Tuyến đường trục tây Thăng Long (Hà Nội) với tổng chiều dài dự kiến khoảng 23km, dù mới có chủ trương đầu tư xây dựng, nhưng giá đất xung quanh khu vực này đã và đang được 'thổi' giá.
Những mảnh đất được “cò” quảng cáo sẽ nằm cạnh trục tây Thăng Long với giá 30-40 triệu đồng/m2.
|
Dù thị trường bất động sản (BĐS) đang trầm lắng nhưng tại những khu vực dự kiến có trục tây Thăng Long đi qua, giá đất lại được thổi lên rất nhanh. Theo khảo sát của PV , hiện các văn phòng nhà đất dọc tuyến Quốc lộ 32 và khu vực thị trấn Trôi (Hoài Đức), đang rầm rộ tiếp thị đất các xã thuộc huyện Đan Phượng và Phúc Thọ, nơi dự kiến có tuyến đường trục tây Thăng Long đi qua.
“Đây là thời điểm các nhà đầu tư nên đầu tư đất ở các khu vực dọc trục tây Thăng Long vì sắp tới nó sẽ khởi công và hiện chưa có nhiều người quan tâm mới dễ mua, dễ bán”- Một nhân viên kinh doanh của Trung tâm nhà đất Mạnh Phát ở quốc lộ 32 nói.
Tại một số xã của huyện Đan Phượng (như Tân Lập, Tân Hội, thị trấn Phùng, Phương Đình, Thượng Mỗ...), giá đất đang được các cò thi nhau làm giá. Các cò đất ở đây cho biết, giá đất tại xã Tân Lập, Tân Hội mặt đường trục chính giá 40-50 triệu đồng/m2, vị trí xa trục cũng gần 30 triệu đồng/m2. Vì đây là hai xã chắc chắn có trục đường đi qua, hơn nữa nó giáp ranh huyện Hoài Đức. Còn muốn rẻ hơn thì đầu tư đất xã Phương Đình, dao động từ 10 đến 20 triệu đồng/m2.
Nghe hỏi trục tây Thăng Long đã có mốc giới cụ thể chưa, các cò đất đều cho biết đã có mốc giới, nhiều nhân viên môi giới còn đưa bản đồ hướng trục, vị trí tuyến đường đi qua để tiếp thị. “Mốc giới của trục này đã được cắm từ năm 2009. Trục tây Thăng Long nằm trong quy hoạch mở đường của tỉnh Hà Tây cũ từ năm 2008, nên việc có mốc giới là đương nhiên” - Cò tên Nhiệm giải thích.
Không bị đẩy giá lên cao như ở huyện Đan Phượng, nhưng một số khu vực trên địa bàn huyện Phúc Thọ cũng trở nên sôi động khi có nhiều thông tin đồn thổi trục đường tây Thăng Long sẽ đi qua. Theo khảo sát, hiện lượng hàng rao bán không nhiều như thời điểm trước đây, nhưng những mảnh đất nằm ở vị trí đẹp, đường to cũng đã có khá nhiều người hỏi mua.
Đặc biệt, một số khu vực ở xã Võng Xuyên và xã Phương Độ - những nơi được đồn thổi chỉ cách trục tây Thăng Long này khoảng 50m, nên được nhiều nhà đầu tư khảo giá. “Tôi được người bạn giới thiệu để mua mảnh đất thổ cư ở xã Tam Hiệp - Phúc Thọ, cách Cầu Diễn khoảng 14 km với giá chào bán 12 triệu đồng/m2. Nếu mua vào đầu năm, giá đất tại đây cao nhất chỉ 5 triệu đồng/m2”-Chị Hà ở Khương Trung (quận Thanh Xuân) kể.
Cẩn thận kẻo mắc cạn !
Đại diện UBND huyện Đan Phượng cho biết, giá đất trên địa bàn huyện này gần đây bất ngờ tăng và lượng giao dịch thành công khá lớn. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Nam, Trưởng phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Đan Phượng, nguyên nhân tăng giá do trục Tây Thăng Long chỉ là một phần, mà còn do cơ sở hạ tầng của huyện này đang phát triển mạnh.
“Tình hình giao dịch đất đai trên địa bàn huyện Đan Phượng có tăng nhưng không phải do trục Tây Thăng Long chạy qua địa bàn mà do hạ tầng, nhất là giao thông ở đây được đầu tư tốt, nhiều tuyến đường quan trọng vừa được khởi công xây dựng”- Ông Bình nói.
Theo văn bản đề nghị của UBND TP Hà Nội, đây là tuyến được xây dựng theo hình thức BT (xây dựng-chuyển giao). Theo quy hoạch, trục Tây Thăng Long có tổng chiều dài khoảng 23km, là tuyến kết nối khu vực Tây Hồ Tây và phía Bắc cầu Thăng Long với Khu đô thị Sơn Tây. |
Về trục Tây Thăng Long, lãnh đạo huyện này cho biết, từ năm 2009 huyện đã nhận được thông báo UBND TP Hà Nội về chủ trương làm tuyến đường trục Tây Thăng Long.
“Huyện đã có các buổi họp với các sở ban ngành liên quan nhưng tất cả mới chỉ dừng ở việc bàn thảo hướng tuyến, chứ chưa cụ thể vấn đề gì. Chưa có văn bản chỉ đạo nào liên quan việc thực hiện trục này, nên việc cắm mốc, giải phóng mặt bằng đương nhiên chưa được thực hiện.”- Ông Bình nói.
Theo Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội, hiện dự án trục Tây Thăng Long mới đang dừng ở việc nghiên cứu. “TP giao Sở GTVT phối hợp các ban ngành triển khai thiết kế, lập hồ sơ dự án, thống nhất hướng tuyến và phê duyệt chỉ giới đường đỏ để trình TP thẩm định”- Một vị cán bộ cho biết.
Còn theo các chuyên gia BĐS, hiện nay nhiều nhà đầu tư có thói quen “đi tắt đón đầu” bằng việc đầu tư vào các dự án, các khu đất chưa có quy hoạch cụ thể nên rủi ro sẽ rất cao. “Thời gian qua nhiều nhà đầu tư đã sống dở chết dở khi đầu tư chưa rõ quy hoạch ở trục Thăng Long-Ba Vì, hay mới đây nhiều người phải tháo chạy sau khi đầu tư đất Sóc Sơn. Đầu tư khi chưa rõ quy hoạch rủi ro rất cao”- Một chuyên gia bất động sản nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong