Thống kê của AVM Vietnam tại Báo cáo hoạt động chuyển nhượng và mua bán, sáp nhập (M&A) Vietnam 2010 - 2011 cho thấy, bất động sản (BĐS) là một trong những ngành có số thương vụ và giá trị chuyển nhượng lớn nhất tại Việt Nam, sau lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ tài chính.
Một trong những nguyên nhân chính là việc đầu tư nóng vào ngành dẫn đến việc các chủ đầu tư không đủ năng lực về vốn nên có nhu cầu chuyển nhượng dự án.
Qua việc nghiên cứu thị trường và động thái của các nhà đầu tư trong thời gian qua, AVM Vietnam cho rằng, năm 2011 hoạt động chuyển nhượng dự án BĐS sẽ tiếp tục gia tăng cả về số thương vụ lẫn giá trị.
Cách đây một năm, ông Lương Văn Lý, nhà tư vấn đầu tư Công ty Luật VTL, cho biết, đã nhận được nhiều đề nghị tư vấn chuyển nhượng dự án BĐS tại TP.HCM.
Lúc đó nhu cầu của hai bên, cả bên mua lẫn bên bán đều khá tương đồng. Mục đích chính vẫn là cùng nhau hợp tác để phát triển dự án.
Nhưng giờ đây, xu hướng M&A hiện đã khác nhiều so với năm trước. Nguồn vốn của các chủ dự án BĐS eo hẹp hơn, chính sách siết chặt tài chính của Chính phủ khiến các doanh nghiệp kinh doanh BĐS càng gặp khó.
Theo ông Lương Văn Lý, đây chính là thời điểm mua vào nếu nhà đầu tư nào đủ vốn. Chủ đầu tư có thể mua với giá “mềm” hơn, rồi để đấy chờ cho đến thời gian tới khi thị thị trường phục hồi.
Còn những nhà đầu tư thận trọng hơn, nên chờ đến cuối năm để thấy dấu hiệu phục hồi rõ ràng hơn. Phân khúc dự án đang được chào bán nhiều nhất hiện nay là căn hộ cao cấp. Còn phân khúc nhà ở, căn hộ dưới 1.5 tỷ đồng trở xuống vẫn còn tiêu thụ tốt.
Ông Lý cho rằng, phía mua nên mua lại các dự án căn hộ cao cấp, vì nếu thị trường tốt trở lại, phân khúc cao cấp sẽ phục hồi trước tiên. Đất nền hay biệt thự cũng nên quan tâm, nhưng sẽ không hấp dẫn bằng căn hộ cao cấp.
Nhu cầu của phía bán hiện khá đa dạng, đang cần góp vốn để tiếp tục thực hiện dự án, hoặc sắp sửa hoàn thành, thậm chí vừa mới khởi công. Hình thức mà họ mong muốn là liên doanh, có nhà đầu tư lại muốn bán toàn bộ hoặc từng phần của dự án.
Nhưng nhìn chung, tìm được nhà đầu tư muốn mua lại dự án lúc này cũng khó. Đa phần nhà đầu tư trong nước đều kẹt vốn, trong khi nhà đầu tư khác có vốn nhưng lại tiếp tục chờ xem thị trường diễn tiến như thế nào.
Nếu tính thanh khoản thị trường BĐS của phía Nam trong thời gian trước có sự đóng góp khá lớn từ các nhà đầu tư phía Bắc, thì nay đang có sự chuyển hướng.
Nhà đầu tư phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội đang có khuynh hướng đầu tư tại chỗ nhiều hơn. Họ không đầu tư ồ ạt vào phía Nam như trước đây nữa. Trong khi nhà đầu tư nước ngoài thì vẫn chờ đợi.
DiaOcOnline.vn - Theo Doanh Nhân Sài Gòn