Do tác động bởi kinh tế suy giảm, vốn tín dụng thắt chặt, nhiều dự án triển khai rất chậm hoặc bất động. Vì vậy, việc xem xét thu hồi các dự án chậm tiến độ là cần thiết, tuy nhiên việc giao dự án thu hồi sang chủ đầu tư khác chưa hẳn đã là cách đẩy nhanh tiến độ...
Tàu vào bốc dỡ hàng tại Cảng CMIT khu Cái Mép - Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: CAO THĂNG |
Xem xét nguyên nhân khách quan
Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý đất đai, cả nước có 283 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích 76.000ha, phân bố trên 58 tỉnh, TP. Tuy nhiên, qua kiểm tra, tại nhiều địa phương còn tồn tại tình trạng các nhà đầu tư đã có quyết định giao đất, cho thuê đất nhưng chưa xây dựng cơ sở hạ tầng.
Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Mạnh Hiển yêu cầu xác định rõ hành vi vi phạm của các chủ đầu tư, xác định giá trị đất khi thu hồi các dự án đầu tư khu, cụm công nghiệp. Nếu chủ đầu tư không còn khả năng thực hiện thì kiên quyết thu hồi đất để đưa ra đấu giá, đấu thầu dự án, giao cho chủ đầu tư mới có đủ năng lực triển khai dự án. Đây là một chủ trương hợp lý nhưng làm cách nào để đánh giá năng lực tài chính của một chủ đầu tư mới tốt hơn chủ đầu tư cũ là chuyện không dễ.
5 năm gần đây diễn biến kinh tế khá bất lợi cho những chủ đầu tư thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là các dự án đầu tư khu công nghiệp. Kinh tế thế giới khủng hoảng đã tác động lên 2 trụ cột chính của nền kinh tế nước ta là đầu tư trực tiếp nước ngoài và thương mại quốc tế. Tác động truyền dẫn của nó tác động trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất trong nước, làm cho hoạt động cảng biển và khu công nghiệp trở nên trì trệ, không thể phát triển. Số doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp cũng trở nên ít đi, các chủ đầu tư dự án không thể đổ thêm vốn vào thực hiện các dự án khu, cụm công nghiệp. Hệ quả là dự án chậm tiến độ.
Một vấn đề khác, các dự án chậm tiến độ không chỉ do nguyên nhân từ phía chủ đầu tư mà còn đến từ việc quy hoạch của chính quyền trung ương và địa phương, dẫn đến sự thừa thãi các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp. Nếu dự án đầu tư được đánh giá là tốt thì bản thân các chủ đầu tư sẽ đẩy nhanh tiến độ để nhanh chóng thu lợi nhuận. Còn nếu không thể cạnh tranh với các dự án khác do trung ương cấp phép, sẽ dẫn đến việc chủ đầu tư các dự án địa phương từ bỏ hoặc thực hiện chậm tiến độ.
Do đó việc thu hồi các dự án chậm tiến độ cần cân nhắc trước tiên về quy hoạch tổng thể để xém xét nguồn cung của các dự án này từ trung ương đến địa phương. Cần xem xét yếu tố khách quan trong việc thu hồi dự án đầu tư, nhất là trong các dự án phát triển khu, cụm công nghiệp. Yếu tố khách quan này không chỉ đến từ tác động của môi trường kinh tế bất lợi mà còn từ sự thừa thãi trong công tác quy hoạch từ trung ương đến địa phương.
Giao dự án theo tiêu chí nào?
Việc thu hồi các dự án chậm tiến độ là cần thiết nhưng việc giao dự án cho chủ đầu tư mới liệu có thúc đẩy tiến độ của dự án hay không nếu chỉ nhìn vào tiến độ thực hiện dự án. Hiện nay, nhà nước đang triển khai việc tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế, trong đó có vấn đề đầu tư đa ngành. Đây là một tiêu chí cần xem xét. Nếu chiếu theo điều kiện tái cấu trúc DNNN thì trong thời gian tới thành phần kinh tế này phải đi vào kinh doanh lĩnh vực ngành nghề cốt lõi, không được tham gia đầu tư đa ngành. Vì vậy, ngoài tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư có năng lực tài chính, cũng cần tính đến lĩnh vực hoạt động của chủ đầu tư đó.
Dẫn chứng cụ thể về vấn đề này, được biết khu công nghiệp Cái Mép là một dự án thuộc quyền quyết định của Chính phủ trong chiến lược phát triển kinh tế - cảng biển phía Nam. Đây là một dự án quan trọng và cũng nằm trong tình trạng chậm tiến độ. Chủ đầu tư dự án khu công nghiệp Cái Mép được Chính phủ giao cho một tổng công ty chuyên ngành. Thế nhưng, khi thực hiện rà soát dự án, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lại đề nghị thu hồi dự án để giao cho một đơn vị khác (CTCP xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - UDEC). UDEC là một công ty cổ phần chưa từng kinh doanh về lĩnh vực này.
Việc giao dự án cho chủ đầu tư mới liệu có đảm bảo đẩy nhanh tiến độ dự án hay chỉ làm cho dự án trở nên manh mún, không mang tầm chiến lược quốc gia? Qua thực tiễn của đề nghị giao một phần dự án cho chủ đầu tư mới cũng bộc lộ một số vấn đề: UDEC là một công ty cổ phần, lợi ích thu được từ dự án sẽ thuộc về các cổ đông, trong khi tài sản này đáng lẽ thuộc về nhà nước. UDEC không phải hoạt động trong lĩnh vực khu công nghiệp và dịch vụ logistics. Liệu UDEC có năng lực tài chính hơn chủ đầu tư hiện hữu?
UDEC là một công ty niêm yết trên TTCK, tình hình tài chính của công ty này cũng không mấy sáng sủa. Kể từ ngày niêm yết đến nay, giá trị công ty này liên tục suy giảm. Từ mức giá trên 20.000 đồng/cổ phiếu nay chỉ còn trên dưới 3.700 đồng/cổ phiếu. Diễn biến giá cổ phiếu này đã cho thấy phần nào tình hình tài chính cũng như hoạt động kinh doanh của công ty. Báo cáo tài chính quý 3-2012 tiếp tục cho thấy công ty đang trong tình trạng thua lỗ. Hoạt động kinh doanh thu không đủ bù chi nên đưa đến công ty vay nợ rất lớn (tính đến quý 3, tỷ lệ nợ trên giá trị thị trường vốn chủ sở hữu gấp 9,8 lần, tính trên giá trị sổ sách trên 3,4 lần…). Vậy liệu UDEC có phải là một chủ đầu tư mới sẽ đẩy nhanh được tiến độ thực hiện dự án trọng điểm này?
Việc thu hồi dự án đầu tư cần nhìn nhận trên cơ sở các yếu tố khách quan tác động bởi những khó khăn nội tại nền kinh tế. Vì vậy, cần xem xét cẩn trọng, giúp các chủ đầu tư yên tâm vượt khó. Mặt khác, việc giao dự án đầu tư được thu hồi không chỉ dựa trên các tiêu chí chủ quan mà cần một cơ chế đấu thầu công khai các dự án này nhằm lựa chọn chủ đầu tư thích hợp nhất.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng