Thu hút vốn từ UAE

Cập nhật 05/09/2007 16:00

Trong các báo cáo đầu tư trực tiếp nước ngoài của VN chưa có dòng chữ nào đề cập Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Nhưng theo nhận xét của 1 chuyên gia, chỉ cần những dự án đang xúc tiến được cấp phép, nước này sẽ lọt vào danh sách 10 nhà đầu tư lớn nhất VN.

“Nhìn đâu cũng thấy cơ hội làm ăn”

Dự định đưa vợ con đến VN du lịch trong ba ngày, nhưng sau khi đến, ông Sabah al-Shammery - chủ tịch Tập đoàn Sapco (trụ sở tại Dubai, UAE) - đã quyết định ở lại thêm 12 ngày nữa vì “nhìn đâu cũng thấy cơ hội làm ăn”.

Khi được hỏi về cơ hội làm ăn ở VN, ông Sabah hồ hởi: “Dầu khí, chế biến thực phẩm, nông sản, hóa chất, bất động sản... đều rất hấp dẫn. Tôi đã hình thành ngay một kế hoạch cho Sapco ở VN. 20 triệu đến 1 tỉ USD là kế hoạch trước mắt của tôi”.

Cử một đoàn chuyên gia sang VN khảo sát thị trường và nhanh chóng lập văn phòng đại diện tại Hà Nội là kế hoạch của Sapco trong ba tháng cuối năm nay.

Thời gian qua, nhiều doanh nhân UAE đã lặng lẽ đến VN tìm hiểu cơ hội đầu tư. Theo ban quản lý đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM), trong số vài chục nhà đầu tư nước ngoài được UBND TP.HCM đồng ý về nguyên tắc để nghiên cứu dự án ở đây, có mười nhà đầu tư đến từ UAE.

Lĩnh vực mà các “ông chủ dầu mỏ” muốn đầu tư khá rộng: từ cao ốc văn phòng, chung cư cao cấp, trung tâm hội nghị triển lãm đến dịch vụ tài chính, ngân hàng... “Họ còn đặt cả vấn đề xây tháp quan sát tương tự tháp Đông Phương Minh Châu ở Thượng Hải. Vốn đầu tư cho các dự án lớn này là hàng tỉ USD” - một quan chức TP.HCM cho biết.

UAE: cánh cửa cho hàng VN vào châu Âu và châu Phi

DP World, một trong ba tập đoàn cảng biển lớn nhất thế giới của UAE, đã có mặt ở VN thông qua việc mua lại Công ty P&O Ports (3,9 tỉ USD) - đơn vị góp vốn thành lập Công ty liên doanh cảng container trung tâm Sài Gòn (SPCT) tại Khu công nghiệp Hiệp Phước. Dự án có tổng vốn đầu tư 250 triệu USD với 80% góp từ đối tác nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Lộc - phó tổng giám đốc SPCT - cho biết ngoài dự án này, DP World còn muốn xây dựng một khu đô thị ngay gần khu cảng biển Hiệp Phước cũng như tham gia với các cảng biển khác ở miền Trung và miền Bắc.

Đầu tháng chín vừa qua, Phòng Thương mại và công nghiệp Dubai (UAE) đã công bố báo cáo với tựa đề “Cơ hội kinh doanh tiềm năng tại VN - triển vọng từ UAE”. Theo báo cáo này, với lợi thế về vị trí, UAE sẽ trở thành cánh cửa cho hàng hóa VN chảy vào thị trường châu Âu và châu Phi.

Với lợi thế về lực lượng lao động, VN sẽ là cái nôi cho những nhà máy sản xuất tương lai xuất khẩu vào hai lục địa trên. Điều này cũng được chủ tịch Tập đoàn Sapco dự báo. Ông cho rằng nếu khéo léo khai thác, VN hoàn toàn có thể thu hút hơn 50% lượng vốn đầu tư ra nước ngoài của khu vực Trung Đông.

