Thu hút vốn đầu tư nước ngoài: trọng tâm vẫn là giải ngân vốn

Cập nhật 05/11/2008 14:00

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gặp khó không còn là điều dự đoán mà đã là hiện thực. Mặc dù vốn FDI mười tháng đầu năm 2008 đạt gần 60 tỉ USD nhưng đã có dấu hiệu đi xuống vào những tháng cuối năm.

Có chuyên gia nhận xét FDI đã lên đến đỉnh và bắt đầu đổ dốc. Đặc biệt, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính thế giới, dự báo sẽ tác động trực tiếp đến việc thu hút vốn FDI vào VN trong năm sau.

Đang giảm dần

Ngoại trừ số vốn đăng ký khổng lồ, có nhiều chỉ số cho thấy tình hình thu hút đầu tư nước ngoài không phải là một bức tranh đẹp như nhiều người nghĩ. Nhìn vào bảng thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - đầu tư) từ giữa năm đến nay có thể thấy ngay số lượng dự án và cả số vốn đăng ký giảm dần theo từng tháng.

Tháng 10-2008, cả nước có 68 dự án đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư, lần đầu tiên trong nhiều tháng qua, số lượng dự án đầu tư nước ngoài dừng lại ở hai con số. So với số lượng dự án của tháng mười năm trước, con số của năm nay cũng thấp hơn 30 dự án.

Đặc biệt, từ tháng 6-2008 đến nay, tốc độ giải ngân mỗi tháng chỉ một con số rất tròn trĩnh: 1 tỉ USD.

Giai đoạn từ tháng sáu đến tháng chín, bình quân mỗi tháng có khoảng 200 dự án cũ tăng vốn mở rộng sản xuất, nhưng đến tháng mười chỉ còn 22 dự án! Vốn tăng thêm của tháng mười cũng chỉ đạt 169 triệu USD, trong khi bốn tháng trước đó dao động từ gần 700 triệu - 900 triệu USD.

“Vốn tăng thêm từ những dự án cũ là chỉ số rất quan trọng. Nó nói lên sự hiệu quả của dự án đầu tư, sự hào hứng của doanh nghiệp và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư!” - phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư một tỉnh nhận xét.

Điều khiến nhiều chuyên gia tỏ ra lo lắng hơn là hào hứng với con số vốn đăng ký khổng lồ là có quá nhiều dự án đăng ký vốn lớn, khó có khả năng thực hiện trong vòng 1-3 năm. Chỉ điểm lại 11 dự án lớn nhất đã có số vốn đăng ký hơn 45 tỉ USD, chiếm khoảng 70% tổng vốn đăng ký.

Ông Phan Hữu Thắng, cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, lo lắng: “Các ngân hàng gặp khó khăn thì việc giải ngân cho các dự án đầu tư sẽ không còn suôn sẻ. Phải có biện pháp đối phó sớm, nếu không kịch bản xấu như những năm 1997-1998 xảy ra thì rất tệ”.

Không chỉ gam màu xám

Trong báo cáo thường niên về đầu tư năm 2008 của UNCTAD (Hội nghị Thương mại và phát triển Liên Hiệp Quốc), đầu tư nước ngoài năm 2008 sẽ giảm 10% so với năm ngoái, đạt khoảng 1.600 tỉ USD. Tuy nhiên, báo cáo này nhận định dòng vốn FDI vào các nước đang phát triển ít bị ảnh hưởng. Khu vực Đông Nam Á vẫn tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư.

Khảo sát về ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu lên dòng vốn FDI giai đoạn 2008-2010, báo cáo này cho biết hơn 50% công ty được hỏi trong cuộc khảo sát đánh giá không ảnh hưởng, trong khi 1/3 cho rằng sẽ có ảnh hưởng xấu. Nhận định của những tập đoàn đa quốc gia trong báo cáo này phần nào cho thấy bức tranh đầu tư nước ngoài thời gian tới không phải chỉ một gam màu xám.

Nhận định năm tới vốn đầu tư đăng ký mới có xu hướng giảm, ông Phan Hữu Thắng khẳng định ưu tiên số một sẽ là thúc đẩy giải ngân các dự án đã được cấp phép. “Rất mừng là trong lúc khó khăn vẫn có những nhà đầu tư cam kết đổ vốn thực hiện dự án. Chúng ta còn nhiều dư địa để vốn giải ngân tăng cao” - ông Thắng nói.

Sau đợt khảo sát tình hình triển khai các dự án đầu tư nước ngoài trên toàn quốc của Cục Đầu tư nước ngoài, ông Thắng cho rằng nguyên nhân chính vẫn là do công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị giao đất cho nhà đầu tư.

“Vấn đề này giải quyết nhanh hay chậm hoàn toàn phụ thuộc vào chính quyền địa phương. Khi xem xét cấp phép, nên ưu tiên những dự án có khả năng triển khai sớm, còn những dự án có quy mô lớn, dự án về bất động sản cần phải cân nhắc cẩn trọng, nếu không chúng ta sẽ bị vấp phải bài học cuộc khủng hoảng tài chính khu vực cuối thập niên 1990”.

Trong bối cảnh không mấy sáng sủa của những tháng cuối năm, đoàn 60 nhà lãnh đạo các tập đoàn nổi tiếng thế giới thuộc Hiệp hội Russell 20-20 đến VN như một minh chứng cho sự hấp dẫn của thị trường VN. Mỗi năm Russell 20-20 chỉ đến thăm hai thị trường mới nổi để đánh giá về môi trường đầu tư, sau đó cung cấp thông tin cho thành viên của mình. Tổng số vốn mà các thành viên của Russell 20-20 có thể đầu tư lên đến 12.000 tỉ USD và đã đầu tư hàng tỉ USD vào 18 quốc gia mà họ đã ghé thăm từ năm 1990 đến nay.


11 dự án trên 45 tỉ USD

1. Dự án khu liên hợp thép, nhà máy điện và cảng biển tại Ninh Thuận 9,79 tỉ USD (Malaysia)

2. Dự án xây dựng cảng và nhà máy luyện kim tại Vũng Áng, Hà Tĩnh 7,9 tỉ USD (Đài Loan)

3. Dự án nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa 6,2 tỉ USD (Nhật Bản, Hà Lan)

4. Dự án khu du lịch liên hợp cao cấp Phú Yên 4,3 tỉ USD (Brunei)

5. Dự án khu du lịch, nghỉ dưỡng Hồ Tràm, Bà Rịa - Vũng Tàu 4,23 tỉ USD (Canada)

6. Dự án hóa dầu Long Sơn, Bà Rịa - Vũng Tàu 4 tỉ USD (Thái Lan)

7. Dự án khu đô thị - đại học quốc tế ở TP.HCM 3,5 tỉ USD (Malaysia)

8. Dự án tổ hợp nghỉ dưỡng, sân golf ở Phú Quốc, Kiên Giang 1,65 tỉ USD (B.V.Island)

9. Dự án vui chơi giải trí, khách sạn tại Vũng Tàu 1,3 tỉ USD (Mỹ)

10. Dự án khách sạn, cao ốc, sản xuất vi mạch, phần mềm ở TP.HCM 1,2 tỉ USD (Singapore)

11. Dự án khu trung tâm tài chính ở TP.HCM 930 triệu USD (Malaysia).


DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