Trong khi giá nhà đất tại Mỹ tăng trở lại thì bất động sản Châu Âu có xu hướng chìm xuống, các khu vực từng đắt đỏ khác như các nền kinh tế mới nổi và Châu Á đều không mấy khả quan.
Tất cả các biến động đa chiều này làm cho giới phân tích kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn trong đưa ra các dự báo tăng trưởng của bất động sản, do đó cũng ảnh hưởng nhất định tới sự phát triển kinh tế chung của mỗi quốc gia. Để đánh giá, tìm hiều xem nhà đất định giá ở mức quá cao hay để ở mức thấp, tạp chí Thời báo kinh tế của Mỹ - The Economist - đã sử dụng hai cách phân tích. Thứ nhất là đánh giá thông qua so sánh khả năng chi trả nhà đất so với thu nhập. Cách khác là xem xét các trường hợp đầu tư vào nhà đất so với giá cho thuê. Nếu các chỉ số này cao hơn mức trung bình lịch sử của chúng (kể từ giữa những năm 1970) thì BĐS được định giá quá cao, nếu thấp hơn thì chúng đang bị định giá thấp.
Trên cơ sở đó, giá nhà đất của Canada được coi là bong bóng trong khi tại Nhật Bản giá BĐS đang ở mức thấp. Cũng theo cách đánh giá đó, thị trường nhà đất của Mỹ - trước đây bị ảnh hưởng lớn - đã hồi phục trở lại: giá nhà đã tăng 12,1% trong năm 2012. Nhưng sự phục hồi vẫn còn xuất hiện với nhiều căn cứ chắc chắn vì giá BĐS vẫn còn bị định giá thấp so với thu nhập. Sự tăng vọt về lãi suất thế chấp từ tháng 5/2013 là dấu hiệu cho thấy Cục Dự trữ liên bang Mỹ - FED sẽ sớm làm chậm tốc độ thu mua tài sản, có thể nhằm phòng ngừa sự bùng nổ về giá nhà đất.
Sự phục hồi của BĐS Anh được xây dựng trên nền tảng không vững chắc. Tốc độ tăng trưởng giá nhà đã lên cao trong những tháng gần đây, hiện lên đến 3,9% và có khả năng đẩy nhanh hơn nữa, mặc dù việc định giá khá căng thẳng.
Mặc dù được định giá thuận lợi, giá nhà Nhật Bản tiếp tục giảm, hiện ở mức khiêm tốn là 2,2%. Các thị trường BĐS tồi tệ nhất nằm ở khu vực đồng euro, đặc biệt là ở phía nam Châu Âu và cũng diễn ra ở một số nước Bắc Âu (giá BĐS tại Hà Lan giảm 8,5%). Thị trường nhà đất Pháp cũng trầm lắng, chứng tỏ các nhà đầu tư chán nản trong lĩnh vực này. Việc định giá nhà đất ở Tây Ban Nha theo hướng giảm còn kéo dài mặc dù giá nhà đã tụt tới 30% kể từ đầu năm 2008. Dấu hiệu sáng sủa về nhà đất tại Châu Âu xuất hiện ở một số nơi khác, đặc biệt là Đức. Giá nhà đất ở Đức tăng lên 5,1 % trong năm qua.
Tại Châu Á và một số nền kinh tế mới nổi, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu đã làm cho thị trường BĐS đóng băng, có những nơi việc mua bán nhà đất gần như đình trệ.