Khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là lãi suất ngân hàng quá cao, không chỉ đẩy hàng loạt doanh nghiệp vào tình cảnh khó khăn mà còn làm tê liệt thị trường, thanh khoản rất kém.
Theo nhân viên của một sàn giao dịch bất động sản trên đường Khuất Duy Tiến, tại sàn này còn hàng chục trường hợp gửi bán căn hộ trong khu đô thị Dương Nội (quận Hà Ðông) từ cuối năm 2011, nhưng đến nay, vẫn chưa được sang tên. Ðại diện sàn giao dịch này cho biết, hiện giá căn hộ dự án The Van Phu - Victoria được chào bán 16 - 17 triệu đồng/m2. Căn hộ dự án Xala từ 22 - 23 triệu đồng/m2. Căn hộ dự án Chung cư Mekong Plaza tại khu A - Lê Trọng Tấn Geleximco giá trên dưới 17,5 triệu/m2. Căn hộ tòa nhà The Pride chào bán 17 - 19 triệu đồng/m2... Mức giá này đã giảm khoảng 15% so với hồi đầu năm.
Tại hội thảo "Giải pháp tổng thể cho thị trường bất động sản 2012", tổ chức ngày 28-3 vừa qua, nhiều chuyên gia cho rằng, bất động sản năm nay phụ thuộc hoàn toàn vào dòng tiền tham gia thị trường này. Những yếu tố tác động quan trọng đến thị trường như tình hình kinh tế thế giới, tình hình kinh tế vĩ mô trong nước, chính sách tiền tệ thuận lợi khi hệ thống ngân hàng được tái cấu trúc lành mạnh, sự cải tổ của các doanh nghiệp... Cũng tại hội thảo, TS Trần Kim Chung đã nêu ba kịch bản có thể xảy ra đối với thị trường bất động sản. Trong đó, kịch bản thứ nhất, được kỳ vọng nhất là thị trường khởi sắc, nhưng xem ra có vẻ khó nhất. Bởi điều kiện của phương án này có nhiều yếu tố tốt đẹp cùng xảy ra, như tình hình kinh tế thế giới ổn định, tình hình kinh tế vĩ mô trong nước tăng trưởng cao, lạm phát tiếp tục được kiềm chế, lãi suất về mức 10%/năm. Kèm theo đó, một số công cụ tài chính tương hỗ thị trường bất động sản ra đời. Khi đó, thị trường sẽ qua điểm đáy và khởi sắc vào tháng 8 âm lịch. Từ tháng 3 đến tháng 9, sẽ là giai đoạn thử lửa, sàng lọc các doanh nghiệp.
Kịch bản thứ hai, trường hợp không có bất cứ điều gì tốt đẹp của kịch bản thứ nhất xảy ra. Khi đó, các doanh nghiệp bất động sản sẽ gặp khó khăn lớn. Thị trường sẽ suy giảm trầm trọng, các dự án sẽ tiếp tục bị ngừng trệ, nhiều công trình tiếp tục bị đóng băng.
Kịch bản cuối cùng, dễ xảy ra nhất, tình hình sẽ tiếp tục như hiện nay. Các chính sách tiếp tục được nghiên cứu, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục hoạt động cầm chừng, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục hy vọng, một số doanh nghiệp tiếp tục thu hẹp sản xuất.
Nhiều ý kiến đồng tình cho rằng, từ nay tới cuối năm, thị trường tiếp tục đi xuống, có thể đi lên từ đầu năm 2013 và đạt đỉnh khoảng cuối năm 2014 đầu năm 2015. Tuy nhiên, từ nay đến lúc đó, thị trường bất động sản phải vượt qua được sức ỳ của quá trình chuyển giai đoạn từ tiền tệ hóa lên tài chính hóa.
Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế lại có những đánh giá không mấy sáng sủa khi cho rằng, nếu Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ vẫn sử dụng chính sách thắt chặt tiền tệ mà không dự đoán một cách định lượng, cũng như sớm có quyết sách gỡ khó đồng bộ cho cộng đồng doanh nghiệp, sẽ không loại trừ có thêm nhiều doanh nghiệp bất động sản phá sản hơn so với năm 2011.
Minh chứng cho điều này khi số liệu từ các hiệp hội bất động sản cho thấy, tổng vay nợ của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đang ở mức 200.000 tỷ đồng. Trước những khó khăn ấy, kéo theo cổ phiếu của những doanh nghiệp bất động sản đồng loạt giảm giá. Ðáng chú ý, trường hợp Công ty cổ phần Ðầu tư tổng hợp Hà Nội (Hanic - SHN), giới đầu tư đang tháo chạy khỏi cổ phiếu này sau khi Chủ tịch Hội đồng quản trị SHN thừa nhận về khả năng phá sản. Tới cuối năm 2011, SHN còn chưa đầy 1,15 tỷ đồng tiền mặt và các khoản tương đương. Trong khi đó, nợ ngắn hạn lên tới 401 tỷ đồng. Ðịa ốc Hoàng Quân (HQC) cũng đang khó khăn khi nợ ngắn hạn 1.790 tỷ đồng.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu các doanh nghiệp bất động sản vẫn thụ động trông chờ vào chính sách "bao bọc" từ Nhà nước, sẽ sớm phá sản. Và những khuyến cáo về thay đổi chiến lược kinh doanh, thay đổi cơ cấu căn hộ, tìm nguồn cầu mới cho sản phẩm... từ giữa năm 2011 của nhiều chuyên gia không phải không có cơ sở.
DiaOcOnline.vn - Theo Nhân Dân