Trước những tín hiệu khá khả quan về dòng vốn đầu tư từ khu vực Trung Đông, Bộ Kế hoạch - đầu tư đã bắt tay chuẩn bị đón dòng vốn đầu tư từ khu vực này từ hai năm nay. Sau chuyến đi bốn ngày đến UAE kêu gọi đầu tư gần đây, ông Phan Hữu Thắng - cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư - kết luận: “Tiềm năng cực kỳ lớn!”.

Theo ông Thắng, khu vực Trung Đông nói chung và UAE nói riêng đã được xem là địa bàn đặc biệt quan tâm của VN để có kế hoạch thu hút đầu tư. Ông Thắng cho biết Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Cục Đầu tư nước ngoài thành lập văn phòng xúc tiến đầu tư tại Trung Đông. Trong tháng mười một hội thảo xúc tiến đầu tư sẽ được tổ chức riêng cho khu vực này.

* Bà Shaikha Lubna Al Qasimi - bộ trưởng kinh tế UAE:



Chúng tôi quan tâm tài chính, bất động sản và du lịch

Hiện tại VN và UAE chưa có hiệp định tránh đánh thuế hai lần cũng như hiệp định đầu tư song phương. Tôi cho rằng sau khi ký kết được hai văn kiện quan trọng này, doanh nghiệp hai bên sẽ tăng cường đầu tư lẫn nhau nhiều hơn, vì khi đó họ sẽ tin tưởng và cảm thấy được bảo vệ hơn.

Thế mạnh của chúng tôi là tài chính, bất động sản và du lịch, cụ thể là khách sạn, trung tâm mua sắm, các trung tâm thể thao - giải trí... Vì thế, chắc chắn đây sẽ là ba lĩnh vực quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp UAE tại VN.

Tuy nhiên, không loại trừ họ sẽ quan tâm đến những lĩnh vực mà VN có lợi thế bổ sung. Các dự án năng lượng là cơ hội đầu tư vô cùng lớn, nhưng tôi cũng thấy các cơ hội đầu tư trong chế biến thực phẩm, chuyển giao công nghệ, sản xuất thiết bị y tế và dược phẩm, công nghiệp mỏ... Tôi tin UAE sẽ là cửa ngõ quan trọng để VN mở rộng thị trường xuất khẩu của mình.


* Ông Obaid Humaid Al Tayer - chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Dubai

Sẵn sàng đưa ra các lời khuyên cho nhà đầu tư VN

Chúng tôi sẵn sàng đưa ra các lời khuyên cho doanh nghiệp VN để làm sao kinh doanh hiệu quả với các tiểu vương quốc Ả Rập, làm sao để thành lập các cơ sở sản xuất ở đó và xuất khẩu sang các quốc gia vùng Vịnh khác.

Ngoài ra, chúng tôi muốn tham gia quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước ở VN, đầu tư trong lĩnh vực năng lượng và điện cũng như hợp tác phát triển nguồn nhân lực. VN có lực lượng lao động trẻ, dồi dào và năng động, nhưng lao động VN cần cải thiện kỹ năng ngôn ngữ để có thể tiếp tục phát triển theo hướng xuất khẩu lao động và nâng cao tính cạnh tranh của lao động VN.

Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) là liên bang gồm bảy tiểu vương quốc ở khu vực Trung Đông là Abu Dhabi, Ajman, Dubai, Fujairah, Ras al-Khaimah, Sharjah và Umm al-Quwain. Nằm ở phía đông nam vịnh Ả Rập, tây nam của vịnh Persic, giáp biên giới Oman và Saudi Arabia, UAE có nền kinh tế công nghiệp hóa ở mức độ cao. GDP năm 2006 của UAE là 168 tỉ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 37.000 USD. UAE hiện đứng thứ hai trong thế giới Ả Rập và thứ 38 trên thế giới về GDP.


Theo Hương Giang - Tuổi Trẻ