Thu hồi nhà công vụ sử dụng sai đối tượng

Cập nhật 02/05/2014 07:03

Việc quản lý sử dụng nhà công vụ còn nhiều bất cập đã dẫn đến tình trạng sử dụng nhà công vụ không đúng đối tượng, sai mục đích hoặc nhiều người không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn được ở nhà công. Theo Bộ Xây dựng, các trường hợp sử dụng nhà công vụ không đúng đối tượng “dứt khoát phải trả lại” để bố trí cho cán bộ khác.

Nghỉ hưu vẫn sở hữu nhà công vụ

Theo báo cáo, tổng quỹ nhà công vụ trên cả nước hiện nay là 315.280 m2 sàn, bao gồm 49 biệt thự và 6.377 căn hộ chung cư và nhà ở một tầng. Trong đó, quỹ nhà của các cơ quan trung ương quản lý là 198.091 m2, nhà ở công vụ của các địa phương là 117.189 m2.

Khu nhà công vụ Hoàng Cầu, Hà Nội.

Do việc quản lý sử dụng nhà ở công vụ chưa được quan tâm đúng mức nên một thời gian dài, việc thu hồi nhà ở công vụ của các cán bộ lãnh đạo các bộ, ngành, thành phố trực thuộc Trung ương khi hết tiêu chuẩn gặp khó khăn. Đáng chú ý, nhiều cán bộ dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn “sở hữu” nhà công vụ. Có trường hợp đang cho người nhà ở nhờ nhà công vụ hoặc không có người ở và khóa cửa.

Ông Vũ Xuân Thiện, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, xảy ra tình trạng đó là do trước đây các quy định của pháp luật về lĩnh vực này còn thiếu, hoặc chung chung. Đơn vị quản lý nhà ở công vụ chỉ có quyết định giao nhà ở công vụ mà không có hợp đồng thuê nhà, không quy định về việc thuê, giá thuê cụ thể, thời hạn thuê nhà ở công vụ.

Mặt khác, quy định về giá thuê nhà ở công vụ chưa được thống nhất, nơi thì áp dụng theo quy định của Quyết định số 118/TTg ngày 27/11/1992 của Thủ tướng Chính phủ về xóa bỏ chế độ bao cấp nhà ở, đưa tiền nhà vào lương, nơi thì áp dụng Nghị định số 90/2006/NĐ-CP, trong đó quy định giá thuê nhà ở công vụ bằng 10% tiền lương và phụ cấp.

Tuy nhiên, giá thuê nhà ở công vụ này không đủ cho chi phí quản lý vận hành, bảo trì và quản lý cho thuê nhà ở công vụ, do vậy Nhà nước vẫn phải bù kinh phí để quản lý vận hành và bảo trì nhà ở công vụ. Điều này dẫn đến tình trạng nhà ở công vụ xuống cấp, người sử dụng nhà ở công vụ phải tự bỏ tiền để chi phí cho việc sửa chữa cải tạo. Ngoài ra, do điều kiện kinh tế khó khăn và chưa có quy định cụ thể nên bên trong nhà ở công vụ chưa được trang bị nội thất cơ bản, người sử dụng nhà ở công vụ phải tự trang bị những nội thất thiết yếu trong nhà khiến nhiều người không chịu trả nhà khi đã hết thời hạn công tác.

Bà Nguyễn Thị Phi Yến, trú tại căn hộ 407 A1 - Tổ trưởng tổ dân phố khu nhà ở công vụ Hoàng Cầu, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội cho biết: “Chồng tôi được phân nhà từ năm 2000, đến năm 2003 thì ông ấy về hưu. Từ khi nghỉ hưu tới nay không thấy Ban quản lý tòa nhà cũng như cơ quan đến yêu cầu trả lại nhà”.

Cần có chính sách hỗ trợ về nhà ở sau khi thu hồi

Hiện nay, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng trực tiếp quản lý, vận hành và bố trí cho thuê nhà ở công vụ của Chính phủ. Ông Thiện cho hay, sắp tới, nhà công vụ được bố trí trang thiết bị nội thất cơ bản cho người sử dụng. Đơn vị quản lý vận hành nhà công vụ phải ký hợp đồng với người thuê, trong đó quy định cụ thể trách nhiệm và nghĩa vụ hai bên, giá thuê, thời hạn thuê, việc thu hồi nhà có chế tài kèm theo. “Điều này sẽ tránh được những tồn tại từ trước, tránh tình trạng sử dụng không đúng đối tượng hoặc không đúng mục đích nhà công vụ”, ông Thiện nói.

Đến nay, Bộ Xây dựng đã nhận bàn giao 80 căn chung cư tại khu nhà ở công vụ Hoàng Cầu từ Văn phòng Chính phủ, nhận chuyển giao 24 căn chung cư CT7 từ thành phố Hà Nội và mua 76 căn chung cư CT1-CT2 làm nhà ở công vụ của Chính phủ. Điều đáng nói, hiện trong số 80 căn hộ của cả khu nhà công vụ Hoàng Cầu chỉ có khoảng 15 hộ cán bộ đang đương chức ở, 2 - 3 hộ trả lại nhà, một số khóa cửa để đó, còn lại đều là người thân đang sử dụng.

Ông Vũ Xuân Thiện cho biết thêm: Đối với khu nhà ở công vụ Hoàng Cầu, Bộ Xây dựng đã bước đầu sắp xếp, di chuyển một số cán bộ đang còn trong tiêu chuẩn được thuê nhà ở công vụ sang ở các khu nhà ở công vụ mới, số còn lại đang được tiến hành khảo sát, phân loại và sẽ tiến hành sắp xếp, thu hồi theo các quy định một cách thấu tình đạt lý.

Đối với các trường hợp khác, Bộ Xây dựng đang lên kế hoạch dựa trên nguyên tắc khi không còn thuộc đối tượng được thuê nhà công vụ thì dứt khoát phải trả nhà công vụ, đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ về hưu có khó khăn về nhà ở có chỗ ở mới như: được ưu tiên, tạo điều kiện được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và được vay vốn ưu đãi để mua nhà.

Xung quanh vấn đề trả lại nhà công vụ Hoàng Cầu, bà Nguyễn Thị Phi Yến cho biết, đa số cán bộ về hưu đều sẵn sàng chuyển đi. Tuy nhiên cơ quan chức năng phải có phương án, lên kế hoạch rõ ràng, hỗ trợ người dân di chuyển ra sao, hướng dẫn thuê, mua nhà ở mới như thế nào...

Trao đổi về vấn đề này, tại cuộc họp báo thường kỳ của Văn phòng Chính phủ tháng 3 vừa qua, ông Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, cùng với việc tăng cường quản lý chặt chẽ, nếu như cán bộ gương mẫu chấp hành việc trả lại nhà công vụ khi hết thời hạn công tác thì tình trạng sử dụng nhà công vụ sai mục đích sẽ được khắc phục.

DiaOcOnline.vn - Theo Tin tức