Dù giá đã hạ, Nhà nước cũng có nhiều chính sách kích cầu, nhưng cho đến thời điểm này phần đông nhà đầu tư vẫn còn đứng ngoài nghe ngóng. Ngoài vấn đề vốn, một trong những việc khiến những ai quan tâm đến thị trường BĐS phải “chùn chân” là các thông tin vẫn quá tù mù, không thể tìm được chính xác vùng tiềm năng để đầu tư.
Cung vẫn mở, cầu tiếp tục giảm
Báo cáo thị trường BĐS Hà Nội trong quý II-2012 của Công ty Savills Việt Nam vừa được công bố cho thấy trong nửa đầu năm 2012, thị trường BĐS tiếp tục gặp nhiều áp lực từ việc dư cung trong khi tỷ lệ hấp thụ liên tục giảm.
Cụ thể ở phân khúc căn hộ, trong quý vừa qua, thị trường Hà Nội có đến 10 dự án mới gia nhập thị trường, cung cấp thêm 4.200 căn hộ. Trong khi đó, tỷ lệ hấp thụ trung bình giảm xấp xỉ 8% do tính thanh khoản trên thị trường ở hầu hết các dự án không cải thiện nhiều.
Nguồn cung vẫn gia tăng trong khi nhu cầu chưa hồi phục.
Đáng chú ý, người mua hiện nay trên thị trường phần lớn là người sử dụng cuối cùng, tức thị trường gần như vắng bóng các nhà đầu tư, lướt sóng - yếu tố cực kỳ quan trọng tác động đến sự hồi phục của thị trường. Mặc dù tín hiệu tích cực vẫn có, cứ 5 người được hỏi có 1 người cho biết vẫn quan tâm đến thị trường BĐS.
Việc chưa có một kênh thống kê, phân tích dự báo chính thức từ các cơ quan quản lý chuyên môn là khiếm khuyết của thị trường BĐS, điều này góp phần làm thời gian hồi phục của thị trường kéo dài. Nhưng điều này cũng không thể khắc phục một sớm một chiều khi ngay cả bộ chỉ số giá BĐS dù đã được “hình hài” từ 10 năm nay và đã được thí điểm tại một số TP lớn vẫn chưa thể ra đời.
Ông TỐNG VĂN NGA, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam |
Tuy nhiên, điều này không chứng tỏ các nhà đầu tư thực sự mong muốn quay lại với thị trường. Một đánh giá trước đó của CBRE cũng cho thấy các tín hiệu vĩ mô tích cực, như cắt giảm lãi suất và chính sách tín dụng nới lỏng hơn cho khu vực BĐS, song vẫn chưa cho thấy nhiều tác động do các nhà đầu tư, đầu cơ từ giai đoạn trước vẫn đang tiếp tục tìm cách cắt lỗ.
Thực tế ảm đạm của thị trường rõ rệt đến mức ngay các cơ quan chức năng cũng đã phải thừa nhận. Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2012, số lượng giao dịch giảm mạnh, thậm chí nhiều dự án không có giao dịch, các nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn chưa có niềm tin vào thị trường, tình hình giao dịch BĐS qua sàn giao dịch hay không thông qua sàn đều rất ảm đạm.
Hà Nội chỉ có giao dịch tại những dự án sắp hoàn thành hoặc đã đưa vào sử dụng, chung cư lớn vô cùng ế ẩm. Giá căn hộ chung cư, biệt thự, nhà liền kề tiếp tục hạ nhiệt, có trường hợp giảm 50% so với năm 2010 nhưng vẫn rất ít giao dịch. Tại TPHCM, nhiều doanh nghiệp không dám mở bán dự án mới.
Tình hình này được dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài khi từ nay đến quý IV-2012, thị trường sẽ đón nhận thêm khoảng 10.000 căn hộ. Còn trong 3 năm tới, thị trường căn hộ chung cư Hà Nội sẽ đón thêm 50 dự án, trong đó có 46 dự án đã xác định được sẽ tung ra thị trường khoảng 39.000 căn hộ. Cung lớn nhưng cầu yếu sẽ đẩy thị trường vào một chu kỳ sụt giảm mới.
Thiếu thông tin minh bạch
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia BĐS, ngoài việc chưa thể bán hết số lượng hàng hóa đã “ôm” để thu hồi vốn, nhiều nhà đầu tư đứng ngoài thị trường vì cảm thấy bối rối khi thị trường vẫn còn rất mập mờ về thông tin dù được đánh giá là khá tiềm năng.
Trong thời điểm hiện tại, ngoài phân khúc cao cấp quá ế ẩm và không có nhiều người quan tâm, ngay cả những dự án nhà giá trung bình trên thị trường cũng khiến cho các nhà đầu tư bối rối khi liên tục có những thông tin trái chiều.
Theo ông Phạm Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội, các nhà đầu tư hiện tại không khác gì con bệnh, đã từng bệnh nặng một lần, họ sẽ không dễ dàng lao vào một lần nữa khi không có gì đảm bảo về độ minh bạch, chắc chắn.
Trên thực tế, BĐS Việt Nam luôn đứng ở nhóm cuối về độ minh bạch theo đánh giá của các tổ chức quốc tế. Việc thiếu những thông tin về thị trường, từ thông tin về quy hoạch đến nhu cầu, nguồn cung thực tế… đã trở thành một trong những điểm yếu chưa được khắc phục.
Điều này góp phần đẩy thị trường BĐS vào tình cảnh dư cung phân khúc cao cấp như hiện nay khi nhiều năm trước các chủ đầu tư đua nhau xây theo xu hướng mà không quan tâm đến nhu cầu thực tế.
Theo một số nhà đầu tư, thời điểm hiện tại họ sẽ không mạo hiểm bỏ tiền theo kiểu thông tin rỉ tai như trước kia vì độ rủi ro quá cao, còn dựa vào các báo cáo thì thông tin lại quá chung chung do phạm vi nghiên cứu thị trường lớn, không đưa ra được lời khuyên cụ thể về phân khúc tiềm năng nên chỉ mang tính chất tham khảo. Chính vì vậy, khi kinh tế vẫn còn khó khăn và thị trường BĐS còn tiềm ẩn nhiều bất ổn, nhà đầu tư sẽ rất rụt rè trong việc “đặt tiền”.
DiaOcOnline.vn - Theo ĐTTC