Từ 15 khu công nghiệp (KCN) - khu chế xuất (KCX) hiện hữu, UBND TP.HCM vừa kiến nghị Thủ tướng cho điều chỉnh thành 21 KCN-KCX với tổng diện tích hơn 6.170 ha. Tổng số diện tích đất sẽ bị thu hồi làm KCN lên tới gần 1.400 ha.
Thêm 6 khu công nghiệp mới
UBND TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập mới 6 KCN với quy mô 1.308 ha. Trong số này, đáng kể nhất là KCN Đông Nam (dự kiến nằm ở xã Hòa Phú và Bình Mỹ, huyện Củ Chi), quy mô 338 ha đang được Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam đề nghị đầu tư. Đứng thứ hai về diện tích là KCN Xuân Thới Thượng (thuộc xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn), quy mô 300 ha được Công ty cổ phần thương mại DIC đề nghị đầu tư.
Các KCN còn lại là: KCN Vĩnh Lộc III (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh), quy mô 200 ha, Công ty xuất nhập khẩu đầu tư Chợ Lớn đang đề nghị đầu tư. KCN Phước Hiệp (xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi), quy mô 200 ha, Công ty Ánh Sáng Chung đang đề nghị đầu tư. KCN Bàu Đưng (xã Bàu Đưng, huyện Củ Chi), quy mô 175 ha, Công ty Vạn Phát Hưng đang đề nghị đầu tư. KCN đóng tàu thủy Bình Khánh (xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ), quy mô 150 ha, Tổng công ty cơ khí vận tải Sài Gòn đang đề nghị đầu tư.
Ngoài 6 KCN được đề nghị thành lập mới, UBND TP.HCM cũng kiến nghị tăng diện tích một loạt KCN hiện hữu. Trong đó, KCN Vĩnh Lộc I (Q. Bình Tân, huyện Bình Chánh) được điều chỉnh từ 207 ha lên 259 ha; KCN Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh): cụm 1 (do Công ty cổ phần xây dựng Bình Chánh làm chủ đầu tư) được điều chỉnh từ 100 ha lên 220 ha, cụm 2 (Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn đang đề nghị đầu tư) có thể mở rộng từ 338 ha lên 450 ha, cụm 3 (Công ty đầu tư xây dựng Thế Kỷ - Đài Loan đang đề nghị đầu tư) dự kiến quy mô 242 ha... Việc thành lập mới hoặc tăng diện tích nhiều KCN cũng đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp bị thu hồi đất.
Cắt giảm diện tích một số khu hiện hữu
Ngược lại, nhiều khu quy hoạch "treo" làm KCN trước đây có thể được xóa khi UBND TP.HCM kiến nghị giảm diện tích nhiều KCN hiện hữu. Bị cắt giảm diện tích nhiều nhất là KCN Tân Thới Hiệp (Q.12), do Công ty TNHH Đầu tư xây dựng kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Tân Thới Hiệp làm chủ đầu tư, dự kiến điều chỉnh từ 215 ha xuống còn 28 ha.
Nguyên do, trong quá trình triển khai, chủ đầu tư chỉ thực hiện trên phần đất được giao ban đầu là 29 ha, trong khi quyết định thành lập của Thủ tướng với quy mô 215,4 ha. Đến nay, phần còn lại bị cắt nhỏ bởi các doanh nghiệp tự thương lượng mua đất của dân và một phần diện tích do người dân tự xây cất nhà ở và lưu trú lâu năm, hình thành khu dân cư. Do đó, việc triển khai tiếp KCN theo quy hoạch không thực hiện được.
KCN Tân Tạo (Q.Bình Tân), do Công ty cổ phần KCN Tân Tạo làm chủ đầu tư, sẽ được điều chỉnh từ 430,57 ha theo quyết định thành lập xuống 381 ha. KCN Tân Bình (Q.Tân Phú, Q.Bình Tân), do Công ty cổ phần Tanimex làm chủ đầu tư, được điều chỉnh từ 223,76 ha xuống khoảng 134 ha.
KCN Cát Lái cụm 2 (Q.2), do Công ty quản lý và phát triển nhà Q.2 làm chủ đầu tư, dự kiến điều chỉnh từ 375 ha xuống còn 124 ha. KCN Phong Phú (huyện Bình Chánh), do Công ty cổ phần KCN Phong Phú làm chủ đầu tư, được điều chỉnh từ 163,3 ha xuống còn 148,4 ha. KCN Phú Hữu (Q.9), do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và vật liệu xây dựng Sài Gòn làm chủ đầu tư, được điều chỉnh từ 162 ha xuống còn 114 ha.