Thông tư 13: Thị trường địa ốc phản ứng trái chiều

Cập nhật 05/09/2010 09:30

Không chỉ các ngân hàng thương mại bị chia rẽ Thông tư 13 (có hiệu lực ngày 1/10/2010), mà doanh nghiệp địa ốc - đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp xung quanh vấn đề lãi suất sau thông tư này cũng đang có những phản ứng trái ngược.

Mối nguy ngắn hạn

Bất động sản là lĩnh vực cần một lượng vốn khổng lồ và rất dài hạn. Để triển khai các dự án, hầu hết doanh nghiệp phát triển địa ốc ở nước ta hiện nay, ngoài một phần vốn tự có, một phần vốn huy động từ khách hàng, còn phụ thuộc chủ yếu vào vốn vay từ ngân hàng.

Theo quy định, tín dụng dành cho bất động sản bị khống chế ở mức 10% tổng dư nợ của các ngân hàng.

Từ đầu năm đến nay, con số này trên toàn thị trường đạt khoảng 200.000 tỷ đồng. Trong đó TP.HCM chiếm đến gần một nửa - 47%. Như vậy dễ thấy bất kỳ chính sách nào liên quan đến nguồn cung tín dụng bất động sản thì hơn đâu hết, thị trường phía Nam chịu ảnh hưởng rõ rệt ngay lập tức.

Trước khả năng nguồn vốn huy động bị hạn chế, lãi suất vay vốn cho bất động sản tiếp tục tăng sau Thông tư 13 khiến chi phí đầu vào gia tăng, phản ứng chung của doanh nghiệp TP.HCM là lo lắng, quan ngại sâu sắc, nhất là hiện đầu ra của thị trường lại hết sức trầm lắng.

Nghị định 69 về xác định giá đền bù, bồi thường đất theo giá thị trường, Nghị định 71 siết chặt việc mua bán bất động sản vẫn đang gây nhiều vướng mắc, khó thực thi, thậm chí thua lỗ từ phía doanh nghiệp thì sự góp mặt của Thông tư 13 không khác gì một thế “liên hoàn cước” tối tăm mặt mũi - là ví von của ông Nguyễn Văn Đực - lãnh đạo Công ty Địa ốc Đất Lành.

Phần đông doanh nghiệp địa ốc TP.HCM là của tư nhân, vay vốn ngân hàng để kinh doanh. Hơn nữa người mua nhà đất cũng phụ thuộc rất nhiều vào vốn ngân hàng.

“Với quy định này, thị trường sẽ gần như “chết cứng” còn doanh nghiệp đối mặt với phá sản khi có quá nhiều sức ép lên một thị trường đã lạnh” - ông Đực giãi bày.


Thị trường bất động sản nước ta đang ở trong giai đoạn: "nóng" hay "lạnh" phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung tín dụng từ ngân hàng - Ảnh: NN

Ngoài ảnh hưởng đối với lĩnh vực dân dụng, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM còn cho rằng tác động nặng nề của việc thắt chặt tín dụng đối với bất động sản các khu công nghiệp.

Ông Châu nói: “Bất động sản các khu công nghiệp liên quan đến vấn đề sản xuất, để các doanh nghiệp di dời nhà máy, công xưởng. Vì thế nếu bị áp dụng, tác động khó khăn ở đây còn lan sang nhiều lĩnh vực sản xuất công nghiệp khác”.

Cơ hội dài hạn

Cũng đang ở giai đoạn trầm lắng nhưng tác động của Thông tư 13 đến thị trường bất động sản tại Hà Nội được nhiều đại diện nhìn nhận có phần bình tĩnh hơn.

Ông Lê Huy Đông - Tổng GĐ Công ty CP Bất động sản VIG cho rằng, ảnh hưởng trực tiếp nhất ở đây chính là các khách hàng cá nhân muốn vay vốn để mua bất động sản. Việc thắt chặt tín dụng sẽ khiến sức tiêu thụ, lượng giao dịch của thị trường giảm đáng kể.

Còn với các doanh nghiệp thì trong hơn một năm qua, việc vay vốn ngân hàng để làm dự án đã không dễ dàng nên xu hướng chung là doanh nghiệp đã chủ động chuyển sang huy động từ các nguồn cũng như các hình thức khác. Có chăng cùng với những quy định mới về thủ tục, quy trình huy động vốn trong Nghị định 71, khó khăn trực tiếp về vốn sẽ thuộc về những doanh nghiệp phát triển các dự án gối đầu, triển khai cách nhau trong thời gian 2-3 quý.

Đồng tình với nhận xét trên, ông Edward Minh Chi - TGĐ Công ty CP Đầu tư Bất động sản Minh Việt cũng phản ánh: tăng trưởng tín dụng ngân hàng trong đầu tư bất động sản ngày càng ít có đột biến, do đó những công ty bất động sản lớn thường không phụ thuộc quá nhiều vào kênh này.

Việc tăng dự trữ an toàn của các ngân hàng do đó không có ảnh hưởng tiêu cực đến những doanh nghiệp như ông.

Lạc quan hơn cả, ông Vũ Cương Quyết - TGĐ Công ty CP Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh miền Bắc cho rằng, tác động ở đây về mặt lãi suất cũng như tâm lý lo ngại chỉ là trong ngắn hạn (từ 3-6 tháng). Còn về dài hạn, câu chuyện điều chỉnh hệ số an toàn vốn và phòng tránh rủi ro tín dụng của hệ thống ngân hàng lại là rất tốt.

Nó sẽ khiến thị trường bất động sản phát triển bền vững, chuyên nghiệp, hạn chế đầu cơ. Từ đó nguồn vốn cho vay từ các ngân hàng sẽ tập trung vào các kênh có độ rủi ro thấp hơn như các hoạt động sản xuất. Khi nguồn thu cho thị trường ổn định và tăng trưởng thì lãi suất cho vay sẽ từ từ giảm bớt.

“Thị trường bất động sản phía Bắc đang trong tình trạng nhóm nhà đầu tư, đầu cơ ai cũng được vay vốn đầu tư khiến giá cả thị trường rất đắt đỏ. Muốn ổn định được thị trường lâu dài phải có biện pháp can thiệp chứ ai cũng làm được dự án, ai cũng có thể đầu cơ thì sẽ rất khó cho người tiêu dùng” - ông Quyết nhận xét.

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet