều hình thức đối phó lại như cho người vào trông nom, cho ở nhờ, cho thuê…. Vì thế, mục đích thu thuế cũng sẽ không đạt được, mục đích chống biệt thự bỏ hoang cũng không thành lại gây bất bình, tốn kém. Rõ ràng là lợi bất cập hại.
*
Xin cảm ơn ông!
DiaOcOnline.vn - Theo Đất việt