Thông tư 16 gây khó, cổ phiếu bất động sản vẫn dậy sóng

Cập nhật 03/12/2021 10:15

Sức nóng của dòng tiền chảy vào thị trường bất động sản thông qua trái phiếu, cổ phiếu vẫn không giảm sút bất kể các nỗ lực cảnh báo từ giới chuyên gia và cơ quan quản lý.

Dòng tiền từ trái phiếu, cổ phiếu chảy vào thị trường bất động sản vẫn cao

Sự tăng trưởng nóng của dòng tiền chảy vào thị trường bất động sản đã nhận phải nhiều cảnh báo từ các đơn vị nghiên cứu cũng như cơ quan quản lý. Đặc biệt, ngày 10/11/2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 16/2021/TT- NHNN thay thế Thông tư số 22/2016/TT-NHNN và Thông tư số 15/2018/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp , được kỳ vọng mang tới sự lành mạnh hóa cho thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, dường như các thông tin về chính sách siết dòng tiền hiện tại chưa tác động nhiều đến thị trường này.

Dòng tiền “cấp tập” chảy về doanh nghiệp địa ốc

Những ngày gần đây, các doanh nghiệp địa ốc cả đã niêm yết và chưa niêm yết vẫn “cấp tập” công bố dòng tiền chảy về từ trái phiếu doanh nghiệp.

Đơn cử Công ty TNHH kinh doanh bất động sản Liên Lập vừa công bố kết quả huy động thành công 532 tỷ đồng trong đợt phát hành hai lô trái phiếu vào ngày 22.11.2021, để thâu tóm Dự án Khu du lịch – dịch vụ Bắc Bãi Trường (khu 1) do Công ty TNHH Đức Việt làm chủ đầu tư.

Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm mới đây cũng vừa huy động thành công 259,22 tỉ đồng trái phiếu để đầu tư xây dựng dự án Prime Resort and Hotels tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà.

Trước đó, trong tháng 11, một doanh nghiệp cũng công bố thông tin phát hành thành công lô trái phiếu trị giá 500 tỷ đồng để bổ sung vốn đầu tư vào một siêu dự án ở Mê Linh, Hà Nội.

Hay ông lớn CTCP Vinhomes (VHM) mới đây cũng đã phát hành xong 6.530 tỷ đồng trái phiếu trong năm nay theo kế hoạch đặt ra hồi đầu tháng 8. Trong đó, 4.370 tỷ đồng được phát hành theo hình thức chào bán ra công chúng và 2.160 tỷ đồng được phát hành theo hình thức chào bán riêng lẻ. Trong thương vụ gần nhất, Vinhomes phát hành lượng trái phiếu trị giá 2.090 tỷ đồng hôm 25/11 cho 8 nhà đầu tư trong nước.

Trong khi đó, về thị trường cổ phiếu, trong các phiên giao dịch hồi cuối tháng 10, nhóm cổ phiếu bất động sản và xây dựng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư với giao dịch lên cao như NVL tăng 3,8%, KDH tăng 3,1%. Thậm chí, hàng loạt mã nằm ngoài rổ VN30 với giá vừa và thấp đã tăng trần hết biên độ như NBB, DRH, NVT, SD2, NHA, QCG...

Nhóm bất động sản tăng cao sau khi nhiều doanh nghiệp báo lãi lớn bất chấp Covid-19 và nhà đầu tư tiếp tục kỳ vọng vào sự khả quan trong thời gian tới.
Nhiều doanh nghiệp cố gắng làm đẹp sổ sách trong quý IV và "bán giấy lấy tiền" trên sàn chứng khoán.

Báo cáo mới đây của VNDirect cũng cho biết, nhóm cổ phiếu bất động sản đã chứng kiến đợt tăng giá ấn tượng kể từ đầu quý 4 năm 2021 với chỉ số ngành bất động sản tăng 15,3%, cao hơn mức 10,6% của Vn-Index. Với dòng tiền đổ vào mạnh như hiện nay, giá cổ phiếu đã bị đẩy lên quá nhanh, đặc biệt là các công ty có quỹ đất lớn ở các tỉnh lân cận Hà Nội/TP.HCM như NLG (Nam Long), HDC (Hà Đô), DIG (DiC Corp).

Đáng chú ý, sau thông tin NHNN ban hành Thông tư 16, siết chặt quy định với ngân hàng để hạn chế vốn chảy vào bất động sản, quy định này đã khiến loạt cổ phiếu bất động sản "giảm sàn" hồi đầu tháng 11, song sau đó nhiều mã bất động sản từ đấy lại tiếp tục tăng lên.

Tầm nhìn dài hạn

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta, việc thanh toán của bất động sản đang bị "đóng băng", dẫn đến việc dòng tiền âm liên tục nhiều quý, áp lực với doanh nghiệp bất động sản giai đoạn tới là phải bổ sung nguồn vốn để khơi dậy thanh khoản tài chính bằng cách là từ nợ và cổ phiếu.

Đối với nợ đang bị "tắc" hai nguồn tín dụng cũng như trái phiếu. Nên các công ty bất động sản sẽ hướng tới việc phát hành cổ phiếu, trong bối cảnh chứng khoán thuận lợi cho phát hành. Hiện nay tỷ lệ giao dịch nhà đầu tư cá nhân là hơn 90%.

Một số chuyên gia cũng cho rằng, trong số các doanh nghiệp bất động sản trên sàn, không ít doanh nghiệp có quỹ đất lớn, nhưng nợ vay cao. Kỳ vọng về lợi nhuận thậm chí theo các chuyên gia, còn đang được nhiều doanh nghiệp cố gắng làm đẹp sổ sách trong quý IV và "bán giấy lấy tiền" trên sàn chứng khoán.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT FiinGroup, cổ phiếu bất động sản vẫn dậy sóng vì dòng tiền chứng khoán hiện nay là của nhà đầu tư cá nhân và có vẻ góc nhìn của họ hiện rất ngắn. Trong khi chính sách này giải quyết vấn đề căn cơ và dài hạn hơn là điều quan tâm của nhà đầu tư hiện nay.

DiaOcOnline.vn – Theo DĐDN